Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời, là “cầu nối” để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và học giả giao lưu, đề xuất các kế hoạch hợp tác, góp phần đưa mối quan hệ Việt Nam - Pháp vươn tới một tầm cao mới – phát triển toàn diện và lâu dài.
Tham dự Diễn đàn, về phía Cơ quan chính phủ có sự hiện diện của Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Ông Lê Công Thành – Thứ trưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao.
Về phía cơ quan nhà nước có Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Trưởng ban Ban Châu Âu, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI; Về phía đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế có sự tham dự của Ông Nicolas Warnery - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Ông Edgar DOERIG - Trưởng Đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tại Châu Á - Thái Bình Dương; Bà Sophie Mermaz, Phụ trách văn phòng tại Hà Nội của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV); Ông Alexandre de Navailles, Tổng Giám đốc Trường Kinh doanh KEDGE Business School, Cộng hòa Pháp (tham dự trực tuyến); cùng các tổ chức nghiên cứu khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp.
Về phía ĐHQGHN, Trường Đại học Kinh tế và đơn vị đồng tổ chức có sự tham dự của PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế; PGS.TS Lê Trung Thành – Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Hiệu phó; TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Các lãnh đạo, giảng viên của Nhà trường, cùng nhiều khách mời trong nước, quốc tế tham dự trực tiếp và trực tuyến (online qua zoom).
PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN phát biểu khai mạc: “Chủ đề của Diễn đàn ngày hôm nay là mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của hai quốc gia Việt Nam và Pháp. Qua nhiều năm, với quan hệ đối tác chặt chẽ, Việt Nam và Pháp đã chứng tỏ được sự cam kết đồng lòng trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên một cách bền vững, phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo. Chúng ta đã không ngừng nỗ lực xây dựng những cơ sở hạ tầng và các chính sách phù hợp, từ đó tạo ra cơ hội hợp tác và cùng nhau phát triển...”
Tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cũng phát biểu, trong những năm vừa qua, Trường Đại học Kinh tế đã khẳng định được vị thế trong nghiên cứu và đào tạo trên trường quốc tế trong lĩnh vực Kinh doanh & Kinh tế khi vinh dự là đơn vị chủ lực, tiên phong và đóng góp chính vào kết quả xếp hạng của ĐHQGHN - lần đầu tiên một đại học công lập của Việt Nam được vào bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) - top 501-600 thế giới, đồng thời bày tỏ tin tưởng và hy vọng, các tổ chức, đối tác từ Cộng hòa Pháp, cộng đồng doanh nghiệp Pháp, đặc biệt Đại sứ quán Pháp, sẽ luôn coi Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN như một địa chỉ tin cậy cho các hoạt động hợp tác trong giáo dục, đào tạo đại học, cũng như nghiên cứu và xúc tiến đầu tư của Pháp tại Việt Nam.
“Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Pháp 2023 được kỳ vọng sẽ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, doanh nghiệp Pháp về phát triển xanh và bền vững, những vấn đề, cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang đối mặt. Từ đó giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục giữa Pháp và Việt Nam...” - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu.
Diễn đàn diễn ra với 03 bài tham luận và phiên thảo luận bàn tròn, với hàm lượng chuyên môn cao, sự đóng góp trí tuệ, khuyến nghị của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học Việt Nam và Pháp:
(1) “Mối quan hệ kinh tế giữa Pháp và Việt Nam: Thách thức và triển vọng” do ông Pierre Martin – Phó Trưởng ban Kinh tế, Đại sứ quán Pháp trình bày.
(2) “Phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội trong môi trường giáo dục đại học” được trình bày bởi Ông Alexandre de Navailles – Tổng Giám đốc Trường Kinh doanh KEDGE (Pháp).
(3) “Chính sách tăng trưởng xanh của Pháp và gợi mở cho Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày.
Phiên thảo luận bàn tròn, với sự tham gia phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học Pháp và Việt Nam như: Ông Pierre Martin (Phó Trưởng ban Kinh tế, Đại sứ quán Pháp), GS. Dominique Laffly (Tùy viên Hợp tác khoa học và Đại học, Đại sứ quán Pháp), PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Bà Nguyễn Thị Thu Trang (Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI), Ông Thomas Hornet (Đại diện Hội Hữu nghị Pháp – Việt Nam), Ông Jérémie Buatier (Trưởng Phòng Điều phối kho vận GEODIS Việt Nam), PGS.TS. Tô Thế Nguyên (Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN), TS. Đào Tùng (Trưởng phòng Đào tạo và Công tác chính trị học sinh sinh viên, Khoa Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN) và một số đại diện doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.
Tại phiên này, các chuyên gia tập trung chia sẻ thông tin, phân tích về thực trạng và xu hướng phát triển trong quan hệ song phương Việt Nam - Pháp, đặc biệt về lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời, mang tới một số gợi mở chính sách cho Việt Nam từ nhiều bài học kinh nghiệm từ phía Pháp như:
(1) Về Chính sách tăng trưởng xanh: Chính phủ Pháp khuyến khích cải thiện hiệu suất năng lượng của các phương tiện hạng nhẹ và hạng nặng, sử dụng ít nhiên liệu đốt hơn (với mục tiêu 4l/100km vào năm 2030 đối với phương tiện cá nhân sử dụng động cơ đốt trong).
(2) Về phát triển tài chính xanh: Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho tài chính xanh thông qua các chương trình trợ cấp toàn diện như hỗ trợ thuế và phát triển các công cụ tài chính, một chiến lược khí hậu rõ ràng cho Pháp mà tất cả các khoản đầu tư công phải phù hợp và giữ vị trí hàng đầu với tư cách là nhà phát hành trái phiếu Chính phủ xanh.
(3) Về phát triển kinh tế tuần hoàn: Chính phủ Pháp đảm bảo thu hồi năng lượng đối với chất thải không thể tái chế bằng công nghệ hiện có và bắt nguồn từ các hoạt động thu gom hoặc phân loại riêng biệt được thực hiện tại các cơ sở chuyên dụng…
(4) Về chuyển đổi việc làm trong nền kinh tế xanh: Đẩy mạnh đào tạo để tìm kiếm cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xanh và xanh hóa. Năm 2018, Bộ Lao động, Việc làm, Dạy nghề và Đối thoại xã hội Pháp đã phát động chương trình có tên gọi “10Kverts” nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận của thanh niên và người tìm việc làm trong các ngành nghề “xanh”...
Từ các thảo luận, trao đổi, nhiều khuyến nghị, hàm ý chính sách, sáng kiến có giá trị thực tiễn lớn được đề xuất và thảo luận nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước, tăng cường năng lực chống chịu về kinh tế và thương mại, thể chế, môi trường và xã hội của hai quốc gia.
Thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Pháp 2023, không chỉ khẳng định uy tín, vị thế và sứ mệnh của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế, Kinh doanh và Quản lý, là nơi hội tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mà còn góp phần tiếp tục đưa quan hệ giữa Việt Nam với Pháp nói riêng và với Liên minh châu Âu (EU) nói chung vươn tới một tầm cao mới, phát triển toàn diện, bền vững trên nhiều lĩnh vực.
Xem thêm hình ảnh tại Diễn đàn: