Trang tin tức sự kiện
 
Trường ĐHKT đạt vị trí cao trong lần đầu tiên tham gia xếp hạng Webometrics

Ngày 1/8/2014, Webometrics đã công bố kết quả xếp hạng thường niên đợt 2 năm 2014. Theo đó, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN xếp thứ 34 trong bảng xếp hạng các đại học của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên website của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được xếp hạng trong hệ thống này.


Theo kết quả công bố của Webometrics, đến nay, có tổng số 118 viện, trường đại học của Việt Nam được xếp hạng. Nếu tính ở khu vực Châu Á thì Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có thứ hạng 4.513 và hạng 5.960 trên thế giới của hơn 22.000 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng kỳ này.

ĐHQGHN vẫn giữ thứ hạng số 1 Việt Nam; thứ 899 thế giới (tăng 242 bậc so với thứ hạng 1141 lần gần đây nhất); thứ 207 Châu Á và 23 Đông Nam Á.

Đợt này, cùng với website Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, website Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQGHN lần đầu tiên được xếp hạng trong hệ thống Webometrics với thứ tự số 52 Việt Nam, 2914 Châu Á và 8.427 thế giới.

Thông số của website Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trên bảng xếp hạng của Webometrics tháng 7/2014

Bảng xếp hạng trang web các trường đại học trên toàn thế giới (Webometrics Ranking of World Universities) là sáng kiến của Phòng Nghiên cứu Cybermetrics, thuộc Consejo Superior de Investigaciones Científicas (CSIC), trung tâm nghiên cứu công lớn nhất của Tây Ban Nha. Những trường đại học có vị trí cao là những trường có trang web tốt xét theo chỉ số tác động đối với cộng đồng. Bảng xếp hạng sẽ được cập nhật mỗi năm hai lần vào tháng 1 và tháng 7.

Mục tiêu và của Webometrics chính là nhằm cổ vũ các trường đại học và các viện, trung tâm nghiên cứu công bố thông tin trên mạng internet. Và để phục vụ mục tiêu trên, các tác giả của Webometrics đã xây dựng một công thức để chấm điểm và xếp hạng trang web của các trường đại học.

Công thức xếp hạng của Webometrics chính là công thức “đo lường trang web” với 4 chỉ số như sau:

+ Mức độ hiện diện (Visibility), tính theo số các đường dẫn từ bên ngoài đến các kết nối bên trong trên một tên miền.

+ Kích thước (Size), tính theo số lượng trang web xuất hiện dưới cùng một tên miền (domain) trên 4 công cụ tìm kiếm Google, Yahoo!, Live Search và Exalead.

+ Số lượng “file giàu” (Rich File), tính theo số lượng các loại file .doc, .pdf, .ps và .ppt có thể truy xuất từ một tên miền.

+ Tính chất học thuật (Scholar) tính theo số lượng các thư tịch khoa học (academic records), tức các bài báo, luận văn luận án, các ấn phẩm khoa học, cùng các trích dẫn (citations) trên một tên miền thông qua việc tìm kiếm với công cụ Google Scholar, là một dịch vụ mới của Google dành cho giới khoa học mà hiện nay vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.

Tất cả các chỉ số nêu trên đều được tính toán một cách tự động để đưa ra các kết quả xếp hạng mà Webometrics đã công bố.

Ngoài các chỉ số đánh giá các thông số của trang web của các cơ sở giáo dục, như thông tin hiện có (Presence), mức độ liên kết đến từ các cơ sở giáo dục bên ngoài (Impact), số lượng thư tịch khoa học được index bởi Google Scholar (Openness), Webometrics cũng kết hợp đánh giá chỉ số xuất sắc (Excellence) được tính thông qua số lượng các bài báo công bố trong hệ thống tạp chí Scopus do Scimago thống kê.

Như vậy, hiện nay Webometrics không phải là bảng xếp hạng đánh giá thông thường về website của các trường đại học nữa, mà đang tiếp cận ở mức độ hoạt động toàn cầu của đại học (university global performance), gồm cả hai yếu tố là (1) mức độ số hoá và (2) xuất bản quốc tế. Thực chất, bảng xếp hạng Webometrics đã bao gồm cả kết quả xếp hạng nghiên cứu của Scimago cho các viện, trường đại học trên thế giới.


Lưu Nguyễn