Trang cựu sinh viên
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “ĐHQGHN phải là biểu tượng đẹp của tinh thần, trí tuệ và tinh hoa văn hóa Việt Nam"

Sáng ngày 9/12/2013, Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về ĐHQGHN (10/12/1993 - 10/12/2013) được tổ chức trọng thể tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - đã tham dự và có những ý kiến chỉ đạo quan trọng về ĐHQGHN.


Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ: đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên BCT, Chủ tịch Ủy Ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên BCT, Bí thư thành ủy Hà Nội; đồng chí Phạm Gia Khiêm - nguyên Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tưởng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Quân - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Minh Quang - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Phan Thanh Bình - Ủy viên TW Đảng, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Tham dự lễ kỷ niệm còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, các đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Về phía ĐHQGHN, có đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN cùng các thế hệ lãnh đạo, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý và học sinh, sinh viên, học viên cao học, NCS của ĐHQGHN.

>>> ĐHQGHN xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng

>>> 20 năm ĐHQGHN – Chặng đường đầy gian khó song hết sức vẻ vang

Trong diễn văn chào mừng, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành TW, Hà Nội, các địa phương, các đối tác trong và ngoài nước; đến cố GS. Nguyễn Văn Đạo - vị Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN; các vị Giám đốc tiền nhiệm: GS. Đào Trọng Thi, GS. Mai Trọng Nhuận và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, sinh viên của ĐHQGHN về những đóng góp to lớn có tính “xây nền đắp móng” cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ĐHQGHN 20 năm qua. Bài phát biểu cũng điểm lại những dấu mốc lịch sử quan trọng, cùng nhìn lại những khó khăn, thử thách đã vượt qua, ghi nhận những thành quả đáng tự hào… để suy ngẫm và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, từ đó đề ra hướng phát triển mới cho tương lai của ĐHQGHN.

Ra đời vào thời điểm lịch sử - những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ĐHQGHN được thành lập với kỳ vọng sẽ là một mô hình đại học tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao, tạo sự bứt phá, đổi mới cho hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhờ kế thừa truyền thống học thuật đỉnh cao của Đại học Đông Dương, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng những nỗ lực phi thường, sự kiên trì, sự sáng tạo không ngừng và khát vọng chinh phục những đỉnh cao và hướng tới các chuẩn mực quốc tế, ĐHQGHN đã vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh và của nội tại để dần dần hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, xác lập vị thế là trung tâm đại học chất lượng cao hàng đầu đất nước và có uy tín ngày càng cao trong khu vực và quốc tế.

 Trên phương diện quản lý vĩ mô, ấn tượng nổi bật nhất là ĐHQGHN đã triển khai thành công mô hình đại học hiện đại hai cấp chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Theo đó, ĐHQGHN cùng lúc thực hiện 3 chức năng: quản lý vĩ mô; điều phối, liên kết các đơn vị và trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ lớn, có tính liên ngành, liên lĩnh vực và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Các đơn vị của ĐHQGHN được tổ chức và hoạt động theo cơ chế mở và liên thông, liên kết, sử dụng nguồn lực chung của toàn ĐHQGHN và phát huy lợi thế chuyên môn hóa của đơn vị. Hiện nay, ĐHQGHN có 28 đơn vị trực thuộc, các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu trải rộng từ khoa học tự nhiên, công nghệ cho đến khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật, giáo dục, ngoại ngữ và y dược.

Để thực hiện sứ mệnh trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao, ĐHQGHN đã tập trung đầu tư phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu. Đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của ĐHQGHN mạnh hàng đầu đất nước với tỷ lệ cán bộ có học vị TS và TSKH chiếm 45%, tỷ lệ GS và PGS đạt 18,5%. Quy mô đào tạo sau đại học/đại học hiện xấp xỉ là ½. Tỉ lệ đào tạo chất lượng cao, tài năng và chuẩn quốc tế đã đạt gần 20%. Kiểm định chất lượng, đặc biệt kiểm định theo chuẩn của các hiệp hội đại học ASEAN và quốc tế đã được áp dụng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt các nghiên cứu phát triển công nghệ đã có những bước tiến bộ vượt bậc.Cho đến nay, ĐHQGHN đã có hàng trăm sản phẩm khoa học và công nghệ được triển khai ứng dụng trong thực tế. Số bài báo quốc tế trong hệ thống ISI của ĐHQGHN đã tăng lên khoảng 20 lần, chiếm khoảng 12% tổng số bài báo ISI của cả nước. ĐHQGHN giành 19 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 18 Giải thưởng Nhà nước và hàng chục giải thưởng khoa học có uy tín trên thế giới.Năm 2012, ĐHQGHN đã được tổ chức xếp hạng đại học quốc tế xếp trong top 250 (tức là nằm trong nhóm 5 %) các trường đại học hàng đầu Châu Á.

Cũng trong năm 2012, Luật Giáo dục đại học Việt Nam được thông qua, ghi nhận mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực với các tiêu chí và đặc trưng mà ĐHQGHN đã kiên trì phấn đấu xây dựng. Đây là sự khẳng định và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và xã hội đối với mô hình và chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN, qua đó góp phần khẳng định bản chất của giáo dục ĐH hiện đại Việt Nam - đó là đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học.

Giám đốc Phùng Xuân Nhạ khẳng định: trong chặng đường 20 năm ĐHQGHN, nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc rút và kế thừa, trong đó quan trọng nhất là bài học về tinh thần đoàn kết; về sự quyết tâmvà kiên định với mục tiêu phát triển hướng tới hội nhập quốc tế; về tinh thần sẵn sàng chấp nhận khó khăn thử thách của người đi tiên phong. Bên cạnh đó, ĐHQGHN luôn khẳng định tinh thần trách nhiệm cao trước xã hội, luôn quan tâm đến yếu tố con người, linh hoạt với những chủ trương đổi mới táo bạo, đột phá phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.

Giám đốc ĐHQGHN cũng nhấn mạnh: trong thời gian tới, mục tiêu chiến lược của ĐHQGHN là nằm trong nhóm 200 đại học hàng đầu Châu Á vào năm 2015, vươn lên nhóm 100 đại học tiên tiến của Châu Á vào năm 2020. ĐHQGHN xác định thời gian tới sẽ tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Một là, thực hiện quản trị đại học tiên tiến trên cơ sở đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lýhoạt động đào tạo và khoa học và công nghệ; Hai là, tiếp tục phát triển đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, công nghệ - kỹ thuật và liên ngành, liên lĩnh vực. Tập trung ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài khoa học cơ bản và các ngành công nghệ, kinh tế - xã hội mũi nhọn; Ba là,nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, hình thành một số nhóm khoa học mạnh, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia và tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ đỉnh cao tầm cỡ quốc tế; Bốn là, triển khai các giải pháp đột phá để phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý trình độ cao, trong đó đặc biệt là các nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành để đáp ứng yêu cầu của đại học nghiên cứu tiên tiến; Năm là, nâng cao hiệu quả hợp táctheo hướng đẩy mạnh kết nối các đơn vị và các nhà khoa học của ĐHQGHN với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, dịch vụ chuyển giao trí thức; Sáu là, triển khai các giải pháp hợp lý đểcải tạo, nâng cấp, sửa chữa, phát triển, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất tại nội thành Hà Nội, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, hệ thống học liệu, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ chất lượng cao.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới tập thể cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên của ĐHQGHN và bày tỏ niềm vui của một cựu sinh viên ĐHQGHN khi trở về thăm trường cũ.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ

Tổng Bí thư đánh giá: “ĐHQGHN là một trung tâm nghiên cứu và đào tạo liên ngành, đa ngành lớn của nước ta, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục của đất nước”. Trong suốt 20 năm qua, ĐHQGHN đã không ngừng nỗ lực phấn đấu từng bước xác lập được vai trò đầu tàu, nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam và có vị thế ngày càng cao ở khu vực và quốc tế, xứng đáng với Huân chương Sao vàng và và nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Đến nay, bộ máy tổ chức và cán bộ với nhiều khoa, viện nghiên cứu và đơn vị trực thuộc đã được điều chỉnh, sắp xếp, củng cố và phát triển thành thực thể hữu cơ có quy mô hợp lí và hoạt động có hiệu quả.

Tổng Bí thư cũng lưu ý những hạn chế và khó khăn mà ĐHQGHN đang phải đối mặt: số cán bộ khoa học đầu ngành chưa nhiều, chất lượng cán bộ cần phải có những cải thiện nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu của ĐH tiên tiến, hoạt động KHCN giữa các nhóm ngành, các đơn vị chưa đồng đều; cơ sở vật chất, hệ thống thông tin truyền thông chưa được đầu tư tương xứng…

Tổng Bí thư giao nhiệm vụ: ĐHQGHN phải nỗ lực phấn đấu làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ, đi đầu trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI về phát triển khoa học - công nghệ. Đặc biệt, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Một là, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức ĐHQGHN theo hướng hiện đại, phù hợp chuẩn mực quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Tiếp tục triển khai cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản trị đại học; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị thành viên.

Hai là, về công tác đào tạo, phải đặc biệt coi trọng phát triển phẩm chất, tầm nhìn, năng lực, kỹ năng và tăng khả năng có việc làm của người học. Hoàn thiện và triển khai Đề án đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực thực chất của người học, nâng cao chất lượng đầu vào. Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại, thiết thực, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tạo động lực để người học tham gia tích cực vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo. Phát triển và nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng; các chương trình đào tạo "ngành kép", cấp "bằng kép". Xây dựng một số ngành, chuyên ngành đào tạo chất lượng cao, hướng tới phát triển khoa, trường đại học thành viên và Đại học Quốc gia Hà Nội đạt chuẩn quốc tế.

Ba là, về công tác nghiên cứu, cần nhận thức và phát huy đầy đủ vai trò của ĐHQGHN như là một cái nôi của nghiên cứu khoa học cơ bản, nơi sản xuất "máy cái", đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ khoa học cơ bản cho toàn bộ hệ thống giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ quốc gia, có đặc thù riêng, cần có cơ chế, chính sách riêng, phù hợp.

Căn cứ vào thực tế dạy và học, ĐHQGHN cần sớm nghiên cứu đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ những giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển khoa học xã hội - nhân văn trong hệ thống các trường đại học của cả nước.

Trên nền tảng phát triển khoa học cơ bản và khoa học xã hội - nhân văn, ĐHQGHN cần tập trung phát triển các khoa học liên ngành, các công nghệ mũi nhọn trực tiếp tham gia vào việc giải quyết có hiệu quả các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển của đất nước. ĐHQGHN phải hoàn thành tốt nhiệm vụ đi tiên phong trong việc vươn tới các chuẩn mực và trình độ tiên tiến về tri thức và công nghệ của khu vực và thế giới, góp phần thiết thực vào việc thu hẹp khoảng cách tụt hậu trong trình độ phát triển của nước ta so với các nước tiên tiến.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế và thông tin truyền thông, phục vụ thiết thực cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Củng cố, nâng cao chất lượng phục vụ của các thư viện, trung tâm thông tin, các nhà xuất bản, các tạp chí khoa học bằng những ấn phẩm, công trình có giá trị khoa học cao. Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài có uy tín trong việc triển khai các đề tài, dự án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cũng như tăng cường giao lưu văn hoá và học thuật quốc tế.

Năm là, để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, cần xây dựng một môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác tin cậy, làm cơ sở để nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tự do học thuật, thống nhất, đồng thuận, kỷ luật, kỷ cương. Quan tâm đầu tư, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển trở thành đại học nghiên cứu. Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ đầu đàn, đầu ngành; đội ngũ cán bộ quản lý có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị đại học tiên tiến, có kỹ năng ứng xử, giao tiếp tốt; ưu tiên xây dựng đội ngũ giảng viên là nhà khoa học, có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo, phương pháp giảng dạy và có khả năng tổ chức nghiên cứu khoa học. Có giải pháp cụ thể để thu hút cán bộ và các nhà khoa học giỏi ở trong nước và nước ngoài, đồng thời có các chính sách đãi ngộ cán bộ có trình độ cao; khuyến khích, động viên cán bộ làm việc có ý thức trách nhiệm và hoàn thành tốt công việc.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Có các giải pháp phát triển các nguồn lực phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học viên.

Đảng bộ ĐHQGHN cần quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kiện toàn hệ thống chính trị, tăng cường khối đoàn kết, nhất trí trong nội bộ, làm cơ sở vững chắc quy tụ sự đồng tâm, đồng thuận, tâm huyết, trí tuệ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh; phát huy cao độ tinh thần tự do sáng tạo của các nhà khoa học; phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp nơi học đường, đặc biệt là đạo đức, phẩm chất, tư cách nhà giáo, nhà khoa học, truyền thống uống nước nhớ nguồn và đạo lý thày - trò.

Kết thúc bài phát biểu, Tổng Bí thư bày tỏ niềm tin và hy vọng vào tương lai phát triển của ĐHQGHN: “Tôi mong và tin rằng ĐHQGHN sẽ thực sự trở thành một biểu tượng đẹp của tinh thần, trí tuệ, tinh hoa văn hoá Việt Nam”.

Tiếp đó, đại diện Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các đối tác trong nước và đại diện nhà giáo, sinh viên đã phát biểu chúc mừng 20 năm ĐHQGHN.



Tại Lễ kỷ niệm, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN cho TBT Nguyễn Phú Trọng.




VNU_media