Trang cựu sinh viên
 
ĐHQGHN tiếp nối truyền thống đại học dân tộc từ ngàn xưa

Bài phát biểu GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN nhân lễ kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về ĐHQGHN, ngày 9/12/2013.


Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập năm 1993, nhưng về mặt lịch sử đã kế thừa truyền thống gần nghìn năm nền giáo dục dân tộc và trực tiếp kế thừa nền giáo dục đại học hiện đại của Đại học Đông Dương và Đại học quốc gia Việt Nam.

Đại học Đông Dương thành lập năm 1906 và trên thực tế, phát triển từ năm 1917. Đây là một Đại học do chính quyền Pháp tổ chức, dĩ nhiên trước hết nhằm mục tiêu đào tạo và cung cấp nhân viên hành chính và khoa học cho bộ máy chính quyền Pháp. Nhưng đây là một mô hình đào tạo đại học hiện đại của thế giới được du nhập từ phương Tây và so với mô hình đào tạo truyền thống là một tiến bộ mang tính bước ngoặt. Đại học Đông Dương gồm một hệ thống các Khoa và các trường Cao đẳng của nhiều ngành từ Y, Dược, Công chính, Nông lâm, Thú y, Kiến trúc, Thương mại đến Luật, Sư phạm, Khoa học, Văn khoa, Mỹ thuật, Mỹ nghệ. Các ngành của Đại học Đông Dương đã đào tạo một đội ngũ trí thức mới, trong đó có nhiều người tham gia các hoạt động khoa học, văn hóa, nghệ thuật, góp phần thúc đẩy sự phát triển theo hướng hiện đại hóa nhiều ngành khoa học, công nghệ và văn học, nghệ thuật Việt Nam. Đặc biệt trong số sinh viên Đại học Đông Dương, có một số người tiếp thu vốn kiến thức hiện đại và những truyền thống tiến bộ của văn hóa Pháp và phương Tây cùng với lòng yêu nước tha thiết đã trở thành những nhà cách mạng tham gia tích cực cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc. Một số nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đã từng là cựu sinh viên Đại học Đông Dương. Phong trào yêu nước trong sinh viên Đại học Đông Dương cũng càng ngày càng phát triển, nhất là sau Chiến tranh thế giới thứ hai tiến tới Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay đã kế thừa mô hình đạo tạo tiên tiến của Đại học Đông Dương và truyền thống yêu nước, cách mạng của sinh viên Đại học Đông Dương.

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, trên cơ sở các Khoa và trường Cao đẳng của Đại học Đông Dương, đã tổ chức lại thành Đại học Quốc gia Việt Nam. Ngày 15-11-1945 tại Đại giảng đường Đại học Đông Dương cũ (19 Lê Thánh Tông, nay Đại học Quốc gia Hà Nội), đã long trọng tổ chức lễ khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cơ cấu của Đại học bước đầu được tổ chức lại thành 5 ban: Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị xã hội và Mỹ thuật. Đại học có một Hội đồng quản trị và một ngân sách tự trị, vận hành theo mô hình đa ngành và tự quản cao. Giáo dục đại học được xác định là “một trong những nền tảng của công cuộc kiến thiết quốc gia”, có nhiệm vụ đào tạo những con người phụng sự tổ quốc, biết “nêu cao ngọn quốc kỳ trong mọi cơn giông tố” (Diễn văn khai mạc của GS. Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Đại học Quốc gia Việt Nam). Lần đầu tiên trong lịch sử, tiếng Việt và chữ quốc ngữ được sử dụng là ngôn ngữ chính thức của đại học, một số nhà trí thức Việt Nam được bổ nhiệm làm Giáo sư đại học. Như vậy là Đại học Quốc gia Việt Nam có kế thừa Đại học Đông Dương nhưng được cải tạo về chức năng, mục tiêu và tinh thần đào tạo. Sự thành lập Đại học Quốc gia Việt Nam là một sự kiện trọng đại đánh dấu sự mở đầu của nền giáo dục đại học của nước Việt Nam độc lập.

Sau đó do tình hình khẩn trương của cuộc kháng chiến, cuối năm 1946 Đại học quốc gia Việt Nam tạm ngừng hoạt động. Vào những năm cuối của kháng chiến chống Pháp, chủ yếu từ năm 1951, đã tái lập các trung tâm đào tạo đại học và cao đẳng để từ năm 1954 thành lập lại nền đại học Việt Nam. Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học phát triển thành Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm là tiền thân trực tiếp của Đại học Quốc gia Hà Nội. Như vậy, vạch nối từ Đại học Quốc gia Việt Nam đến Đại học Quốc gia Hà Nội tuy có gián đoạn một thời gian (khoảng 1946-1951), nhưng vẫn là dòng chảy của quá trình hình thành và phát triển của nền đại học của nước Việt Nam độc lập mà Đại học Quốc gia Hà Nội đã thừa kế được nhiều truyền thống tốt đẹp và kinh nghiệm phong phú.

Đại học Quốc gia Hà Nội từ khi thành lập đã tiếp nối truyền thống đại học dân tộc từ ngàn xưa, đã kế thừa mô hình Đại học Đông Dương hơn trăm năm và trực tiếp từ Đại học Quốc gia Việt Nam 68 năm. Đấy là bề dày lịch sử và truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội và cũng là niềm tự hào, là thế mạnh của Đại học này.

Trong 20 năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, tổ chức lại theo mô hình đại học nghiên cứu đa ngành đa lĩnh vực và đạt nhiều thành tựu to lớn trong đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, đã thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều đại học trên thế giới. Hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội đang phát triển trên ba trụ cột: Đa ngành, đa lĩnh vực - Chất lượng cao - Tự chủ, tự quản cao. So với các Trung tâm nghiên cứu và đào tạo lớn nhất của đất nước hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội không những có thế mạnh về lịch sử và truyền thống mà còn có ưu thế về tính đa ngành, đa lĩnh vực. Các ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội chưa thật đầy đủ nhưng đã bao quát được các lĩnh vực của Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn, Công nghệ, Kinh tế và quản trị. Ưu thế này là điều kiện thuận lợi để phát huy tính liên ngành, đa ngành trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong ba trụ cột phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi muốn nói thêm vài suy nghĩ về yêu cầu chất lượng cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong Đại học, đặc biệt là Đại học nghiên cứu, đào tạo và nghiên cứu là hai nhiệm vụ, hai hoạt động cơ bản gắn bó mật thiết và tác động tương hỗ chặt chẽ. Chỉ trên cơ sở nghiên cứu tốt mới có thể đào tạo tốt. Một giáo sư hay giảng viên đứng trên bục giảng, nếu không có trình độ và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học thì không thể đào tạo sinh viên thành những nhà khoa học giỏi cho đất nước. Trong đào tạo đại học và trên đại học, người thày phải tổng hợp, cập nhật được kết quả nghiên cứu chuyên môn trong nước và trên thế giới, đồng thời bản thân phải là chuyên gia trên lĩnh vực đó. Kinh nghiệm của bản thân tôi sau hơn nửa thế kỷ giảng dạy đại học là chỉ kinh qua nghiên cứu và nghiên cứu càng sâu thì kết quả giảng dạy mới đạt chất lượng cao, mới truyền đạt cho sinh viên không chỉ kiến thức khoa học mà quan trọng nhất là những kinh nghiệm thiết thực trong vận dụng các lý thuyết và phương pháp luận khoa học, trong rèn luyện tư duy khoa học. Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội có thế mạnh của tính đa ngành, đa lĩnh vực, có thể phát huy sự liên kết có hiệu quả giữa thày và trò, giữa các bộ môn, các ngành học liên quan theo hướng liên ngành và đa ngành.

Đại học Quốc gia Hà Nội đang phấn đấu nâng cao chất lượng theo mục tiêu vươn lên đẳng cấp quốc tế, vươn tới những chỉ tiêu cao của khu vực và thế giới. Trong xu hướng toàn cầu hóa của thời đại, giáo dục nhất là giáo dục đại học phát triển theo hướng quốc tế hóa rất cao và rất mạnh. Vì thế, học tập mô hình tiên tiến, kinh nghiệm hay của các nước, phấn đấu theo mục tiêu quốc tế là rất cần thiết, có thể nói là xu thế tất yếu. Nhưng trên phương diện này, cần xử lý thật thỏa đáng mối quan hệ giữa quốc gia và quốc tế. Theo đuổi những mục tiêu quốc tế mà thoát ly thực tế của đất nước, không phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, chấn hưng văn hóa dân tộc, không đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh cụ thể hiện nay thì hiệu quả nghiên cứu và đào tạo sẽ bị hạn chế. Theo tôi phương hướng hay nhất là tiếp thu những thành tựu khoa học quốc tế vận dụng để giải quyết những yêu cầu phát triển của đất nước và trên cơ sở đó đạt tới những thành tựu mang tính đẳng cấp quốc tế, những chỉ tiêu cao của khu vực và thế giới.

Kỷ niệm 20 năm Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi rất vui mừng và tự hào về bề dày lịch sử và truyền thống của nhà trường, về những thành tựu đã đạt được và mong muốn sẽ được chứng kiến những phát triển mang tính đột phá của một trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu của đất nước.


VNU_net