Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo, giảng viên các Trường đại học tham gia Dự án TRUST (*) và là 3 đơn vị duy nhất ở Việt Nam hiện nay đào tạo Thạc sỹ Fintech (học bằng ngôn ngữ Tiếng Việt, do trường đại học trong nước cấp bằng) gồm: Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, Trường ĐH Mở - TP.HCM.
Tham gia buổi chia sẻ, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Lê Trung Thành - Trưởng Phòng Đào tạo, TS. Nguyễn Đức Lâm – Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển cùng sự hiện diện của lãnh đạo và giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng.
Về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế có PGS.TS Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng đào tạo; diễn giả TS. Phạm Xuân Hùng, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế; Trường ĐH Mở - TP.HCM với sự tham gia của TS. Phạm Hà, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng và ThS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giảng viên Khoa TCNH.
Ngoài ra, talkshow “Fintech và Triển vọng nghề nghiệp” còn có sự tham gia của 2 diễn giả đến từ Ngân hàng Quân đội (MB Bank) là ông Trần Thiện Phương - Giám đốc kinh doanh số, Giám đốc dự án MB Smartbank và ông Nguyễn Hoàng Anh Kiên - Giám đốc dự án Beyond Banking Tribe - đại diện định chế tài chính chia sẻ về chủ đề “Nhân lực ngành Fintech và Chuyển đổi số trong tài chính ngân hàng”.
Vai trò của Công nghệ tài chính - Fintech tại Việt Nam
Đi theo xu thế phát triển chung của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0, ngành tài chính - ngân hàng cũng chọn hướng đi công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mô hình kinh doanh nguyên bản, thay đổi toàn bộ “bộ máy xử lý cồng kềnh”. Công nghệ tài chính - Fintech trong suốt thập kỷ qua đã phát triển rất nhanh chóng trên toàn cầu. Những ứng dụng Fintech đã tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và là xu hướng tất yếu mà các quốc gia đều nhận thức được và muốn nắm bắt cơ hội.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN phát biểu chia sẻ: “Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và có thể trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển hiện đại tầm nhìn năm 2045 như Nghị quyết của Bộ chính trị đã đề ra hay không thì chỉ phát triển công nghệ mới giúp chúng ta theo kịp thế giới. Và sự kết hợp giữa tài chính - công nghệ trong đào tạo Fintech chính là giải pháp đó. Fintech là một chương trình mang tính chất liên ngành, không chỉ mới về nội dung mà còn mới trong cách thức thực hiện khi phối kết hợp giữa 3 trường đại học tại Việt Nam: Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, Trường ĐH Mở - TP.HCM và các trường tại Phillippines và châu Âu…”
Kinh nghiệm từ các trường đại học trong đào tạo Fintech
Fintech là ngành đào tạo hoàn toàn mới, do đó, quá trình được phê duyệt chương trình để đưa vào giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn. Tại buổi chia sẻ, TS. Phạm Xuân Hùng - Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế đặt vấn đề về cách phát triển chương trình đào tạo ngành Fintech từ chính kinh nghiệm thực tế tại đơn vị: “Chương trình Fintech tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế được trình phê duyệt vào tháng 12/2021 và bắt đầu tuyển sinh từ đầu năm 2022. Quá trình triển khai từ thực hiện biên bản điều hành nghiên cứu, xác định yêu cầu tìm hiểu, khảo sát các chương trình đào tạo ở trong và ngoài nước và cuối cùng là trình phê duyệt và thẩm định. Quá trình thẩm định này bao gồm thẩm định nội dung, chương trình đào tạo, giảng viên, cơ sở vật chất”.
TS. Phạm Xuân Hùng cũng nhấn mạnh: “Với ngành đào tạo hoàn toàn mới như Thạc sỹ Fintech thì việc kết hợp, liên kết giữa 3 trường đại học trong nước mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi năng lực đào tạo về công nghệ tài chính ở Việt Nam còn hạn chế, chỉ có duy nhất 3 đơn vị đào tạo chương trình này. Nhờ đó, khi hợp tác, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế và Trường ĐH Mở - TP.HCM hoàn toàn có thể chia sẻ giảng viên giảng dạy hoặc chia sẻ chương trình đào tạo một cách dễ dàng”.
Triển vọng nghề nghiệp cho nhân sự ngành Fintech
Qua khảo sát của Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế có đến 120 công ty Fintech tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này. Trái lại, nguồn nhân lực ngành thì rất hạn chế. Chính sự chênh lệch đó đã tạo khoảng trống giữa đào tạo và cơ hội việc làm.
Trao đổi về những yêu cầu đối với sinh viên, học viên theo đuổi lĩnh vực Fintech, đại diện Ngân hàng Quân đội (ngân hàng có sự chuyển đổi công nghệ số rất nhanh), ông Trần Thiện Phương - Giám đốc kinh doanh số, Giám đốc dự án MB Smartbank bày tỏ quan điểm về xu hướng nhân sự thị trường: “Trên thực tế, nhân sự ngành kinh doanh, kinh tế (business) và nhân sự công nghệ (technology) là những vị trí riêng biệt. Khi xu thế Fintech phát sinh, những vị trí nhân sự mới được ra đời, yêu cầu đáp ứng được công việc đặc thù. Nhân sự Fintech vừa phải có tư duy kinh tế mở, vừa phải nhanh nhạy trong xử lý các vấn đề liên quan công nghệ thông tin. Bởi vậy, việc các trường đại học Việt Nam đưa vào giảng dạy chương trình Công nghệ Tài chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển của ngành”.
Có thể thấy rằng, công nghệ số đã, đang và sẽ còn tạo ra nhiều bước chuyển mình mới cho xã hội. Các công ty Fintech ra đời nhiều hơn, phát triển mạnh hơn và nhu cầu nhân sự ngành này sẽ tiếp tục còn mở rộng.
Lựa chọn Thạc sỹ Fintech tại UEB – đón đầu xu hướng, nâng tầm sự nghiệp
Nắm bắt nhu cầu rộng mở của ngành đào tạo mới này, với tư cách là đại diện duy nhất của miền Bắc tham gia dự án TRUST và có chương trình đào tạo Thạc sỹ Fintech, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN dự kiến bắt đầu tuyển sinh vào tháng 11/2022.
Các môn học trong chương trình Thạc sỹ Fintech của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN được tích hợp, nhằm bổ sung các kiến thức chuyên sâu và nâng cao về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và Fintech trong thời đại kinh tế số, đáp ứng đòi hỏi của thị trường toàn cầu. Chương trình có nhiều yếu tố ưu việt:
(1) Tính quốc tế bởi Fintech được thiết kế trên cơ sở kế thừa các học phần hiện đại, chuyên sâu của các chương trình đào tạo trên thế giới và nhận đóng góp từ các trường đối tác của dự án TRUST gồm các trường đại học tại Châu Âu, Anh, Phillipines, Việt Nam;
(2) Tính thực tế thể hiện ở việc định hướng ứng dụng của chương trình;
(3) Tính khả thi thể hiện rõ nét từ khía cạnh cung và cầu đào tạo;
(4) Tính liên kết bởi thạc sỹ Fintech được các đối tác tại 3 trường đại học ở Việt Nam cùng tham gia đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đi giao lưu, trao đổi trong quá trình học;
(5) Tính tiên phong vì đây là chương trình thạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành Công nghệ Tài chính bằng tiếng Việt và do trường đại học trong nước cấp bằng.
Bên cạnh chương trình đào tạo với nội dung gắn liền thực tiễn, học viên Fintech tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN còn được học tập trong môi trường hiện đại, kích thích sáng tạo. Phòng học FINLAP với đầy đủ các trang thiết bị thông minh chính là hiện thực hóa cho chủ trương “học đi đôi với hành”.
Có thể thấy, giải pháp để lấp đầy khoảng trống giữa đào tạo và nhu cầu nhân lực ấy chính là đẩy nhanh các chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu, đặc biệt với chương trình đào tạo thạc sỹ Fintech có thể kết hợp đội ngũ nhân sự đã được đào tạo lĩnh vực công nghệ và lĩnh vực tài chính để trở thành nguồn cung nhân lực cho ngành công nghệ tài chính đầy tiềm năng.
(*) TRUST là dự án “Đổi mới số và công nghệ tài chính nhằm hiện đại hóa và phát triển chương trình đào tạo Việt Nam và Philippines” (Financial Technology and digital innovation to modeRnise and develop cUrricula of VietnameSe and Philippines UniversiTies / TRUST) kết hợp các đại học ở Châu Âu và Đông Nam Á cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính nhằm thúc đẩy quá trình hiện đại hóa các chương trình giáo dục đại học, phát triển chương trình giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam và Philippines. Mục tiêu cụ thể của dự án bao gồm: Thiết kế và phát triển chương trình thạc sĩ về Công nghệ tài chính (FINTECH) tại các trường đại học ở Việt Nam và Philippines; Hiện đại hóa các chương trình thạc sĩ kinh tế và kinh doanh thông qua việc cập nhật các môn học về công nghệ tài chính tại các trường đại học ở Việt Nam và Philippines.
Đừng bỏ lỡ cơ hội đón đầu xu hướng thị trường nhân lực và đăng ký hồ sơ dự tuyển Chương trình Thạc sỹ Fintech tại: http://tssdh.vnu.edu.vn/
Thông tin liên hệ:
• Phòng Đào tạo: P.401 Nhà E4, Trường Đại học Kinh tế, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội.
• Điện thoại: 024.37547506
• Email: daotao_kt@vnu.edu.vn
• Website: https://ueb.edu.vn/
• Facebook: https://www.facebook.com/caohockinhte.ueb.vnu/
Một số hình ảnh tại chương trình