Ngày 08/01/2018, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi khai mạc chương trình nghiên cứu chuyên sâu về doanh nghiệp xã hội (Scaling social enterprises in Vietnam) với sinh viên Trường Đại học Sydney, Úc.
Scaling Social Enterpries 2018 là chương trình nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội, nằm trong sự hợp tác giữa hai trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Sydney, Úc. Đây là lần thứ tư chương trình được tổ chức tại Việt Nam. Sinh viên Đại học Sydney, với sự hỗ trợ của sinh viên Trường Đại học Kinh tế sẽ tham gia tìm hiểu, nghiên cứu nhằm đưa ra các tư vấn giải pháp giúp các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam giải quyết những vấn đề khó khăn, nâng cao hiệu quả về kinh doanh và xã hội, tan tỏa tác động với cộng đồng nhiều hơn. Hai hội thảo đã được tổ chức trong ngày khai mạc nhằm giúp sinh viên có cơ hội được tiếp cận những thông tin về doanh nghiệp xã hội, môi trường khởi nghiệp và văn hóa kinh doanh tại Việt Nam từ các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, các tổ chức hỗ trợ và đầu tư tạo tác động xã hội. . Tham dự chương trình, về phía Trường Đại học Sydney có TS. Jarrod Ormiston, cùng 15 sinh viên từ các chuyên ngành khác nhau từ Trường Đại học Sydney, Úc.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc
Về phía Trường Đại học Kinh tế, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng đã phát biểu chào mừng đoàn Trường Đại học Kinh doanh Sydney lần thứ 3 tới thăm và hợp tác trong dự án nghiên cứu về DXNH tại Việt Nam. Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh đây là chương trình mang tính hợp tác và là nền tảng xây dựng mối quan hệ bền vững giữa hai trường. Về phía Viện Quản trị Kinh doanh, có sự tham gia của PGS. TS. Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh và TS. Nguyễn Đăng Minh - Phó Viện trưởng. TS. Nguyễn Đăng Minh chào mừng 15 sinh viên Đại học Sydney tham gia chương trình và chúc toàn đoàn gặt hái nhiều thành công trong nghiên cứu và khám phá được nhiều điều về Việt Nam tươi đẹp.
Tại buổi giao lưu học thuật, PGS. TS. Nhâm Phong Tuân, giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh đã trình bày về những cơ hội và khó khăn trong khởi nghiệp tại Việt Nam và chia sẻ dự án cộng đồng Touch The World - dự án phi lợi nhuận lĩnh vực Đào tạo - Giáo dục và Phát triển cộng đồng. Dự án TTW tập trung vào đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh - ngôn ngữ toàn cầu kết nối giữa các quốc gia cho các đối tượng là các bạn sinh viên và hoạt động thiện nguyện bên cạnh lĩnh vực đào tạo.
Bà Nguyễn Thu Loan điều phối viên chương trình Thriive Hà Nội
Với nhiều năm nghiên cứu và tư vấn doanh nghiệp xã hội, TS. Nguyễn Thùy Linh chia sẻ những ảnh hưởng của văn hóa tới hoạt động các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Bài trình bày phân tích sự khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ dẫn đến sự khác biệt trong việc định hướng, phát triển và quản trị của doanh nghiệp xã hội hai nước. TS. Hồ Chí Dũng trình bày những thay đổi của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian gần đây. Thầy đã phân tích các thay đổi ở các khía cạnh khác nhau như: mức tăng trưởng GDP, sản phẩm công nghiệp và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, năng suất lao động của Việt Nam…
TS. Jarrod Ormiston giới thiệu về chương trình
Thông qua các chia sẻ, TS. Jarrod Ormiston đã chủ trì một cuộc thảo luận nhóm. Các nhóm làm việc và đặt câu hỏi cho các thầy cô thuyết trình để hiểu rõ hơn về môi trường khởi nghiệp và kinh doanh tại Việt Nam nói chung và với các DNXH tại Việt Nam nói riêng.
Bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm sáng kiến phục vụ cộng đồng
Năm nay, đoàn học viên và sinh viên của hai trường được chia làm 4 nhóm, nghiên cứu về 4 DNXH khác nhau của Việt Nam là: Imagtor (Nghị lực sống), Kids need Books, Thành Nguyễn và Khác.
Chiều 8/1/2018, sinh viên hai trường được gặp gỡ, trao đổi với các diễn giả là đại diện các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ DNXH về những cơ hội và thách thức đối với DNXH và đầu tư tạo tác động xã hội tại Việt Nam. Các diễn giả bao gồm bà Phạm Kiều Oanh, nhà sáng lập và giám đốc Trung tâm sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) trình bày Tổng quan về sự phát triển và xu hướng của các DNXH Việt Nam, những hoạt động của CSIP và hỗ trợ của CSIP đối với các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam trong 10 năm qua. Bà Nguyễn Thu Loan, Điều phối chương trình Thriive Hà Nội thuộc trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (CEDS) – Trường ĐH Kinh tế, giới thiệu về chương trình Thriive và hoạt động hỗ trợ của Thriive đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tác động tích cực tới cộng đồng. Ngoài ra, đại diện của 4 DNXH cũng đã tới giao lưu và trao đổi về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
Sinh viên hai trường chụp ảnh lưu niệm
Sau buổi hội thảo, sinh viên hai trường đã thu được những kiến thức bổ ích, sẵn sàng cho hai tuần làm việc và nghiên cứu với các DNXH.
Vào ngày 19/1/2018 tới đây, các nhóm sẽ thuyết trình kết quả nghiên cứu về các doanh nghiệp đã thực hiện.