Trang tin tức sự kiện

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012: Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế



Tác giả: Nguyễn Đức Thành (chủ biên
Nhà xuất bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm xuất bản: 9/2012
Nơi xuất bản: Hà Nội

Khổ sách: 16cm x 24cm

Giá: 152,000VNĐ

Sau bốn năm liên tục được xây dựng và ấn hành, chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, có lẽ đã trở nên quen thuộc với nhiều nhà phân tích và hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu kinh tế và những người quan tâm đến vấn đề kinh tế của Việt Nam.

Tiếp nối những Báo cáo từ các năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa của những cuộc cải cách quan trọng...

Tiếp theo dòng phân tích của những Báo cáo từ các năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa của những cuộc cải cách đã được đề xuất trong năm 2011, với mục đích tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế.

Cuốn sách Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012: Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” chính là nỗ lực của nhóm tác giả nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế thế giới và Việt nam trong năm qua đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ trong bối cảnh hiện nay.

Hàm ý chung tựa đề của cuốn sách là muốn lưu ý những khó khăn, thách thức sẽ bộc lộ khi chúng ta thật sự tác động đến cơ cấu của nền kinh tế. Nền kinh tế vốn được duy trì trong một cấu trúc không mấy lành mạnh: tăng trưởng dễ dãi dựa trên mở rộng tín dụng, phụ thuộc nhiều vào các đại tập đoàn nhà nước kém hiệu quả, không minh bạch và thiếu trách nhiệm, sự hoành hành đầy ngạo mạn của các nhóm lợi ích, năng suất và năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế liên tục suy giảm, tầm nhìn phát triển mãi dùng dằng với tư tưởng kinh tế nhà nước làm chủ đạo...

Cấu trúc cũ cả trong tư duy lẫn hiện thực như vậy có một sức ỳ, nếu không muốn nói là phản kháng ghê gớm với bất cứ một cải cách cấp tiến nào muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo của một nền kinh tế thị trường lành mạnh.

Cuốn sách gồm 7 chương và 2 phụ lục, tập trung mổ xẻ, phân tích và bình luận một cách chi tiết ba chương trình tái cơ cấu hiện nay theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 3 (2011) là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công.

 Ngoài ra, để làm rõ tính cấp thiết của chương trình tái cơ cấu kinh tế, cuốn sách dành một chương để phân tích khuynh hướng suy giảm hiệu quả và năng suất của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều khuyến nghị chính sách được đưa ra với mong muốn thúc đẩy một quá trình cải cách thực sự nền kinh tế.

 Với nội dung và ý nghĩa như vậy, ngoài mục đích cung cấp thông tin, tri thức cho người đọc là doanh nghiệp, tổ chức và giới nghiên cứu, cuốn sách còn được kì vọng như một kênh thảo luận và đối thoại chính sách hữu hiệu với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lí kinh tế.

 

MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ SÁCH:

  • “Tiếp tục các báo cáo thường niên được xây dựng từ năm 2009, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 có cách tiếp cận hệ thống, lấy việc phân tích kinh tế vĩ mô và phản ứng chính sách của Chính Phủ từ các năm trước làm trục xoay, đồng thời chú ý đầy đủ những tác động của bối cảnh thế giới trong năm và những vấn đề đặt ra đối với kinh tế nước ta trong năm 2011 (xây dựng đề án và khởi động quá trình tái cơ cấu - một chương trình nghị sự lớn được đặt ra trong năm 2012). Nhờ đó bảo đảm được sự nhất quán cần có trên những vấn đề cốt lõi của các báo cáo thường niên mà vẫn phản ánh được yêu cầu cấp bách và cái đặc thù của năm 2011 trong một môi trường đầy biến động”.
Ông Trương Đình Tuyển

Chuyên gia kinh tế cao cấp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

 Thành viên Hội đồng Tài chính Tiền tệ Quốc gia
 
  • “Ngoài các nội dung như thông lệ, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt nam 2012 đã trình bày một cách có hệ thống vấn đề vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài của nền kinh tế Việt nam. Đó là tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, là chủ đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm trong mấy năm gần đây. Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây tập hợp các kiến nghị chặt chẽ, có luận cứ khoa học và thực tiễn, hợp lý và khả thi, liên quan đến tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu đầu tư công.”
TS. Nguyễn Đình Cung

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

_____________

ẤN PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

  1. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011, với chủ đề: Nền kinh tế trước ngã ba đường (NXB Đại học Quốc gia, 2011).
  2. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010, với chủ đề: Lựa chọn để tăng trưởng bền vững (NXB Tri Thức, 2010).
  3. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2009, với chủ đề: Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới (NXB Tri Thức, 2009).


Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành