Trang cựu sinh viên
 
Giải thưởng Bảo Sơn hướng tới sự bền vững

Việc ra đời Giải thưởng Bảo Sơn hướng đến các nhà khoa học có công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao hiện đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.


Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn (Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, Chủ tịch quỹ Bảo Sơn),  và ông Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng; ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT -  ĐHQGHN (Cơ quan thường trực giải thưởng Bảo Sơn) về một số thông tin liên quan đến giải thưởng này.

PV: Xin ông cho biết ý tưởng thành lập Giải thưởng Bảo Sơn bắt nguồn từ đâu?

Ông Nguyễn Trường Sơn (bên trái) trao đổi với đại diện Trường ĐHKT - ĐHQGHN

Ông Nguyễn Trường Sơn
- Chủ tịch quỹ Bảo Sơn, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn: Giải thưởng Bảo Sơn có bắt nguồn từ Quỹ Bảo Sơn, được thành lập từ tháng 1/2005 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Trung ký. Quỹ nhằm mục đích tài trợ cho công tác đào tạo giáo dục. Trong những năm qua, quỹ đã tài trợ cho rất nhiều chương trình giáo dục, trao học bổng cho các sinh viên nghèo vượt khó tại các trường ĐH hoặc hỗ trợ sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản. Ngược lại, Quỹ cũng hỗ trợ giảng viên Nhật Bản sang Việt Nam giảng dạy. Sau này, Quỹ Bảo Sơn có dùng để xây dựng nhà tình nghĩa, trao giải thưởng cho một số trường. Quỹ cũng đã hỗ trợ xây dựng một trường tiểu học ở huyện Nam Đàn và cũng tại trường này, Quỹ đã trao 10 giải thưởng cho học sinh xuất sắc, 5 thầy cô giáo dạy giỏi. Từ năm 2009, Quỹ này đã trao cho 56 trường học cấp phổ thông của huyện Nam Đàn với giá trị 56 triệu đồng cho các sinh viên nghèo học giỏi.
Để phát triển, mở rộng quy mô hơn nữa, Quỹ Bảo Sơn tiếp tục làm thêm một số công việc nữa trong đó có việc trao Giải thưởng Bảo Sơn cho các công trình khoa học xuất sắc có giá trị khoa học và thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, có đóng góp nổi bật vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
PV: Vậy giải thưởng Bảo Sơn sẽ hướng tới các lĩnh vực nào?
Ông Nguyễn Trường Sơn: Giải thưởng Bảo Sơn sẽ hưởng tới chủ yếu cho các thành tựu khoa học, kỹ thuật chủ yếu tập trung vào 5 lĩnh vực bao gồm: Xóa đói giảm nghèo, Giáo dục đào tạo, Phát triển kinh tế bền vững, Văn học nghệ thuật, Y học.
Trong năm 2010, năm đầu tiên của Giải thưởng Bảo Sơn, chúng tôi mới chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực bao gồm xóa đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển kinh tế bền vững. Mỗi giải thưởng có giá trị 20.000 USD. Từ năm 2011, giải thưởng Bảo Sơn sẽ mở rộng thêm ra hai lĩnh vực là Văn học nghệ thuật và Y học. Và cũng từ năm 2011, mỗi giải thưởng này sẽ tăng dần mỗi năm 10.000 USD, đến năm 2018, giải thưởng sẽ có giá trị lên đến 100.000 USD. Chưa dừng lại ở đó, giải sẽ tiếp tục tăng 1 năm thêm 10.000 USD cho đến năm 2127, thì mỗi giải thưởng Bảo Sơn sẽ lên đến 1 triệu USD.
PV: Xin ông cho biết số tiền này được trích ra từ đâu?
Ông Nguyễn Trường Sơn: Hiện nay chúng tôi đã đưa vào quỹ của giải thưởng 20 triệu USD và đây là số tiền gửi tiết kiệm. Số tiền mỗi năm lãi ra 140.000 USD. Năm 2010, quỹ mới trích ra 60.000 USD, còn 80.000 USD. Số tiền lãi còn dư này tiếp tục bổ sung vào quỹ. Cứ tiếp tục như vậy, mỗi năm quỹ trích lãi ra đưa vào giải thưởng để nâng giá trị giải lên cao hơn nữa. Đến năm 2127, Quỹ sẽ có 120 triệu USD. Lúc đó sẽ trích 5 triệu USD cố định ra để trao giải thưởng. Viêc quỹ giải thưởng tiếp tục tăng lên nhờ lãi đồng nghĩa với việc Ban tổ chức giải thưởng sẽ tiếp tục xem xét tăng thêm giải thưởng từ năm 2127.
PV: Xin ông cho biết vai trò của Trường ĐHKT trong giải thưởng này?
Ông Nguyễn Trường Sơn: Trường ĐHKT - ĐHQGHN được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của quỹ. Cơ quan này sẽ tham mưu cho hội đồng, tham mưu lựa chọn các đề tài, giải thưởng, tổ chức xét chọn sơ tuyển, tổ chức xét chung khảo… Việc đăng ký giải thưởng bắt đầu từ năm nay sẽ do Trường ĐHKT tiếp nhận. Trường ĐHKT sẽ lựa chọn, phân loại và trình lên Hội đồng. Trường cũng sẽ nghiên cứu đề xuất hội đồng xét tuyển sao cho hội đồng có các chuyên gia đầu ngành đủ trình độ để xem xét chấm giải thưởng.


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại buổi họp báo công bố giải thưởng

PV: Thưa ông Nguyễn Hồng Sơn, được giao trọng trách là thường trực của giải thưởng, Trường ĐHKT có thể nói gì về giải thưởng này?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT: Giải thưởng Bảo Sơn thuộc hệ thống giải thưởng doanh nghiệp doanh nhân, do Tập đoàn Bảo Sơn sáng lập ra, trong đó Trường ĐHKT - ĐHQGHN là cơ quan tư vấn, cơ quan thường trực tổ chức. Việc thành lập giải thưởng này có được sự đồng tình ủng hộ rất cao từ hai bộ là Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.
Giải thưởng này có 3 ý nghĩa rất quan trọng: Tôn vinh các cá nhân, các nhà khoa học có công trình xuất sắc và có giá trị thực tiễn, giá trị ứng dụng cao; Góp phần quảng bá các công trình khoa học xuất sắc; Khuyến khích việc áp dụng các công trình khoa học vào thực tiễn, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa và con người Việt Nam. Qua đó có thể thấy rằng, giải thưởng này không đơn thuần là giải thưởng dành cho các nhà khoa học mà  quan trọng hơn là khuyến khích các nhà khoa học có những công trình nghiên cứu có tính học thuật cao. Các sản phẩm khoa học đó phải được kết tinh trong những sản phẩm nhất định. Ví dụ như các bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, trên các tờ báo chuyên ngành có uy tín…
Nhưng đó mới chỉ là một nửa của câu chuyện. Nửa thứ hai là kết quả nghiên cứu khoa học đó phải được áp dụng vào trong thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội. Lúc đó công trình đó mới được đem vào hệ thống xét của Giải thưởng Bảo Sơn.

PV: Cơ sở nào để Trường ĐHKT xem xét các công trình khoa học để trình lên hội đồng chấm giải?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Về cơ sở để xây dựng giải thưởng này, chúng tôi đã khảo sát các giải thưởng hiện hành có liên quan đến các lĩnh vực trên. Ngoài ra chúng tôi cũng đã tìm hiểu vai trò, tiêu chí liên quan đến giải thưởng. Thêm nữa, chúng tôi cũng đã nghiên cứu tôn chỉ, mục đích của quỹ, chiến lược, giá trị cốt lõi trong hoạt động của Tập đoàn Bảo Sơn. Các chuyên gia trong các lĩnh vực cũng đã đưa ra góp ý liên quan đến các giải thưởng thuộc hệ thống Giải thưởng Bảo Sơn.
Việc việc nhận hồ sơ và xét thưởng, bắt đầu từ tháng 11/2010 đến tháng 1/2011, chúng tôi bắt đầu nhận hồ sơ tham gia giải thưởng. Từ tháng 1 đến tháng 3/2011 chúng tôi xét giải thưởng. Việc công bố giải thưởng sẽ được thông báo trước 1 tháng trước khi công bố giải thưởng của năm tiếp theo. Riêng trong năm 2010, do thời gian chuẩn bị hạn hẹp nên chúng tôi chỉ nhận hồ sơ của 3 giải thưởng như phía Tập đoàn Bảo Sơn đã công bố ở trên. Bắt đầu từ năm 2011 mới bắt đầu áp dụng cho 5 giải thưởng.
Về hồ sơ đăng ký, chúng tôi sẽ đăng tải trên các website www.giaithuongbaoson.com hoặc website của Tập đoàn Bảo SơnTrường ĐHKT - ĐHQGHN. Cụ thể hơn, các nhà khoa học hoặc những ai quan tâm đến giải thưởng này có thể liên hệ trực tiếp với Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển của Trường ĐHKT để có đầy đủ thông tin.

PV: Về phía nhà trường, xin ông cho biết vì sao Trường ĐHKT lại sẵn sàng đảm nhận công việc làm thường trực của giải thưởng?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Trường ĐHKT - ĐHQGHN là 1 trong 6 trường đại học thành viên của ĐHQGHN - một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.   Trường ĐHKT được hưởng rất nhiều lợi thế từ ĐHQGHN.
Trường ĐHKT có 3 sứ mệnh chính, gồm: (1) Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; (2) Sáng tạo và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội; (3) Tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hiện đại. Bên cạnh đó, Trường ĐHKT còn đặt ra cho mình mục tiêu phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu. Nói cách khác, tất cả các hoạt động của Nhà trường đều dựa trên cơ sở nghiên cứu và nghiên cứu dẫn dắt các hoạt động của Trường ĐHKT. Ngoài ra, với định hướng giảng dạy gắn liền với thực tiễn của mình, Trường ĐHKT có sự gắn kết rất chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn. Tập đoàn Bảo Sơn đã nhận ra định hướng bền vững này của nhà trường và tin tưởng lựa chọn Trường ĐHKT - ĐHQGHN làm đơn vị thường trực giải thưởng.

PV: Ông nghĩ sao về thực tế có nhiều công trình nghiên cứu khoa học không gắn liền với thực tiễn? Điều đó có thể khiến việc tìm kiếm các công trình để trao giải gặp khó khăn.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Đúng là thực tế hiện nay có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được thực hiện nhưng tính ứng dụng thực tiễn lại chưa cao. Do vậy, Giải thưởng Bảo Sơn này có một ý nghĩa rất quan trọng khi thúc đẩy, khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu các vấn đề gắn liền với thực tiễn. Như vậy, các đề tài khoa học ngoài mang tính học thuật cao ra còn mang tính ứng dụng rất thực tế. Và ứng dụng thực tế đó mang lại hiệu quả kinh tế xã hội.
Tôi xin lấy ví dụ, trong hệ thống nghiên cứu khoa học do Bộ KHCN tài trợ có những chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ quốc gia, trong đó có những chương trình nghiên cứu như về khoa học xã hội, khoa học ứng dụng và các chương trình nghiên cứu về lý luận. Trong 3 chương trình nghiên cứu đó thì có 1 chương trình nghiên cứu có ký hiệu KC là chương trình nghiên cứu có tính học thuật cao nhưng đồng thời kết quả nghiên cứu của chương trình đó phải được ứng dụng vào thực tiễn. Và đó chính là những công trình có khả năng nhận được Giải thưởng Bảo Sơn rất là cao.
Ngoài ra, với mục tiêu và chiến lược hoạt động của Trường ĐHKT cũng như với sự hợp tác chặt chẽ của các chuyên gia đầu ngành, chúng tôi tin tưởng rằng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm ra các nhà khoa học với các công trình xứng đáng nhận Giải thưởng Bảo Sơn.

PV: Với tư cách là Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, đồng thời là Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ông có thể nói gì về Giải thưởng lớn này?


PGS.TS Phùng Xuân Nhạ

PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐHKT:
Có mấy điểm mà chúng tôi rất tâm huyết. Thứ nhất là giá trị của giải thưởng này. Đây là giải thưởng doanh nghiệp hướng tới phục vụ cộng đồng. Có rất nhiều tài trợ, giúp đỡ như lũ lụt miền Trung, xóa đói giảm nghèo… nhận được sự giúp đỡ của các doanh nghiệp nhưng riêng Giải thưởng Bảo Sơn hướng sự giúp đỡ này đến giá trị bền vững.
Giá trị bền vững đó nằm trong những hoạt động có tính chất dài hạn và có ý nghĩa thiết thực. Ở đây là gì? Nếu xét về nền tảng thì trước hết phải là giáo dục đào tạo. Giải thưởng Bảo Sơn trao giải để ghi nhận những nhà giáo dục có công trong sự nghiệp tạo ra nền tảng phát triển bền vững. Giải thưởng sẽ tôn vinh những người có công lao đồng thời khích lệ những người đang cống hiến cho ngành giáo dục.
Tiếp nữa là khoa học công nghệ. Đây cũng là 1 trong những lĩnh vực mà giải thưởng hướng tới. Không như những giải thưởng trước đây, Giải thưởng Bảo Sơn xác nhận các công trình có đóng góp thiết thực cho cộng đồng và đem lại giá trị sử dụng cao cho người dân. Trong những lĩnh vực khác, Giải thưởng Bảo Sơn cũng hướng đến giá trị cốt lõi của lĩnh vực đó, hướng tới giá trị cộng đồng. Điều quan trọng nhất là nó đem lại giá trị cho cộng đồng, cho người dân được hưởng.
Điểm thứ hai mà tôi thấy rất tâm đắc đó là tầm nhìn của giải thưởng này rất dài hạn và bền vững. Rất độc đáo ở đây là ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch quỹ Bảo Sơn, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn đã tạo ra được một quỹ với số tiền không nhỏ và dùng tiền lãi của nó để nâng dần giá trị giải thưởng. Đây cũng là cách mà nhiều giải thưởng lớn trên thế giới sử dụng để duy trì và mở rộng giải thưởng. Sự bền vững chính là ở điểm này, tức là chắc chắn giải thưởng sẽ đều đặn hàng năm, ổn định chứ không phải tùy theo tiền tài trợ từng năm như một số giải thưởng khác.
Tôi cũng rất tâm đắc với ý kiến của ông Sơn là, giải thưởng thực tế có rất nhiều. Nhưng nó phải ở mức nào đó để tạo động lực, khuyến khích người làm khoa học, người nhận được giải cảm thấy họ được đền đáp xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra.
Tất cả chúng ta đều biết, những người có công trong các lĩnh vực Xóa đói giảm nghèo, Giáo dục đào tạo, Phát triển kinh tế bền vững, Văn học nghệ thuật và Y học thì họ phải hy sinh rất lớn cho các công trình nghiên cứu của mình. Giải thưởng cũng phải có tầm giá trị xứng đáng để bù đắp cho những hy sinh đó. Như vậy ý nghĩa giải thưởng nó cũng thiết thực giống như những giá trị mà người được nhận giải thưởng đã đem lại cho nhân dân, cho đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông.

M.T