Trang tin tức sự kiện

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tiên phong trong việc thực hiện các nghiên cứu thiết thực và giải pháp quản trị phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của đất nước

Đó là khẳng định của các nhà nghiên cứu, các giảng viên đến từ Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sau khi tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Quản lý & Quản trị Kinh doanh”. 



Quang cảnh của buổi hội thảo

Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Lê Trung Thành – Hiệu trưởng, Viện trưởng Viện QTKD; TS. Phạm Vũ Thắng – Phó viện trưởng Viện QTKD cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ, giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quan tâm cùng tham dự. Hội thảo còn có sự góp mặt của các diễn giả quốc tế: GS. John Shields - Trường Kinh doanh Sydney Úc; GS.TS Kivilcim Akkoyunlu Ertan - Trường Đại học Ankara Thổ Nhĩ Kì.

PGS.TS Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc tại hội thảo

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Lê Trung Thành – Hiệu trưởng nhấn mạnh: hội thảo khoa học quốc tế “Các vấn đề đương đại trong Quản lý & Quản trị Kinh doanh” là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng của trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hội thảo là diễn đàn để các học giả, chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chia sẻ, trao đổi và trình bày về các công trình nghiên cứu, các chiến lược kích thích tăng trưởng và phát triển bền vững liên quan tới các vấn đề đương đại của Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh.

Đại dịch Covid-19 trong 3 năm qua đã đặt ra những thách thức và khó khăn chưa từng có đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên Thế giới hiện đang đứng trước yêu cầu phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh “sống chung” với Covid-19. 

Đối diện với những thách thức trong bối cảnh bình thường mới, PGS.TS Lê Trung Thành cho rằng: “Chúng ta cần có thông điệp rõ ràng và hy vọng qua hội thảo các nhà khoa học của Việt Nam và thế giới cùng nhìn lại chặng đường đã qua trong quản lý và kinh doanh để gắn kết và giúp Việt Nam tìm ra những giải pháp đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững sau đại dịch, và hy vọng qua các hội thảo quốc tế như này, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà khoa học trong tương lai.”

Các đại biểu tham gia trao đổi và thảo luận tại hội thảo theo hình thức hybrid

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có những điểm nghẽn trong năm vấn đề lớn được quan tâm: (1) Quản trị bền vững, (2) Marketing, (3) Quản trị công nghệ, (4) Quản trị nguồn nhân lực và (5) Quản trị kinh doanh quốc tế.  

Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh và các diễn giả nước ngoài. Hơn 10 tham luận được lựa chọn để trình bày trong 5 phiên về các lĩnh vực khác nhau như môi trường, quản trị kinh doanh, kinh tế vĩ mô, marketing, kinh tế vi mô, quản lý nguồn nhân lực, kinh doanh quốc tế… Hội thảo mở đầu với bài tham luận chung đến từ nhà khoa học uy tín trên thế giới - diễn giả GS.TS John Shields - Trường Kinh doanh Sydney về “Quản trị nhân lực 3.0 trong tình trạng trì trệ toàn cầu”.

Diễn giả GS.TS John Shields - Trường Kinh doanh Sydney về “Quản trị nhân lực 3.0 trong tình trạng trì trệ toàn cầu”

Tiếp theo, diễn giả PGS.TS Nguyễn Đăng Minh - Viện Quản trị Kinh doanh có bài tham luận keynote chia sẻ về bối cảnh môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, đồng thời đề xuất một mô hình kinh doanh “Mở-Lỏng-Dẻo Made in Vietnam” mới phù hợp với thực tiễn quản trị của doanh nghiệp tổ chức Việt, để doanh nghiệp có thể vượt qua các khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó lường (đứt gẫy chuỗi cung ứng, chiến tranh, dịch bệnh...). Kết thúc phiên keynote, diễn giả PGS.TS Phan Chí Anh - Viện Quản trị Kinh doanh đã trao đổi chi tiết về quản trị chuỗi cung ứng ở Việt Nam: các vấn đề đương đại và một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu. Đây đều là những nội dung quan trọng và mang tính cấp thiết, nhận được quan tâm lớn từ các nhà khoa học trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. 

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh - Viện Quản trị Kinh doanh có bài tham luận chia sẻ về bối cảnh môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay
Diễn giả PGS.TS Phan Chí Anh - Viện Quản trị Kinh doanh đã trao đổi chi tiết về quản trị chuỗi cung ứng ở Việt Nam

Hội thảo được tiếp tục với từng phiên thảo luận riêng biệt xoay quanh 5 chủ đề chính. Diễn giả ThS. Phạm Nhật Linh - Viện Quản trị Kinh doanh chia sẻ tại phiên thảo luận Quản trị bền vững về “Các tiêu thức phát triển bền vững trong doanh nghiệp và đề xuất một số giải pháp cho công ty sản xuất - chế tạo tại Việt Nam”. Đồng thời, diễn giả TS. Đào Cẩm Thuỷ - Viện Quản trị Kinh doanh cũng trình bày tại tham luận của mình về thương hiệu cá nhân và tác động của thương hiệu cá nhân đến cơ hội nghiệp cho người trẻ tại Hà Nội trong phiên thảo luận về Marketing. Đại diện NCS Viện Quản trị Kinh doanh, diễn giả NCS. Phạm Tiến Dũng đã chia sẻ nghiên cứu về “Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạch định chiến lược trong các hợp tác xã tại Việt Nam”. Cùng với đó, các phiên thảo luận về Quản trị Công nghệ và Quản trị nguồn nhân lực cũng diễn ra hết sức sôi nổi và nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến chia sẻ từ các nhà khoa học. Một vấn đề cấp thiết hiện nay là chuyển đổi số cũng được trình bày tại hội thảo, diễn giả TS. Phạm Mạnh Hùng và TS. Nguyễn Ngọc Quý - Viện Quản trị Kinh doanh đã nêu lên thực trạng chung về chuyển đổi số cũng như một số yêu cầu cần thiết để phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh và mạnh tại Việt Nam. 

Đại diện các nhóm tác giả trình bày trong các phiên tham luận

Bài tham luận mang tính quốc tế của diễn giả GS.TS Kivilcim Akkoyunlu Ertan, Đại học Ankara Thổ Nhĩ Kì về các chính sách môi trường tại Thổ Nhĩ Kì và Đài Loan đã khép lại các tham luận của buổi hội thảo. Từ đó phân tích so sánh sự khác biệt giữa hai nền văn hoá, hai quốc gia này để đưa ra những thảo luận về sự cần thiết của việc nên áp dụng các chính sách khác nhau với các nền kinh tế khác nhau trong việc ứng phó với sự biến đổi của nền kinh tế sau đại dịch. 

GS.TS Kivilcim Akkoyunlu Ertan, Đại học Ankara Thổ Nhĩ Kì về các chính sách môi trường tại Thổ Nhĩ Kì và Đài Loan 

Trong suốt thời gian diễn ra hội thảo cùng với sự chia sẻ và đóng góp nhiệt tình của các diễn giả và đại biểu; hội thảo đã chỉ ra những vấn đề đương đại trong quản lý và quản trị kinh doanh hiện nay. Bên cạnh đó, với đơn vị đào tạo nghiên cứu hàng đầu như Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Nhà trường sẽ luôn tiên phong trong việc thực hiện nghiên cứu thiết thực và chất lượng để đưa ra các mô hình và giải pháp quản trị phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của đất nước. Từ đó giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng giải quyết các vấn đề còn tồn động trong hệ thống quản lý, rút ngắn quá trình chuyển đổi số và hòa nhập cùng xu thế phát triển của quản trị kinh doanh hiện đại.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Các nhà nghiên cứu, các giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh chăm chú lắng nghe phần trình bày của các tham luận tại hội thảo
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nghiên cứu viên, học viên, sinh viên quan tâm đến các vấn đề đương đại trong Quản trị kinh doanh cùng tham dự

Thanh Mai, Quang Trung - UEB Media



Các tin khác
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành