Trang tin tức sự kiện
 
Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của những "chuyên gia kinh tế năm nhất"?

Tọa đàm là nơi sinh viên và giảng viên thảo luận về các vấn đề khoa học
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Vậy dưới góc nhìn của những “chuyên gia kinh tế năm nhất” tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, kịch bản nào cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài? Hãy cùng tham khảo chuỗi toạ đàm nghiên cứu khoa học của sinh viên QH-2019-E ngành Kinh tế để có câu trả lời.


Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 đã khiến cho nền kinh tế thế giới bị suy thoái nghiêm trọng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo GDP của Việt Nam ở mức chỉ 4.8% trong năm 2020. Dịch Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhiều công ty ngừng hoạt động. Hàng loạt những mặt hàng từ chế biến, bán lẻ, may mặc đều giảm sâu trong 3 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng quý 1 năm 2020 chỉ là 3,8% thấp hơn rất nhiều so với 6.8% của quý 1 năm 2019. Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê, có đến 74% doanh nghiệp Việt Nam có thể dừng hoạt động đến tháng 6/2020. Nếu đến tháng 6/2020 dịch bệnh chưa được khống chế, thì rất có thể các công ty, doanh nghiệp sẽ phải dừng hoạt động lâu hơn.

Thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Trong điều kiện kinh tế thị trường, thất nghiệp là vấn đề mang tính toàn cầu, không loại trừ một quốc gia nào. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 có thể khiến cho từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2/2020 là 47.164 người, tăng 59,2% so với tháng 1/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình dịch bệnh kéo dài khiến cho hàng loạt doanh nghiệp “điêu đứng” kéo theo tình trạng thất nghiệp rất đáng báo động. Giải pháp hỗ trợ để giảm thiểu thất nghiệp của Việt Nam trong tình hình đại dịch Covid-19 từ khuyến nghị của những sinh viên năm nhất chia ra làm 3 nhóm giải pháp chính: Chính sách của chính phủ với các gói hỗ trợ doanh nghiệp; Gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Biện pháp giải quyết thất nghiệp đối với người lao động: Hỗ trợ người nghèo, người hưởng trợ cấp; Hỗ trợ người lao động; Biện pháp từ phía doanh nghiệp và người lao động.

 

Ngành dệt may Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, dù đơn hàng xuất khẩu có thể tăng, nhưng nguồn nguyên liệu cho sản xuất bị hạn chế. Thị trường xuất khẩu của ngành may mặc (đầu ra) không bị ảnh hưởng (vì hầu hết các doanh nghiệp may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc), nhưng do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 đến tháng 3, nên đầu vào - khâu cung ứng nguyên liệu - sẽ bị ảnh hưởng, vì vậy xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tính đến hết quý I, kim ngạch nhập khẩu vải giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời sản phẩm dệt may xuất khẩu cũng giảm gần 10%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Để giảm bớt một phần khó khăn, các doanh nghiệp cũng như Bộ Công thương đã có những kiến nghị trình Chính phủ về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Một số giải pháp quan trọng đối với ngành dệt may là chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam… Sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp không chỉ là chính sách vĩ mô liên quan đến tài khoá và tiền tệ mà quan trọng là phản ứng cần rất kịp thời và nhanh chóng để các sản phẩm may của Việt Nam như khẩu trang, bảo hộ y tế được chứng nhận và có thể được xuất khẩu vào các thị trường đang là tâm điểm của đại dịch hiện nay. Ngoài ra, lao động ngành may với đặc thù số lượng công nhân vô cùng lớn, tập trung ở các khu công nghiệp lớn trên cả nước cũng cần được hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương.

 

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến ngành du lịch và hàng không ở Việt Nam

Du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam. Trước tình hình đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, Tổng cục Thống kê dự báo, kết thúc quý I/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 644.000 lượt, giảm khoảng 800.000 lượt (giảm từ 20% đến 50%). Khách sạn vẫn thường phục vụ khách Trung Quốc giảm tới 98%. Ngành du lịch toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu đo lường toàn bộ tác động của ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nó sẽ lớn hơn bất kỳ ngành nào khác trên thế giới. Bởi đây là một ngành công nghiệp đa dạng, trong đó bao gồm cả hoạt động của các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng... Vậy kịch bản nào có thể xảy ra đối với ngành du lịch Việt Nam? Nếu như tình hình dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 6/2020 và kịch bản dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 9/2020? Phát triển của ngành du lịch và hàng không được coi là mối quan hệ “cộng sinh”. Mối quan hệ tương hỗ, "cộng sinh" không thể tách rời giữa hàng không và du lịch đem lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt, “cái bắt tay” giữa du lịch và hàng không trong việc xây dựng sản phẩm du lịch chung sẽ góp phần tiết giảm chi phí cho du khách. Tuy nhiên, trong giai đoạn cả thế giới chịu tác động của đại dịch, “cái bắt tay” giữa du lịch và hàng không cần có chiến lược kích cầu cụ thể.

 

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sinh kế người lao động ở Việt Nam

Với 2 kịch bản tác động được xây dựng, ILO ước tính đến cuối quý II năm nay, khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 - 10,3 triệu lao động, do giảm số giờ làm, tiền lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc. Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi họ không được tiếp cận các mạng lưới bảo trợ xã hội do Nhà nước chi trả. Lao động dễ bị tổn thương, đặc biệt có nguy cơ phải đối diện rủi ro về kinh tế, vì họ phần đông làm các công việc phi chính thức với mức lương thấp và nhiều khả năng không có tiền tiết kiệm.

 

Việt Nam đã giải quyết cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến dịch Covid-19 một cách quyết liệt, mạnh mẽ và quan trọng nhất là với mục tiêu bảo vệ tất cả mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cách tiếp cận đó cần được áp dụng để giải quyết các thách thức về kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Đây là thời điểm quan trọng phải đảm bảo rằng phản ứng chính sách kinh tế - xã hội được xây dựng một cách bao trùm, dựa trên tham vấn 3 bên (Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động), và có thể tác động tới các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động. Thời điểm khó khăn này tạo cơ hội cho Việt Nam để thiết lập nền tảng cho con đường tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi công cuộc hồi phục bắt đầu được thực hiện.

Học đại học từ thực tiễn - Kim chỉ nam trong đào tạo đại học của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

“Học đi đôi với hành” luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình đào tạo của ngành Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Học tập từ thực tiễn qua những toạ đàm khoa học nghiên cứu, từ đó những kiến thức lý thuyết tưởng chừng khô khan được áp dụng vào thực tế qua những vấn đề kinh tế hiện hữu, mang đến cái nhìn tổng quan nhất và thiết thực nhất cho sinh viên.

 

Thông qua đó, sinh viên có cơ hội được rèn luyện tư duy khoa học logic, các kỹ năng mềm như tìm kiếm tài liệu, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình và phản biện… Những góc nhìn của các “chuyên gia kinh tế năm nhất” thông qua chuỗi toạ đàm khoa học chính là những hướng đi mới trong phương pháp giảng dạy “học đại học từ thực tiễn” dành cho các nhà kinh tế tương lai.



Hương Lan - Thùy Linh (Tổ truyền thông)