Phóng viên: Xin chào PGS.TS Nguyễn Thu Hà, hiện nay, có rất nhiều các bạn học sinh và các bậc phụ huynh trên cả nước quan tâm tìm hiểu về ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, rất mong được lắng nghe những chia sẻ của Cô về tiềm năng phát triển của ngành Quản trị Kinh doanh trong những năm tới, cũng như lợi thế khi sinh viên lựa chọn theo học?
PGS.TS Nguyễn Thu Hà:
Xin chào các bạn học sinh và các bậc phụ huynh quan tâm đến ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN!
Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực quản trị kinh doanh đang đối mặt với những thay đổi nhanh chóng và đa dạng, tạo ra một nhu cầu cấp thiết về nhân sự có năng lực và kỹ năng thích ứng cao. Nhân sự trong lĩnh vực quản trị kinh doanh cần có kiến thức sâu rộng về chiến lược kinh doanh, quản lý dự án, quản trị chiến lược, marketing và quản trị công nghệ. Các doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm những cá nhân có nền tảng học vấn vững chắc mà còn cần những người có kỹ năng thực tiễn, khả năng phân tích và diễn giải dữ liệu để đưa ra các quyết định kinh doanh thông minh, kết hợp với các kỹ năng mềm như lãnh đạo, giao tiếp hiệu quả, làm việc nhóm, đồng thời phải nhạy bén với các xu hướng và thay đổi của thị trường.
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN giao nhiệm vụ cho Viện Quản trị Kinh doanh đào tạo cử nhân ngành Quản trị kinh doanh (Business Administration) - Mã tuyển sinh QHE40. Khi theo học chương trình đào tạo (CTĐT) cử nhân Quản trị kinh doanh với các định hướng phân theo chuyên ngành sẽ giúp cho sinh viên có kiến thức chuyên sâu gắn với các định hướng nghề nghiệp về Quản trị Doanh nghiệp và Marketing. Ngoài ra, sinh viên theo học từng chuyên ngành cũng được tham gia các chương trình thực tập, thực tế, tiếp cận với môi trường doanh nghiệp từ sớm để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm thực chiến. Đây cũng chính là những lợi thế nổi bật khi sinh viên theo học ngành Quản trị kinh doanh tại UEB.
Chương trình đào tạo của Viện có gần 20% tín chỉ được đào tạo bằng Tiếng Anh và được thiết kế dựa trên các yêu cầu của chuẩn đầu ra về kiến thức, kĩ năng, tự chủ và trách nhiệm. Đồng thời có sự tích hợp quan hệ đóng góp của mỗi học phần trong việc đi sâu vào 2 chuyên ngành thông qua ma trận kĩ năng, ma trận tổng hợp các phương pháp dạy học mà ngành QTKD đã gây dựng từ lâu.
Phóng viên: Cô có thể chia sẻ chi tiết hơn về sự khác biệt trong chương trình đào tạo theo từng chuyên ngành: Quản trị Doanh nghiệp và Marketing?
PGS.TS Nguyễn Thu Hà:
Ngành Quản trị kinh doanh đào tạo 02 chuyên ngành chính là: Quản trị doanh nghiệp và Marketing. Cụ thể:
Chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp cung cấp cho người học kiến thức về quản trị, điều hành các hoạt động kinh doanh như quản trị chiến lược, quản trị rủi ro, quản trị marketing, quản trị sản xuất và tác nghiệp, quản trị sự thay đổi, quản trị thành tích và thù lao lao động.
Trong khi đó, Chuyên ngành Marketing giúp người học vận dụng kiến thức để tổ chức, triển khai các hoạt động marketing trong doanh nghiệp. Trước áp lực cạnh tranh và chuyển đổi mô hình kinh doanh, marketing là một trong những hoạt động quan trọng của hầu hết các doanh nghiệp. Chuyên ngành Marketing tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ cung cấp cho sinh viên các kiến thức tiếp thị, truyền thông, thương hiệu, tâm lý hành vi khách hàng và phát triển chiến lược marketing.
TÌM HIỂU SÂU VỀ CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
Phóng viên: Được biết, Viện quản trị Kinh doanh là một trong những đơn vị rất mạnh trong việc triển khai các chương trình kiến tập, thực tập cho sinh viên, điều này có lợi thế như thế nào đối với sinh viên theo học chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp, thưa PGS.TS Nguyễn Thu Hà?
PGS.TS Nguyễn Thu Hà: Học phần kiến tập tổ chức cho sinh viên năm thứ 2 (kỳ học thứ 4) có chuyến đi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp. Đồng thời, Viện Quản trị Kinh doanh sẽ mời guest speakers chia sẻ các vấn đề thực tiễn liên quan đến ngành quản trị kinh doanh và một số chủ đề sinh viên kiến tập tại cơ sở như: Marketing, Quản trị nhân sự, Quản trị chiến lược, Quản trị sản xuất tác nghiệp/ Quản trị chất lượng, Văn hoá doanh nghiệp. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh luôn đồng hành để hướng dẫn sinh viên tham gia kiến tập trực tiếp tại doanh nghiệp, tham quan và nghe lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ các chủ đề về lĩnh vực Quản trị kinh doanh. Từ đó giúp sinh viên hiểu được cơ cấu tổ chức và môi trường kinh doanh của cơ sở kiến tập.
Học phần thực tập thực tế tổ chức cho sinh viên năm thứ 3 (kỳ học thứ 6) có 04 tuần thực tập tại cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Với chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp, sinh viên được nghe chia sẻ về các chủ đề như Quản trị rủi ro, Quản trị Marketing, Quản trị sản xuất tác nghiệp, Quản trị sự thay đổi, Quản trị thành tích và thù lao lao động,... Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên thường xuyên được tạo điều kiện đến các nhà máy sản xuất trực tiếp học hỏi các chuyên gia, CEO là các đối tác Doanh nghiệp từ phía nhà trường cung cấp.
Phóng viên: Thông qua các học phần thực tập thực tế, sinh viên theo học chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp tại UEB-SBA đã từng có cơ hội thực tập chính thức hoặc làm việc tại các công ty, doanh nghiệp đối tác của Viện Quản trị Kinh doanh/ Nhà trường hay chưa?
PGS.TS Nguyễn Thu Hà: Viện Quản trị Kinh doanh tự hào khi có “bộ data” phong phú là các Doanh nghiệp từ các giảng viên, ban phụ huynh và Cựu sinh viên giới thiệu. Sinh viên được thầy cô hỗ trợ tới các Doanh nghiệp uy tín thực tập, thực tập sinh có lương và từ đó có cơ hội tuyển dụng thành cán bộ chính thức. Mỗi năm khoảng gần 50 sinh viên được Viện QTKD hỗ trợ thực tập sinh và ứng tuyển việc làm.
Riêng đối với chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp, nhiều thế hệ sinh viên đã đến kiến tập, thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp đối tác của Viện và Nhà trường gồm: Tập đoàn Hanoi Telecom, Doanh nghiệp LS Electric Việt Nam; LG Display Việt Nam Hải Phòng; Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh; Tập đoàn Honda, Vinfast; Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Viglacera...
Phóng viên: Nhiều bạn trẻ hiện nay còn băn khoăn về cơ hội nghề nghiệp khi đi sâu vào từng chuyên ngành. Vậy cô có thể cho biết, đối với các sinh viên theo học chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp, sẽ có những vị trí việc làm như thế nào trong bối cảnh thị trường nhân lực đầy cạnh tranh?
PGS.TS Nguyễn Thu Hà: Lĩnh vực Quản trị kinh doanh là một trong những lĩnh vực khá rộng và mở ra nhiều cơ hội việc làm khác nhau cho các sinh viên. Quản trị Doanh nghiệp là một chuyên ngành thuộc Quản trị Kinh doanh, quản trị doanh nghiệp đi sâu hơn vào các kiến thức liên quan đến tổ chức và vận hành doanh nghiệp, tập trung vào các mảng sản xuất, kinh doanh, tài chính, kế toán, chiến lược hoạt động của một doanh nghiệp. Mục tiêu là để tạo ra lợi nhuận, tăng phổ rộng thương hiệu, mở rộng doanh nghiệp và tăng vị thế của doanh nghiệp trên thương trường. Sinh viên khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí công việc như:
- Doanh nhân khởi nghiệp: có khả năng tự khởi nghiệp, tạo lập và điều hành hoạt động kinh doanh, quản trị điều hành doanh nghiệp rất nhỏ, nhỏ và vừa.
- Quản trị dự án: Chịu trách nhiệm lên kế hoạch, điều phối và giám sát các dự án từ khi khởi đầu đến khi hoàn thành.
- Quản trị tài chính: Quản lý các hoạt động tài chính của doanh nghiệp, bao gồm lập kế hoạch tài chính, quản lý ngân sách và kiểm soát chi phí.
- Quản trị nhân sự: Chịu trách nhiệm tuyển dụng, đào tạo, phát triển và duy trì nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
- Chuyên viên phân tích kinh doanh: Phân tích dữ liệu và thông tin để đưa ra các đề xuất cải tiến quy trình kinh doanh và tăng hiệu quả hoạt động.
- Trợ lý và thư ký: Có khả năng đảm nhận công việc trợ lý hoặc thư ký ban giám đốc, hội đồng quản trị, trợ lý giám đốc của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các tổ chức khác trong và ngoài nước; Có thể đảm nhận các công việc: trợ lý phân tích, tổng hợp các báo cáo và tham mưu về các mảng hoạt động trong doanh nghiệp như chiến lược kinh doanh, nhân lực, marketing, tài chính, hỗ trợ trong giao dịch với đối tác, sắp xếp kế hoạch công tác cho lãnh đạo...
- Chuyên viên tư vấn quản lý: Tư vấn cho các doanh nghiệp về cách cải thiện hiệu suất và hiệu quả kinh doanh…
Triển vọng trong tương lai của sinh viên theo học chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp còn có thể trở thành trưởng các bộ phận/phòng, ban, giám đốc bộ phận, giám đốc, tổng giám đốc.
Phóng viên: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp tại UEB-SBA có khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế không, thưa cô?
PGS.TS Nguyễn Thu Hà: Tất nhiên rồi! Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp tại UEB-SBA hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế, bởi Viện QTKD đã và đang cung cấp một chương trình đào tạo chất lượng cao, cập nhật theo các xu hướng quốc tế và nhu cầu của thị trường cùng với các học phần chuyên ngành được đào tạo bằng tiếng Anh. Sinh viên được trang bị kiến thức toàn diện về quản trị kinh doanh, kỹ năng phân tích dữ liệu, hiểu biết về công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, cùng với các kỹ năng mềm quan trọng như lãnh đạo, giao tiếp và làm việc nhóm. Ngoài ra, UEB-SBA còn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, tham dự các hội thảo hay các lớp học chuyên đề với các chuyên gia nước ngoài. Những trải nghiệm này không chỉ giúp sinh viên nâng cao kiến thức và kỹ năng mà còn mở rộng mạng lưới quan hệ và hiểu biết về môi trường kinh doanh toàn cầu, từ đó, có thể tự tin ứng tuyển và làm việc tại các công ty, tổ chức quốc tế, đồng thời có khả năng thích ứng và phát triển trong môi trường kinh doanh đa dạng và biến đổi không ngừng.
TÌM HIỂU SÂU VỀ CHUYÊN NGÀNH MARKETING
Để tìm hiểu chuyên sâu hơn về chuyên ngành Marketing, chúng ta cùng trò chuyện với TS. Đào Cẩm Thủy – Chủ nhiệm Bộ môn Marketing để có cái nhìn tổng quát hơn!
Phóng viên: Xin chào TS. Đào Cẩm Thủy! Thưa cô, chương trình đào tạo chuyên ngành Marketing tại UEB - SBA có những “điểm sáng” nào để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả sự thay đổi liên tục của ngành marketing, cũng như giúp sinh viên tiếp cận các xu hướng marketing hiện đại?
TS. Đào Cẩm Thủy: Chương trình đào tạo chuyên ngành Marketing của Viện Quản trị Kinh doanh được thiết kế và liên tục cập nhật để phản ánh những thay đổi mới nhất trong ngành marketing, bao gồm các môn học như Digital Marketing, Marketing dịch vụ, Hành vi người tiêu, Marketing quốc tế… giúp sinh viên nắm bắt được các kỹ năng và kiến thức cần thiết trong môi trường marketing hiện đại.
Không chỉ học kiến thức, sinh viên chuyên ngành Marketing còn được thăm quan, được tạo cơ hội thực tập thực tế tại phòng marketing của các doanh nghiệp, các agency quảng cáo, các cơ quan truyền thông…để nâng cao trải nghiệm thực tế và phát triển toàn diện các kỹ năng cần thiết của một marketers tương lai.
Phóng viên: Các phương pháp học tập dựa trên trải nghiệm (experiential learning) như tham quan doanh nghiệp, kiến tập, thực tập hay thực hiện các dự án thực tế được triển khai tại UEB-SBA có lợi như thế nào cho sinh viên theo học chuyên ngành Marketing?
TS. Đào Cẩm Thủy: Các phương pháp học tập dựa trên trải nghiệm trong chương trình đào tạo chuyên ngành Marketing được Viện QTKD chú trọng, bởi nó không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn phát triển kỹ năng thực tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và tự tin bước vào thị trường lao động. Các đối tác của UEB-SBA mang lại nhiều cơ hội tham quan trải nghiệm, thực tập, thực tế và mở ra cơ hội việc làm cho nhiều thế hệ sinh viên theo học chuyên ngành Marketing như: Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình; Nghi Sơn Eco Island; Daikin Việt Nam; TAT Golf; Chứng khoán Mirae Asset; Vietcombank....
Khi tham gia kiến tập, thực tập, hay tham quan tại các doanh nghiệp, sinh viên được diễn giả chia sẻ về các chủ đề nổi bật như: nghiên cứu marketing, marketing kỹ thuật số, hành vi người tiêu dùng, marketing dịch vụ, marketing quốc tế,... Qua đó giúp sinh viên hiểu được cơ cấu tổ chức, bối cảnh kinh doanh, thực trạng hoạt động của cơ sở thực tập; cũng như hình thành cho sinh viên năng lực tổng hợp, phân tích, áp dụng kiến thức và lý thuyết nền tảng để đề xuất giải pháp giải quyết một vấn đề cụ thể trong lĩnh vực quản trị kinh doanh.
Phóng viên: Những vị trí công việc phổ biến nào mà sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Marketing thường đảm nhận thưa cô?
TS. Đào Cẩm Thủy: Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành marketing có thể đảm nhiệm nhiều vị trí tại các doanh nghiệp như:
- Chuyên viên sáng tạo nội dung (content marketing)
- Chuyên viên nghiên cứu thị trường, quản lý thương hiệu/nhãn hàng
- Chuyên viên marketing, chuyên viên tổ chức sự kiện
- Chuyên viên quan hệ công chúng
- Chuyên viên truyền thông và marketing số (media and digital marketing).
Ba nhóm doanh nghiệp mà sinh viên chuyên ngành có thể làm việc, thứ nhất là tại các doanh nghiệp có phòng marketing/kinh doanh/truyền thông chuyên biệt (marketing inhouse), thứ hai là tại các agency marketing (outsource marketing), thứ ba là tại các đơn vị truyền thông (báo chí, truyền hình...)
Phóng viên: Sinh viên theo học chuyên ngành Marketing nói riêng, ngành Quản trị Kinh doanh tại UEB nói chung, được hỗ trợ như thế nào trong quá trình theo học như: xin học bổng, trao đổi sinh viên quốc tế, tham gia các sân chơi trí tuệ dành cho sinh viên?
TS. Đào Cẩm Thủy: Sinh viên theo học chuyên ngành Marketing nói riêng và ngành Quản trị Kinh doanh nói chung đều được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ chung đối với sinh viên theo học tại Trường Đại học Kinh tế, trong việc nhận các loại học bổng, đi tham quan, trao đổi tại nước ngoài, hay tham gia các cuộc thi sinh viên.
Mỗi kỳ, sinh viên đều có cơ hội “apply” Quỹ học bổng Khuyến khích học tập của Trường (gồm 9 loại, với trị giá học bổng cao), ngoài ra còn có rất nhiều học bổng khác ngoài ngân sách và học bổng từ nhà tài trợ, đối tác của Trường.
Hàng năm Nhà trưởng tổ chức rất nhiều chuyến studytour, các chương trình trao đổi học tập (1 học kỳ) ở trong nước và nước ngoài. Điển hình là các chương trình trao đổi tại các Trường Đại học lớn ở Đức, Ba Lan, Hàn Quốc, Đan Mạch,...
Riêng đối với sinh viên chuyên ngành marketing còn được thử sức với nhiều cuộc thi về marketing và khởi nghiệp của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN như Business Challenges, Road to Marcom…Đây là sân chơi hữu ích và thú vị giúp các bạn được triển khai các kiến thức đã học để giải quyết các tình huống về marketing thực tế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên có thể tham gia các Câu lạc bộ của trường đặc biệt là câu lạc bộ Marketing (UMC), câu lạc bộ Quản trị kinh doanh (BA Plus) với rất nhiều các workshop, talkshow với các chuyên gia marketing hàng đầu giúp sinh viên có được định hướng đúng đắn trong nghề marketing khi ra trường.
Cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thu Hà – Phó Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh và TS. Đào Cẩm Thủy – Chủ nhiệm Bộ môn Marketing về chương trình đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh và các chuyên ngành. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, các bạn trẻ sẽ có thêm động lực, tự tin theo đuổi và chinh phục lĩnh vực mà bản thân yêu thích!
Chương trình đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh (Mã ngành: QHE 40) của Trường Đại học Kinh tế- ĐHQGHN gồm 2 chuyên ngành đào tạo chuyên sâu: - Quản trị Doanh nghiệp - Marketing 👉 Thông báo tuyển sinh đại học 2024 TẠI ĐÂY 💥 Đăng ký xét tuyển online tại: https://xettuyendaihoc.ueb.edu.vn/ Hotline tìm hiểu thông tin tuyển sinh sớm 2024: 0913.486.773 |