Sáng 15/3/2009, buổi Tư vấn mùa thi tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp - Hà Nội đã thu hút hơn 6.000 học sinh các trường THPT tham gia. Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi và đại diện 30 Trường ĐH, CĐ, TCCN. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham gia buổi tư vấn này.
>> Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tuyển sinh năm 2009
Những điểm mới cần lưu ý:
Ông Ngô Kim Khôi cho biết: kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung so với các năm trước. Cụ thể, trừ môn ngoại ngữ, đề thi sẽ có hai phần, phần chung cho tất cả các thí sinh và phần riêng cho chương trình chuẩn hoặc nâng cao. Tuy nhiên, khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi ĐH, CĐ được quyền chọn một phần riêng thích hợp để làm bài mà không nhất thiết là học phần nào chỉ được làm phần đề dành riêng cho chương trình đó. Đối với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu, tổ chức môn thi văn hóa và môn năng khiếu thì các môn văn hóa thi theo đề chung của Bộ GD-ĐT; các môn năng khiếu thi theo đề riêng của trường. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức việc ra đề thi, tổ chức thi và chấm thi các môn năng khiếu.
Về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh, theo ông Khôi cũng có những thay đổi: đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết; các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.
Các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, quyết định. Đối với những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp nếu trúng tuyển sẽ bị buộc thôi học và cấm thi trong 2 năm tiếp theo. Ông Khôi còn cho biết năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố rõ loại hình trường trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009. Vì vậy, học sinh cần lưu ý, những trường có đánh dấu * tại tên trường trong cuốn sách này là những Trường ĐH-CĐ ngoài công lập.
Học để lấy bằng kép:
TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) giới thiệu: Năm 2009, ĐHQG Hà Nội tuyển sinh ngành kép. Đây là chương trình đào tạo liên thông giữa hai Trường ĐH thành viên: ĐH Kinh tế và ĐH Ngoại ngữ. Ngành kép là chương trình đào tạo áp dụng đối với những thí sinh trúng tuyển vào một trong 2 trường nói trên. Mỗi sinh viên sẽ học song song chương trình của cả hai trường, khối thi đầu vào cho chương trình liên thông này vẫn như đầu vào các ngành khác ở hai trường. Chương trình đào tạo bằng kép cho phép học viên sau 5-6 năm có được 2 bằng ĐH chính quy ở 2 chuyên ngành độc lập của 2 trường: ĐH Kinh tế và ĐH Ngoại ngữ. Ông Thanh cho biết: Học hết năm thứ nhất, nếu sinh viên Trường ĐH Kinh tế đạt điểm trung bình chung tích lũy từ 2,0 trở lên sẽ được đăng ký học một chuyên ngành khác ở Trường ĐH Ngoại ngữ. Tương tự, với điều kiện như vậy, sinh viên ĐH Ngoại ngữ có thể đăng ký học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kinh tế đối ngoại ở ĐH Kinh tế.
Cũng theo ông Thanh: Năm 2009, Trường ĐH Kinh tế có chuyên ngành mới là Tài chính Ngân hàng - tiếng Anh (tiếng Anh do Trường ĐH Ngoại ngữ đảm nhận). Trong số 150 tín chỉ đào tạo của chuyên ngành này có khoảng 30 tín chỉ ngoại ngữ. Kết thúc 4 năm học, sinh viên có bằng ĐH ngành Tài chính Ngân hàng và chuyên ngành Tài chính Ngân hàng - tiếng Anh. Bằng này do Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế ký. Ngược lại, Trường ĐH Ngoại ngữ cũng có chuyên ngành đào tạo bằng tiếng Anh, trong đó có 3 chuyên ngành tiếng Anh - Tài chính ngân hàng, tiếng Anh - Quản trị kinh doanh, tiếng Anh - Kinh tế đối ngoại. Sinh viên ra trường có bằng cử nhân tiếng Anh và một trong những chuyên ngành là tiếng Anh – Tài chính ngân hàng, tiếng Anh - Quản trị kinh doanh, tiếng Anh – Kinh tế đối ngoại (các chuyên ngành này do ĐH Kinh tế đảm nhận). Các bằng này được hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ ký.
Các bộ tài liệu về chương trình tuyển sinh của Trường đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Đông đảo học sinh tham gia buổi tư vấn tuyển sinh ngày 15/3.