Ngày 9/7/2009, Hội thảo “Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” đã được liên văn phòng gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức. PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN cùng một số cán bộ, giảng viên của Trường đã tham dự và có bài tham luận tại hội thảo.
Với bối cảnh kinh tế thế giới đang trong giai đoạn suy thoái sâu rộng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lớn nhất trong suốt 50 năm qua. Cuộc khủng hoảng bắt đầu diễn ra tại các nước phát triển, nhưng đã nhanh chóng lan ra các nước, trong đó có Việt Nam. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP và xuất khẩu giảm, trong khi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp của nước ta đã tăng cao. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những đánh giá cụ thể các vấn đề nảy sinh, từ đó tìm ra các giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển. Hội thảo này được tổ chức nhằm hướng tới giải quyết những yêu cầu đó.
Hội thảo đã thu hút được nhiều tham luận của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và các doanh nhân, cũng như nhận được sự quan tâm, tài trợ của Dự án hỗ trợ thương mại đa biên EU-Vietnam Mutrap III. Hội thảo tập trung vào các chủ đề khác nhau như định hướng chiến lược phục hồi kinh tế sau khủng hoảng bằng việc hướng tới một mô hình phát triển bền vững hơn, giải pháp phát triển kinh tế vĩ mô, giải pháp về phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, giải pháp về chính sách công nghiệp, giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài… Một trong những chủ đề của hội thảo rất được quan tâm là giải pháp phát triển nguồn nhân lực sau khủng hoảng do PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, trình bày.
Bài tham luận của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ (đồng tác giả TS. Phạm Thùy Linh - Khoa QTKD) đã nêu ra những bất cập mà nguồn nhân lực của nước ta đang gặp phải như số lượng nhân lực phổ thông nhiều nhưng số lượng nhân lực chất lượng cao thiếu, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực không đồng đều. Bài tham luận cũng chỉ ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm trầm trọng thêm các vấn đề đó, đồng thời còn làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Từ những bất cập đó về nguồn nhân lực, bài tham luận đã nêu ra 5 nhóm giài pháp nhằm tái tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng được sự thay đổi cũng như yêu cầu mới về nguồn nhân lực của các ngành nghề sau khủng hoảng. 5 nhóm giải pháp này bao gồm: tăng cường các hoạt động dự báo về cung cầu nguồn nhân lực, cải thiện thông tin về nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động của các công ty cung ứng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, và xây dựng các chế độ chính sách đãi ngộ thích hợp. Quan điểm và giải pháp phát triển nguồn nhân lực sau khủng hoảng của Trường ĐHKT đã thu hút được sự quan tâm, thảo luận và đánh giá cao về tính thiết thực của những người tham dự hội thảo.