Đề tài nghiên cứu này cũng đã được trình bày tại hội thảo khoa học “Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức.
Theo nghiên cứu của đề tài “Chính sách ưu đãi về tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái: Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ASEAN, và hàm ý cho Việt Nam” , các khu công nghiệp thí điểm tại Việt Nam, gồm Khánh Phú, Gián Khẩu, Hòa Khánh, và Trà Nóc 1&2, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong việc đáp ứng các tiêu chí của khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Một điểm mạnh đáng kể là các khu công nghiệp này tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường và lao động, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững. Nhiều giải pháp sản xuất sạch hơn (RECP) cũng được triển khai hiệu quả, với tỷ lệ doanh nghiệp tham gia cao. Đáng chú ý, tại KCN Trà Nóc 1&2, hơn 40% doanh nghiệp đã áp dụng RECP, giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng và tài nguyên, đồng thời giảm phát thải ra môi trường.
Theo đó, liên kết cộng sinh công nghiệp cũng là một thế mạnh nổi bật, được minh chứng qua các giải pháp như thu hồi nhiệt thải từ lò thủy tinh tại KCN Khánh Phú hay tái sử dụng nước thải tại KCN Trà Nóc 1&2. Những giải pháp này không chỉ đáp ứng tiêu chí sinh thái mà còn tối ưu hóa chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, một số khu công nghiệp như Amata và Đình Vũ còn thực hiện công bố thông tin môi trường định kỳ, thể hiện trách nhiệm xã hội và nâng cao tính minh bạch trong hoạt động.
Một số Khu công nghiệp được thí điểm mô hình KCNST (Nguồn: Nhóm NC)
Tuy nhiên, sự phát triển KCNST tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Diện tích cây xanh tại các KCN hiện chỉ đạt khoảng 10%, thấp hơn yêu cầu của Nghị định 35, do thiếu sự đồng bộ trong các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát đầu vào và đầu ra trong các KCN vẫn chưa hiệu quả, đặc biệt là tại các KCN do doanh nghiệp nhà nước quản lý như Khánh Phú và Gián Khẩu. Một trở ngại lớn khác là khó khăn tài chính, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khiến họ gặp nhiều trở ngại trong việc đầu tư vào các sáng kiến sinh thái.
Trước những khó khăn, thách thức trên, Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý rõ ràng nhằm khuyến khích phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông qua các văn bản như Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Quyết định 491/QĐ-TTg và Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Hệ thống pháp lý này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn như ngân sách Nhà nước, tín dụng ưu đãi, đầu tư tư nhân và hợp tác công - tư. Những chính sách này không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ thân thiện với môi trường mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Dù vậy, quá trình triển khai các chính sách ưu đãi này vẫn còn gặp những thách thức nhất định. Việc thiếu sự đồng bộ giữa các giai đoạn thực hiện chính sách khiến hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan để tối ưu hóa việc thực hiện và đảm bảo các nguồn lực được sử dụng hiệu quả.
Trong một báo cáo chuyên sâu về “Khả năng áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại khu công nghiệp Thăng Long – II” nhóm nghiên cứu đánh giá nhận thức của doanh nghiệp về KCNST, kết quả cho thấy, phần lớn các DN tham gia khảo sát không biết tời mô hình KCNST do không tiếp cận được thông tin. (Nguồn: Nhóm NC)
Để tìm ra những giải pháp khắc phục những “điểm nghẽn”, để việc phát triển các KCN sinh thái được tiến hành hiệu quả hơn, TS. Trần Thị Mai Thành cùng các cộng sự đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia khác ở Châu Á và trong khu vực Đông Nam Á, để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, Hàn Quốc đã thành công trong việc thiết kế chính sách tài chính cho khu công nghiệp sinh thái nhờ vào việc xác định mục tiêu chiến lược rõ ràng và xây dựng lộ trình phát triển cụ thể. Chính phủ Hàn Quốc cung cấp tài trợ và ưu đãi cho các dự án xanh, đồng thời duy trì sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp. Dù vậy, chính sách này vẫn gặp phải một số khó khăn, như sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và thiếu cơ chế thu hút vốn tư nhân quốc tế. Thêm vào đó, quy trình phê duyệt và giải ngân phức tạp cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Tại khu vực ASEAN, các quốc gia như Singapore, Malaysia đã triển khai các sáng kiến tài chính xanh, như trái phiếu xanh, để hỗ trợ các dự án KCNST. Họ cũng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới để thúc đẩy đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường. Thế nhưng, sự không đồng bộ trong chính sách giữa các quốc gia ASEAN và thiếu cơ chế tài chính ổn định là những thách thức lớn. Các quốc gia như Lào và Myanmar cũng gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng và các thủ tục pháp lý phức tạp, làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai các dự án KCNST.
Nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng chuyển đổi của TLIP-II sang mô hình KCNST cho thấy DN còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được theo Bộ Tiêu chí của Nghị định 35/2022NĐ-CP (Nguồn: Nhóm NC)
Từ những bài học trên, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm để xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ và linh hoạt, thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực KCNST. Dưới đây là các tư vấn, khuyến nghị của chuyên gia:
- Một là, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường pháp lý và khuyến khích phát triển KCNST. Khung thể chế rõ ràng và thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ về lợi ích của chuyển đổi sang KCNST sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia. Các ngành công nghiệp nhận thức được lợi ích từ chương trình, ưu tiên của Chính phủ và sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật sẽ giúp cải thiện năng lượng và giảm phát thải.
- Hai là, phát triển KCNST là một quá trình cải thiện lâu dài, không chỉ đơn giản là một danh hiệu. Cần có chương trình chuyển đổi dài hạn, ưu tiên các KCN đủ điều kiện và sẵn sàng chuyển đổi, cùng hệ thống tổ chức thu thập dữ liệu và chuyển hóa tri thức thành cơ hội hợp tác sản xuất, tái chế và nâng cao hiệu suất năng lượng.
- Ba là, sự tham gia của doanh nghiệp cần từ cả hai chiều: từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.
- Bốn là, xác định cơ hội kết nối và mở rộng quan hệ sẽ giúp sàng lọc các cơ hội hợp tác tiềm năng, đánh giá khả thi và thương mại hóa. Sự tham gia của doanh nghiệp theo cả hai chiều quan hệ cũng rất quan trọng.
- Năm là, sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc đánh giá khả thi và lợi ích kinh tế giúp giảm thiểu rủi ro, chi phí và tạo nguồn doanh thu mới từ sản phẩm tái chế, thúc đẩy tham gia chương trình KCNST. Chính phủ cũng cần hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường.
- Sáu là, cần cơ chế phối hợp giám sát đầu vào và đầu ra của KCN, bao gồm năng lượng, nước, vật liệu sản xuất và hóa chất độc hại, cùng báo cáo hàng năm về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.
- Bảy là, cần xác định cơ quan chủ trì quản lý KCNST, đảm bảo phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương, tránh chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ.
Hy vọng những khuyến nghị và tư vấn sâu sắc của nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, sẽ trở thành tài liệu hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chính phủ có thẩm quyền trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, góp phần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, nhằm phát triển các Khu công nghiệp sinh thái tại Việt nam. Qua đó, không chỉ nâng cao sức cạnh tranh của đất nước trong lĩnh vực này, mà còn bảo vệ môi trường, kiến tạo một tương lai phát triển bền vững, hòa hợp với thiên nhiên.