Trang tin tức sự kiện
 
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: Hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục hướng tới chuẩn quốc tế

Sinh viên Trường ĐHKT được học tập trong môi trường hiện đại với giảng viên giàu chuyên môn và năng lực
Đảm bảo chất lượng nói chung và đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD) nói riêng được coi là hoạt động quan trọng của Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN trong việc góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu, hướng tới chuẩn quốc tế.


Đảm bảo chất lượng giáo dục cả bên trong và bên ngoài

Phân tích tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng giáo dục tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN, TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường ĐHKT duy trì hệ thống đảm bảo chất lượng dạy và học với mô hình gồm 4 cấp độ. Thứ nhất, Trường được hỗ trợ từ hệ thống ĐBCL của ĐHQGHN với cơ quan chuyên trách là Hội đồng Đảm bảo Chất lượng Giáo dục và Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục - có vai trò tư vấn, phối kết hợp và điều chỉnh các hoạt động ĐBCL bên trong ĐHQGHN. ĐHQGHN là đơn vị mời và tuyển chọn các đánh giá viên bên ngoài về đánh giá hoạt động đào tạo và ĐBCL cho các trường đại học thành viên khối ĐHQGHN. Thứ hai, mô hình ĐBCL Trường ĐHKT với đơn vị chức năng là Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục có vai trò tư vấn, điều chỉnh, phối kết hợp với các phòng, ban, bộ phận chức năng triển khai các hoạt động ĐBCL bên trong Trường. Thứ ba, ở cấp độ các khoa cũng duy trì các hoạt động đảm bảo chất lượng cho chương trình. Cuối cùng, sự phản hồi của xã hội về chương trình và Nhà trường cũng giúp trường thường xuyên cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhằm liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, Trường ĐHKT đã luôn chủ động tham gia các hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng theo các hệ thống đánh giá, kiểm định của Bộ Giáo dục - Đào tạo và của ĐHQGHN. Năm 2010, Trường ĐHKT tự đánh giá kiểm định chất lượng theo các tiêu chí của Bộ GD&ĐT. Năm 2012, trường thực hiện kiểm định chất lượng theo các tiêu chí của ĐHQGHN và đạt Chứng chỉ kiểm định của Hội đồng Đảm bảo Chất lượng Giáo dục - ĐHQGHN. Bên cạnh kiểm định chất lượng đơn vị đào tạo, trường còn chủ động thực hiện đánh giá các chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn đánh giá của Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á (ASEAN Universitites Network - AUN.
AUN được thành lập năm 1995 với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khu vực ASEAN. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường đại học trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (AUN - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Nắm bắt được những lợi ích khi tham gia mạng lưới, năm 2010, Trường ĐHKT đã thực hiện đánh giá ngoài Chương trình cử nhân Kinh tế quốc tế hệ chất lượng cao theo bộ tiêu chuẩn gồm 18 tiêu chí của AUN và đạt 4.69/7 điểm.
Sau khi được đánh giá, chương trình được định kỳ rà soát nhằm từng bước khắc phục những điểm còn tồn tại để hoàn thiện chương trình. Bên cạnh các thế mạnh của chương trình (như nội dung chương trình, chất lượng sinh viên, phản hồi tích cực của các bên liên quan, thiết kế chương trình…), chương trình tiếp tục đầu tư để cải thiện các điểm về chiến lược dạy và học và các hoạt động phát triển đội ngũ cán bộ. Từ đây, các hoạt động đào tạo của nhà trường tập trung giải quyết các vấn đề: tập trung phát triển chiến lược dạy và học cho giảng viên và sinh viên; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phục vụ. Ngoài ra, Trường ĐHKT đang tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các chương trình đào tạo của nhà trường nói chung và Chương trình cử nhân Kinh tế quốc tế hệ chất lượng cao nói riêng.


Trường ĐHKT tiếp đón và làm việc với đoàn đánh giá của AUN tháng 5/2014


Tiếp nối những thành công của chương trình đầu tiên, tháng 5/2014, Trường ĐHKT tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng Chương trình cử nhân ngành Quản trị kinh doanh hệ đạt chuẩn quốc tế theo đúng quy trình: tự đánh giá (ĐBCL bên trong - internal assurance), đánh giá ngoài (ĐBCL bên ngoài - external assurance) nhằm đạt chuẩn về kiểm định chất lượng (accreditation). Sau đánh giá, Trường ĐHKT sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển các chương trình theo định hướng đảm bảo được các tiêu chuẩn và điều kiện về ĐBCL đào tạo theo chuẩn AUN, nhằm đạt mục tiêu trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu được xếp hạng cùng với các đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á, trong đó có một số ngành và chuyên ngành được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học có uy tín trên thế giới.


 Đảm bảo chất lượng giáo dục thông qua mô hình khung chương trình đào tạo tiên tiến

Việc xây dựng mô hình khung chương trình đào tạo đóng vai trò then chốt để đảm bảo một đơn vị đào tạo có chất lượng. Tại Trường ĐHKT, mô hình khung chương trình đào tạo cho các chương trình của trường được xây dựng, tổ chức liên thông theo các khối, môn vừa đảm bảo tận dụng lợi thế chia sẻ nguồn lực trong toàn ĐHQGHN cũng như từ các đơn vị trong Trường ĐHKT, đồng thời đảm bảo tính khác biệt của các chuyên ngành.
Mô hình xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo của trường xuất phát từ yêu cầu của xã hội đặt trong bối cảnh và xu thế quốc tế, trong đó có đối sánh với các chương trình tiên tiến quốc tế. Qua đó, chuẩn đầu ra của các chương trình (gồm kiến thức, kỹ năng cá nhân và nghề nghiệp, kỹ năng xã hội, năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn…) và khung chương trình đào tạo được xây dựng và tích hợp với sự tham gia của nhà sử dụng lao động, đội ngũ chuyên gia, giảng viên trong nước và quốc tế, cựu sinh viên, sinh viên, các nhà quản lý giáo dục…
Toàn bộ hoạt động đào tạo và hỗ trợ đào tạo được thiết kế hướng người học đạt được chuẩn đầu ra dự kiến. Thông qua một loạt các yếu tố như: chương trình đào tạo, chiến lược dạy và học, kinh nghiệm và năng lực giảng dạy của giảng viên, cơ sở vật chất, kiểm tra đánh giá, và đánh giá tổng thể chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra chương trình tập trung trả lời cho câu hỏi đào tạo CÁI GÌ, đào tạo NHƯ THẾ NÀO?



Hàng năm, các sinh viên khóa cuối của chương trình đạt chuẩn quốc tế, chương trình chất lượng cao đều bảo vệ tốt nghiệp bằng tiếng Anh trước Hội đồng gồm: giảng viên Trường ĐHKT và đại diện các đối tác từ doanh nghiệp, hiệp hội, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học khác


Ngoài ra, Trường ĐHKT còn thường xuyên triển khai hoạt động thu thập các ý kiến đóng góp của cộng đồng và các bên liên quan (nhà tuyển dụng, thị trường lao động, người học, người dạy…) nhằm ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. “Thành công của nhà trường còn có sự đóng góp không nhỏ của mạng lưới đối tác trong và ngoài nước” - TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, “Đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao đào tạo, tài trợ học bổng, hỗ trợ cử chuyên gia, giảng viên trong các các đợt thực tập/thực tế, chia sẻ kinh nghiệm hoặc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trong tương lai. Mạng lưới đối tác cũng là một trong các tiêu chí xếp hạng trường đại học được Trường ĐHKT quan tâm sâu sắc và không ngừng thắt chặt quan hệ”.

Sinh viên học tập tại Trường ĐHKT được thụ hưởng nhiều lợi thế do trường tập trung vào phát triển chất lượng và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm chỉ có hạn. Các thế mạnh của Trường ĐHKT qua nhiều năm được sinh viên đánh giá cao đó là: có nhiều cuộc hội thảo, trao đổi sinh viên quốc tế, trong nước; sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận học bổng và tài trợ, nhiều lựa chọn cho việc thực tập, thực tế; giảng viên giàu chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực sư phạm; môi trường học tập hiện đại; giáo trình, học liệu luôn được cập nhật; trình độ tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế...
Tầm quan trọng của đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng đã được Trường ĐHKT nhận thức rất rõ. Chất lượng của giáo dục thể hiện ở sự hài lòng của các bên liên quan như người học, giảng viên, cán bộ hành chính và đáp ứng nhu cầu xã hội. Chất lượng đầu ra chính là động lực để Trường ĐHKT hoàn thành sứ mệnh đặt ra.

Bài: Dương Anh - Ảnh: Đỗ Chiêm