Trang Đào tạo sau đại học
 
Thông tin Luận án tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Hoàng Trọng Hòa

Tên đề tài luận án: Mối quan hệ giữa Chiến lược sản xuất và Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất chế tạo ở Việt Nam


1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Hoàng Trọng Hòa

2. Giới tính: Nam

3. Ngày sinh: 10/02/1988

4. Nơi sinh: Hạ Long, Quảng Ninh

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 4093/QĐ-ĐHKT ngày 16/12/2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đào tạo tiến sĩ.

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo:

- Quyết định số 2491/QĐ-ĐHKT ngày 14/9/2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội về việc điều chỉnh đề tài luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Hoàng Trọng Hòa, Khóa QH-2016-E.

- Quyết định số 4113/QĐ-ĐHKT ngày 31/12/2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội về việc cho phép nghiên cứu sinh kéo dài thời gian đào tạo

7. Tên đề tài luận án: Mối quan hệ giữa Chiến lược sản xuất và Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất chế tạo ở Việt Nam.

8. Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh

9. Mã số: 9340101.01

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS. Lê Thái Phong; 2. PGS. TS. Phan Chí Anh

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Luận án nghiên cứu này có những kết quả đóng góp cụ thể và khác biệt cho hệ thống nghiên cứu cả trong và ngoài nước:

  • Thứ nhất, nghiên cứu làm sâu sắc hơn hiểu biết về mối quan hệ giữa Chiến lược sản xuất và Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất. Trong điều kiện các nghiên cứu về Chiến lược sản xuất tại các nước châu Á và các nước đang phát triển còn hạn chế, nghiên cứu này có vai trò quan trọng trong việc gia tăng hiểu biết về Chiến lược sản xuất ở những khu vực này, đặc biệt khi Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về sản xuất.
  • Thứ hai, việc áp dụng các nghiên cứu nước ngoài, đặc biệt là các nghiên cứu từ phương Tây cho môi trường nghiên cứu trong nước thường sẽ gặp phải nhiều khó khăn do các khác biệt về hệ quy chiếu. Vì vậy, một nghiên cứu trực tiếp về đề tài Chiến lược sản xuất sẽ là đóng góp thiết thực cho hệ thống học thuật hiện tại ở Việt Nam, đặc biệt là khi đề tài này vẫn chưa có nhiều học giả khai thác.
  • Thứ ba, người viết đề xuất một khung phân tích trên cơ sở kết hợp các cấu phần của Chiến lược sản xuất gồm cả Ưu tiên cạnh tranh và Lựa chọn chiến lược, khi các nghiên cứu trước đây thường chỉ có 01 trong 02 cấu phần. Bên cạnh đó, khung phân tích của luận án cũng tìm hiểu không chỉ mối quan hệ giữa Chiến lược sản xuất với Kết quả hoạt động như phần lớn các nghiên cứu trước kia, mà còn làm rõ cả các tương tác nội tại giữa các cấu phần của Chiến lược sản xuất với nhau và với tác động đối với Kết quả hoạt động.
  • Thứ tư, việc nghiên cứu về công nghệ trong Chiến lược sản xuất với Kết quả hoạt động cũng là một nét mới trong nghiên cứu quốc tế; Theo Chatha và Butt (2015), yếu tố công nghệ trong Chiến lược sản xuất hiện đang thiếu hụt trong phần lớn các nghiên cứu trước đây về đề tài này.
  • Cuối cùng, nghiên cứu cũng đưa ra một cách tiếp cận mới, đa chiều hơn so với nhiều nghiên cứu trước đây về Chiến lược sản xuất và mối quan hệ với Kết quả hoạt động, với việc sử dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp, kết hợp cả 02 phương pháp định tính và định lượng, các dữ liệu xuyên quốc gia, ở nhiều góc độ nhằm làm giàu tri thức về mối quan hệ giữa Chiến lược sản xuất và Kết quả hoạt động cả về chiều sâu và chiều rộng.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tác động tích cực của Chiến lược sản xuất đối với Kết quả hoạt động của doanh nghiệp sản xuất chế tạo Việt Nam. Đồng thời, vai trò trọng yếu của yếu tố công nghệ trong việc hiện thực hóa, xúc tác triển khai Chiến lược sản xuất và cải thiện Kết quả hoạt động cũng được làm rõ. Bên cạnh đó, luận án cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị giá trị để các doanh nghiệp triển khai Chiến lược sản xuất và nâng cấp ứng dụng công nghệ được hiệu quả hơn.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:

Nghiên cứu giúp các nhà quản lý hiểu thêm về thực trạng Chiến lược sản xuất cũng như mối quan hệ giữa Chiến lược sản xuất và Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực sản xuất chế tạo ở Việt Nam. Từ đó, các nhân sự quản trị, những người làm việc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất có được một khung tiếp cận sơ bộ để nhìn nhận, xem xét, đánh giá hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mình dưới lăng kính chiến lược. Các doanh nghiệp cũng nhờ vậy mà ý thức cụ thể hơn về những ảnh hưởng tới Kết quả hoạt động của doanh nghiệp được tạo ra bởi các điều chỉnh về vận hành, tác nghiệp trên cơ sở hiện thực hóa Chiến lược sản xuất.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cung cấp một số kiến nghị về quản lý và chiến lược cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm xây dựng Chiến lược sản xuất một các phù hợp, đúng đắn cũng như triển khai Chiến lược sản xuất hiệu quả từ cấp quản lý, lãnh đạo đến những nhân sự tác nghiệp, vận hành. Nghiên cứu mang đến những gợi ý, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quốc tế, đồng thời đưa ra những bài học về nâng cấp công nghệ, cải thiện hệ thống quản lý quy trình, nguồn lực, v.v. để đạt được các mục tiêu sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ hiểu biết cho các doanh nghiệp sản xuất muốn ứng dụng công nghệ để nâng cao Kết quả hoạt động. Nghiên cứu chỉ ra các cách tiếp cận, định hướng, bước đi mà các doanh nghiệp nên triển khai để đón nhận công nghệ mới được hiệu quả. Nhiều báo cáo hiện nay đã chỉ ra rằng doanh nghiệp sản xuất Việt Nam dường như đang đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vốn đang bùng nổ trên toàn thể giới. Những doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao muốn tận dụng những ưu thế mà tiến bộ công nghệ đương thời mang lại sẽ là những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ các kết quả của nghiên cứu này.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:

Từ các kết quả đã đạt được của luận án, đồng thời nhằm đến cải thiện những hạn chế trong quá trình nghiên cứu, tác giả đề xuất một số hướng nghiên cứu khả thi trong tương lai như sau.

Thứ nhất, việc thiết kế bảng hỏi của nghiên cứu trong tương lai cần được chuẩn hóa để phục vụ phù hợp cho đề tài Chiến lược sản xuất; bên cạnh đó, dữ liệu định lượng được sử dụng cho Kết quả hoạt động của doanh nghiệp nên được phân tách từ các số liệu tài chính, kế toán cụ thể. Làm vậy, việc đo đạc Chiến lược sản xuất được chính xác hơn và Kết quả hoạt động của doanh nghiệp cũng được thể hiện khách quan hơn, mặc dù công tác chuẩn hóa có thể sẽ là một thách thức. Thứ hai, hoạt động nghiên cứu định tính trong tương lai nên hướng tới những doanh nghiệp có Chiến lược sản xuất cũng như ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai đồng bộ trong hoạt động sản xuất, điều này giúp cuộc thảo luận được sâu sắc hơn, vai trò của Chiến lược sản xuất và các triển khai công nghệ đối với Kết quả hoạt động cũng sẽ được thể hiện sinh động hơn. Thứ ba, mẫu nghiên cứu cần được mở rộng hơn trong tương lai, đảm bảo tính đại diện của mẫu cũng như cải thiện chất lượng, độ tin cậy của các phép phân tích.

Cuối cùng, nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ xúc tác giúp ảnh hưởng của Chiến lược sản xuất đối với Kết quả hoạt động mạnh mẽ hơn, mà còn có tác động trực tiếp giúp doanh nghiệp đồng thời đạt được nhiều mục tiêu ưu tiên. Do đó, nên có thêm những nghiên cứu mô tả tại các doanh nghiệp thành công trong ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam để tìm hiểu những thực tiễn cụ thể về Chiến lược sản xuất và ứng dụng công nghệ, nhằm đem đến những bài học quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia sâu hơn trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

  1. Hoang H., Phan C.A. (2017) Quan hệ giữa chiến lược sản xuất và kết quả hoạt động tại một số nhà máy ở Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu kinh tế. Viện Kinh tế Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Số 3(466), 31/39.
  2. Phan C.A., Hoang H., Nguyen T.H. (2017) Empirical study on continuous improvement practices in Vietnamese companies. Financing for innovation, entrepreneurship & renewable energy development. ISBN: 978-604-67-0953-4
  3.  Anh, P. C., Tuan, N. P., & Hoa, H. T. (2017). Relationship between manufacturing strategy and firm performance: the empirical study of Vietnamese manufacturing plants. Economic Annals-XXI, 166 (Thuộc danh mục Scopus).
  4. Hoa Trong Hoang and Dung The Pham and Duc Dinh Nguyen, (2018) ''Innovation practices at Vietnamese manufacturers: the impacts of innovation on profitability and growth'', Economics Bulletin, Vol. 38 No. 3 p.A137 (Thuộc danh mục Scopus).
  5. Hoa Trong Hoang, Ha Thu Nguyen, Anh Chi Phan, Duong Huy Phan, Phong Thai Le (2019) ''Continuous Improvement: An Empirical Review in Vietnam'', Economics Bulletin, Vol. 39 No. 2 p.1202-1214 (Thuộc danh mục Scopus).
  6.  Hoang Trong Hoa & Bui Thi Thuy Giang (2020) Consolidating Sustainability Performance via Manufacturing Strategy. Productivity and Quality in the Era of Digital Transformation (International Conference Proceedings). ISBN: 978-604-65-5000-6.
  7. H.T. Hoa (2020) Mối quan hệ giữa chiến lược sản xuất và kết quả hoạt động tại các doanh nghiệp sản xuất chế tạo Việt Nam. VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 36, No. 1 (2020) 21-33.
  8. Hoang Trong Hoa, Phan Chi Anh and Le Thai Phong (2020) Contribution of manufacturing strategy to competitive performance of manufacturing companies: Empirical evidence from Vietnam. Organizations and Markets in Emerging Economies. Đã được chấp nhận, đang chờ xuất bản số tháng 12/2020. (Bài báo trực tiếp từ kết quả luận án - thuộc danh mục Scopus).

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN