Phóng viên: Xin chào TS. Đào Thị Tuyết Nhung! Được biết, ngành Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN hiện nay đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm, yêu thích và tìm hiểu về chương trình đào tạo cũng như lợi thế khi theo học ngành này tại Nhà trường. Rất mong Cô có thể chia sẻ sâu hơn về ngành học, cũng như lợi thế của sinh viên khi theo học ngành Tài chính - Ngân hàng tại UEB so với các đơn vị đào tạo khác trên cả nước?
TS. Đào Thị Tuyết Nhung:
Xin chào các bạn học sinh và các bậc phụ huynh quan tâm đến ngành Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN!
Tài chính Ngân hàng là một trong những ngành học rộng, liên quan đến các lĩnh vực quản lý tiền tệ, tài chính tại các tổ chức và các hoạt động liên quan đến tín dụng, đầu tư, hay tất cả các dịch vụ giao dịch, luân chuyển, thẩm định, và phân tích tiền tệ. Cụ thể, đây là ngành học về lĩnh vực tiền tệ thông qua hoạt động của ngân hàng, các định chế tài chính phi ngân hàng, các doanh nghiệp và các lĩnh vực tài chính công liên quan đến các công cụ và thị trường tài chính trong nước và quốc tế...
Từ năm 2022, chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng được xây dựng với 5 chuyên ngành: Đầu tư tài chính, Tài chính doanh nghiệp, Quản trị ngân hàng, Tài chính công và Bảo hiểm hưu trí. Việc cá thể hóa chương trình đào tạo với 5 chuyên ngành, giúp sinh viên định hướng được triển vọng nghề nghiệp, khả năng tư tuy tốt và dễ dàng thích ứng với những thay đổi trong thị trường việc làm là lợi thế vàng cho sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Khung chương trình đào tạo Cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN được thiết kế dựa trên khung đào tạo các học phần chung trong toàn ĐHQGHN, các học phần của Nhà trường và các học phần riêng chuyên sâu thuộc chuyên ngành Tài chính - ngân hàng của Khoa Tài chính - Ngân hàng, đảm bảo tính liên thông và chuyên sâu dựa trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo Cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng của các Trường Đại học uy tín hàng đầu trên thế giới.
Nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính - ngân hàng của Khoa Tài chính - Ngân hàng cung cấp khối kiến thức đạt chuẩn trên 70% theo tiêu chuẩn chương trình CFA. Khoa Tài chính - Ngân hàng cũng là thành viên của chương trình liên kết đại học của Viện CFA (CFA Institute University Affiliation Program) từ năm 2022. Chương trình đào tạo Cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng của Khoa Tài chính - Ngân hàng đã có tỷ lệ số tiêu chí đạt 100% theo tiêu chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT, khẳng định với người học và xã hội về uy tín, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu thuộc top đầu cả nước.
Phóng viên: Các chuyên ngành chuyên sâu sẽ cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng gì, thưa Cô?
TS. Đào Thị Tuyết Nhung:
Mỗi chuyên ngành chuyên sâu sẽ trang bị những kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp riêng cho sinh viên theo học, cụ thể:
Chuyên ngành Đầu tư tài chính: Sinh viên được cung cấp những kiến thức đầu tư hiện đại, cập nhật nhất. Đó là các lý thuyết tài chính và những tình huống thực nghiệm nhằm đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt, mang lại lợi nhuận hấp dẫn trên địa hạt kinh doanh. Chọn học chuyên ngành Đầu tư tài chính, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức liên quan đến định giá doanh nghiệp, định giá các tài sản tài chính, phương pháp ứng dụng trong tài chính, các công cụ phái sinh, tài chính hành vi,...
Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp: là chuyên ngành liên quan và nghiên cứu về những vấn đề tài chính, ngân sách, đầu tư của doanh nghiệp. Sinh viên khi lựa chọn chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sẽ được trang bị kiến thức về quản lý tài chính doanh nghiệp, thẩm định tài chính dự án, kế toán tài chính doanh nghiệp, tài chính mã hóa, ứng dụng Python trong tài chính…
Chuyên ngành Quản trị ngân hàng: Sinh viên chọn học chuyên ngành sẽ được trang bị những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về tài chính, ngân hàng, tiền tệ, quản trị tín dụng, quản trị vốn và tài sản, các kiến thức về phát hành tiền, thẩm định hạn mức tín dụng. Song song đó, sinh viên còn được tiếp thu kiến thức về quản lý ngân hàng điện tử, một xu thế phát triển trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng; ngân hàng quốc tế, quản lý, kinh doanh vốn và ngoại tệ…
Chuyên ngành Tài chính công: Sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ có được kiến thức thiết kế, đánh giá và tư vấn về lĩnh vực chính sách tài chính công; nắm bắt và ứng dụng tốt các nguyên tắc quản trị khu vực công; các kỹ năng phân tích trong quản trị tài chính của lĩnh vực công. Ngoài ra, các bạn còn nắm được các nguồn lực của xã hội cũng như quản trị sự thay đổi khu vực công trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá; được trau dồi thêm nghiệp vụ thuế; lập, phân bổ, điều hành dự toán ngân sách của các cấp ngân sách và của các đơn vị công; quản lý, định giá tài sản công…
Chuyên ngành Bảo hiểm, hưu trí: là một trong số những ngành mới phát triển và tạo được làn sóng vô cùng mạnh mẽ trong đời sống xã hội hiện nay với sự gia tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng của các dịch vụ. Theo học chuyên ngành Bảo hiểm, hưu trí sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về bảo hiểm xã hội, định phí bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, hưu trí và quản lý quỹ hưu trí…
Phóng viên: Bên cạnh cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu theo từng chuyên ngành, tính ứng dụng thực tiễn của ngành Tài chính – Ngân hàng còn được thể hiện như thế nào, thưa TS. Đào Thị Tuyết Nhung?
TS. Đào Thị Tuyết Nhung:
Đào tạo gắn liền với thực tiễn và nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp luôn là kim chỉ nam trong các hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Với mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, có khả năng thích ứng tốt với các môi trường làm việc khác nhau, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được tạo điều kiện tiếp xúc, trò chuyện và lắng nghe chia sẻ của chính các chuyên gia ngân hàng, tổ chức tài chính… về chuyện nghề, về yêu cầu và cơ hội việc làm rộng mở ngay từ năm thứ nhất. Qua đó, sinh viên sẽ hình thành được những mục tiêu trong quá trình học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, áp dụng thực tế thông qua các sân chơi như SV Tài chính, các hoạt động như kiến tập, thực tập thực tế được triển khia ngay từ năm thứ 2, thứ 3 để tích luỹ kinh nghiệm, phẩm chất nghề nghiệp để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngành Tài chính – ngân hàng ngay khi tốt nghiệp.
Trong quá trình đào tạo, với mỗi chuyên ngành cụ thể, các em sinh viên sẽ được đến các tổ chức, doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành học để kiến tập và thực tập, từ đó học hỏi được thêm các kiến thức thực tế và hiểu được thêm thực tiễn nghề nghiệp tương lai.
Phóng viên: Cơ hội việc làm cho sinh viên theo học ngành Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cụ thể như thế nào ạ?
TS. Đào Thị Tuyết Nhung:
Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN hướng tới đào tạo các chuyên gia tài chính ngân hàng ứng dụng - Professional Financiers and Bankers để đảm nhận các vị trí công việc chuyên môn tại các doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính – xã hội khác. Với những kiến thức cơ bản và nâng cao về chuyên ngành được đào tạo, các sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng Chất lượng cao của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có thể đảm nhận được những vị trí công việc như sau:
- Nhóm 1: Các chuyên viên tài chính, cán bộ tín dụng, cán bộ phân tích tài chính và có thể cân nhắc làm trưởng nhóm làm việc tại các ngân hàng, các doanh nghiệp, công ty chứng khoán, công ty tài chính, quỹ đầu tư, các định chế tài chính khác ở trong và ngoài nước; có định hướng phát triển thành cán bộ quản lý trong tương lai.
- Nhóm 2: Cán bộ, chuyên viên tài chính ngân hàng tại các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban giám sát Tài chính, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Vụ chính sách tiền tệ trực thuộc các Bộ, và các cơ quan trực thuộc Chính phủ và các Ban ngành khác; có định hướng phát triển thành cán bộ quản lý trong tương lai.
- Nhóm 3: Các chuyên viên, cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về tài chính ngân hàng làm việc tại các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu hoặc các tổ chức khác; có định hướng phát triển thành cán bộ quản lý trong tương lai.
Phóng viên: Trong quá trình theo học, sinh viên có cơ hội được tiếp cận việc làm sớm hay được
Khoa Tài chính – Ngân hàng hỗ trợ tìm kiếm các cơ hội thực tập hay tuyển dụng vào các cơ quan, doanh nghiệp không ạ?
TS. Đào Thị Tuyết Nhung:
Tất nhiên rồi! Đây cũng là một lợi thế đặc biệt dành cho sinh viên theo học ngành Tài chính – Ngân hàng tại UEB, bởi Nhà trường nói chung và Khoa Tài chính - Ngân hàng nói riêng luôn tích cực kết nối với các doanh nghiệp và tổ chức để có được các cơ hội thực tập và tuyển dụng cho sinh viên. Cơ sở dữ liệu về thực tập và việc làm được cập nhật, kiểm soát và bổ sung thường xuyên lấy từ các kênh uy tín thông qua các hợp tác chiến lược với các tổ chức doanh nghiệp, từ mối quan hệ của các giảng viên, cũng như được sự hỗ trợ của UEB Family và Hội Cựu sinh viên, Cựu học viên. Thông tin về cơ hội việc làm được cung cấp qua các kênh chính thức của Khoa như Website Khoa, Fanpage Khoa và Fanpage Liên chi đoàn.
Trong quá trình học tập, sinh viên được tham gia các buổi nói chuyện Career Talk về định hướng nghề nghiệp, seminar về Phương pháp và định hướng nghiên cứu khoa học; Tham gia cuộc thi và chương trình của các CLB chuyên môn như SV Tài chính, World Savings Day; các buổi đào tạo kỹ năng mềm với các chuyên gia thực tiễn và nhà khoa học trong ngành Tài chính - Ngân hàng.
Các đơn vị tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tế và tuyển dụng hoạt động trong nhiều lĩnh vực tiêu biểu có thể kể đến như sau:
- Ngân hàng: Vietinbank, MB,Techcombank, BIDV, HD Bank, PVComBank, ACB, SHB,...
- Quỹ đầu tư/Công ty tài chính/Bảo hiểm: VISA, VNDirect, SSI, Chứng khoán MBS, Chứng khoán Rồng Việt, Vietstock, AI Capital, QM Capital...
- Cơ quan/tổ chức: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam...
Phóng viên: Một trong những điều mà các bạn học sinh cũng rất quan tâm đó chính là các chương trình học bổng và các hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên theo học, mong Cô chia sẻ thêm về những chương trình này?
TS. Đào Thị Tuyết Nhung:
Sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng có nhiều cơ hội nhận được các học bổng giá trị cao từ các đối tác uy tín như Viện CFA và Hiệp hội Quản trị rủi ro toàn cầu (GARP). Bên cạnh các học bổng từ đối tác, sinh viên của Khoa còn được hưởng các chính sách hỗ trợ chung của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Những chính sách này bao gồm các chương trình học bổng, cơ hội tham quan và trao đổi quốc tế. Mỗi kỳ học, sinh viên có thể tham gia xét duyệt các chương trình học bổng thuộc Quỹ học bổng Khuyến khích học tập của Trường. Quỹ này bao gồm 9 loại học bổng có trị giá cao, nhằm khuyến khích và hỗ trợ sinh viên xuất sắc trong học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, còn có nhiều học bổng khác từ các nguồn ngoài ngân sách và từ các nhà tài trợ, đối tác của Nhà trường.
Sinh viên Tài chính - Ngân hàng cũng rất năng động và nhiệt huyết trong các hoạt động ngoại khóa, có cơ hội tham gia các câu lạc bộ chuyên môn về lĩnh vực như: Câu lạc bộ Tài chính cá nhân, Câu lạc bộ Đầu tư tài chính,... để trau dồi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và phát triển kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, thầy cô cũng luôn tạo điều kiện và khuyến khích các em tham gia các cuộc thi trí tuệ như: CFA Institute Research Challenge, FinMaster, Vietnam ESG Challenge, Future Banker, Business Challenges...để giúp mỗi sinh viên rèn luyện kỹ năng thực tiễn, áp dụng lý thuyết vào thực tế và phát huy tài năng cá nhân. Những cuộc thi này không chỉ giúp sinh viên nâng cao kiến thức mà còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo và khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo, tạo hành trang vững chắc cho các em bước vào môi trường công việc trong tương lai!
Cảm ơn những chia sẻ của TS. Đào Thị Tuyết Nhung về chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng và các chuyên ngành. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, các bạn học sinh sẽ có thêm những hiểu biết chuyên sâu về ngành học để đưa ra quyết định đúng đắn cho tương lai của mình!