Nằm trong kế hoạch triển khai công tác Nghiên cứu khoa học năm 2008 cho cán bộ, giảng viên, từ ngày 1 đến 11/7 /2008, Trường ĐHKT đã tổ chức xét duyệt bổ sung đề cương cho 4 đề tài, trong đó có 1 đề tài cấp Trường ĐHKT và 3 đề tài cấp ĐHQGHN.
Ngày 1/7, đề cương đề tài: "Phương pháp luợng giá thiệt hại tài nguyên và hệ sinh thái biển do sự cố tràn dầu: Lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và một số phương pháp phù hợp áp dụng cho Việt Nam" do TS. Bùi Đại Dũng (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển) chủ trì đã được hội đồng xét duyệt thông qua và đề nghị tiếp tục triển khai hoàn thiện. Theo ý kiến của các thành viên Hội đồng: đây là đề tài nếu thành công thì có thể mang lại nhiều đóng góp mới. Ủy viên Hội đồng TS. Tạ Đức Khánh cho rằng: "... khi đề tài hoàn thành sẽ đưa ra được phương pháp chung, thống nhất đánh giá kinh tế các tổn thất tài nguyên môi trường và hệ sinh thái biển do sự cố tràn dầu ở Việt Nam, đồng thời thuyết phục được cả về lý luận và thực tiễn khi đề tài sẽ đưa ra được phác đồ triển khai ứng phó một khi có sự cố tràn dầu xẩy ra ở bất kỳ địa phương nào của Việt Nam với một hiệu quả cao về kinh tế và môi trường".
Ngày 4/7, dưới sự điều hành của Chủ tịch PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Hội đồng xét duyệt đã nhận xét, góp ý cho đề cương cho 2 đề tài: (1) "Định mức thu nhập cho cán bộ trong trường đại học công lập - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam" do ThS. Trần Thị Hoài Thương chuyên viên Phòng Tài Chính – Kế Toán chủ trì; (2) "Phát triển nguồn nhân lực ở Trường ĐHKT- ĐHQGHN" do CN. Cảnh Chí Dũng chuyên viên Phòng Hành chính - Tổ chức chủ trì. Các thành viên Hội đồng xét duyệt đều nhất trí rằng cả 2 đề tài này đều có tính thực tiễn cao, phục vụ trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng công tác của nhóm tác giả, đồng thời để các đề tài có tính thuyết phục thì các tác giả cần tập trung điều chỉnh kết cấu cũng như cách thức triển khai các vấn đề chặt chẽ hơn. Thay mặt cho Hội đồng, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Sản phẩm cuối cùng của các đề tài này phải dùng được chứ không phải là những đánh giá chung chung, tổng kết thực tiễn; đã là nghiên cứu ứng dụng các đề tài cần có số liệu và định lượng thực tế, quan trọng nhất là đưa ra được một số giải pháp, đề xuất cụ thể, khả thi".
Cũng trong đợt này, ngày 11/7, một đề tài nữa tập trung nghiên cứu vấn đề kinh tế vĩ mô hết sức nóng bỏng cũng được tổ chức họp xét, lấy ý kiến đóng góp, thông qua đề cương. Đó là đề tài cấp ĐHQG: "Chính sách tiền tệ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập WTO" do TS Nguyễn Thị Thư (GV Khoa Tài chính Ngân hàng) chủ trì. Việc hội nhập WTO của Việt Nam đã tác động sâu sắc tới bối cảnh phát triển kinh tế của đất nước, làm biến đổi môi trường vĩ mô của nền kinh tế, ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực tài chính – tiền tệ, điều tất yếu dẫn tới sự thay đổi trong cung cách điều hành chính sách tiền tệ của chính phủ. Do vậy, với việc lấy dấu mốc là sự kiện Việt Nam gia nhập WTO thì đây là một đề tài tương đối mới mẻ, chưa được nhiều người nghiên cứu và khả thi. Hội đồng xét duyệt nhất trí để nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện đề cương và triển khai đề tài theo tiến độ.
Các chuyên viên của ĐHKT tham gia ngày càng mạnh vào phong trào NCKH: Cảnh Chí Dũng và Trương Thị Huệ kết hợp triển khai đề tài: Phát triển nguồn nhân lực ở Trường ĐHKT- ĐHQGHN.