Ngày 25/5/2009, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Seminar: “Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đánh giá” với sự tham gia báo cáo của PGS. TS. Lê Kim Long, Phó ban Đào tạo, ĐHQGHN và PGS. TS. Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Giáo dục, ĐHQGHN.
Trong bài tham luận: Phương pháp đánh giá giảng viên, PGS.TS Lê Kim Long đã tập trung nhấn mạnh sự cần thiết của công tác này, các công cụ dùng để đánh giá giảng viên từ đó khái quát những tiêu chuẩn để đánh giá giảng viên như: hoạt động giảng dạy, phát triển năng lực chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học, đóng góp cho nhà trường, phục vụ cộng đồng… Ông Long cho rằng để có được sự đánh giá chính xác cần có sự đa dạng về tư liệu đánh giá (đánh giá qua đồng nghiệp, qua cán bộ quản lý, qua sinh viên hoặc tự đánh giá…). Mỗi tư liệu đánh giá có ưu nhược điểm riêng nên bộ tư liệu càng đa dạng, phong phú thì chất lượng, kết quả đánh giá càng cao, chính xác. Các đơn vị muốn tiến hành tốt công tác này cần phải lưu ý: việc đánh giá giảng viên phải có quy định rõ ràng; phiếu đánh giá phải được chuẩn hóa; cần xây dựng và tuyên truyền về văn hóa đánh giá; cần có phần mềm quản lý dữ liệu đánh giá… Xung quanh những vấn đề mà bản tham luận đề cập, đai biểu tham gia đã thảo luận làm rõ thực trạng và những điểm cần điều chỉnh để nâng cao chất lượng công tác đánh giá của Nhà trường hiện nay. Hàng năm, Trường ĐHKT thường xuyên tiến hành công tác đánh giá giảng viên, kết quả đánh giá có những tác động tích cực song theo ý kiến của Phó Hiệu trưởng TS. Ngyễn Ngọc Thanh: để công tác này đạt hiệu quả cao thì phải cần thêm nhiều kênh đánh giá khác nữa chứ không chỉ dừng lại ở đánh giá qua phiếu điều tra sinh viên hay qua phỏng vấn định kỳ của Hiệu trưởng; trong mục tiêu xây dựng Nhà trường trở thành đơn vị đào tạo chất lượng - đẳng cấp, lãnh đạo và cán bộ Trường Đại học Kinh tế luôn coi trọng công tác, kiểm tra cán bộ, việc thành lập bộ phận Khảo thí và Đảm bảo chất lượng là bước đicần thiết trong quá trình chuyên nghiệp hóa công tác này.
Trong phần kế tiếp của seminar, các đại biểu đã được nghe tham luận: Kiểm tra đánh giá trong giáo dục và thiết kế đề thi chuẩn của PGS.TS Nguyễn Phương Nga. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra như: Lộ trình để xây dựng một bộ đề thi chuẩn? Vai trò của ngân hàng dữ liệu đề thi? Nên tiến hành thử nghiệm đề thi như thế nào? Làm sao để tránh những tác động và hệ quả tiêu cực của sinh viên làm thí nghiệm?... Đối với mỗi câu hỏi, PGS.TS Nguyễn Phương Nga đều có những tư vấn xác đáng, được sự đồng tình của các đại biểu. Việc xây dựng những đề thi chuẩn và có một ngân hàng dữ liệu đề thi chất lượng là yêu cầu tất yếu cần làm của một đơn vị đào tạo uy tín. Ra đề thi và đảm bảo chất lượng của đề thi là nhiệm vụ của giảng viên tuy nhiên hiện nay, giảng viên giảng dạy giỏi chưa chắc ra đề thi đã giỏi. Việc kết hợp yêu cầu giảng dạy và ra đề thi tốt là khó và gây lúng túng cho các khoa. Trả lời vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Trường ĐHKT sẽ hỗ trợ về cơ sở vật chất và trả thù lao cho công tác ra đề thi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng ra đề cho giảng viên…”
Buổi seminar diễn ra nghiêm túc, hiệu quả là cơ sở để Nhà trường tiếp tục tổ chức các hoạt động phục vụ cho việc nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đánh giá cán bộ, giảng viên, công tác ra đề thi trong thời gian tới.
PGS.TS Lê Kim Long (phải) phát biểu tại buổi thảo luận.