Trang tuyển sinh
 
Thạc sĩ Chính sách công và phát triển của ĐHKT - Chính sách công gắn với hội nhập và phát triển bền vững

Vừa qua, ngày 11/4/2018, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định số 1207/ QĐ- ĐHQGHN, giao nhiệm vụ đào tạo chương trình Thạc sĩ Chính sách công & Phát triển cho Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế phát triển (KTPT), Trưởng ban xây dựng đề án mở chương trình này.


PV: Xin chào ông, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ký quyết định giao nhiệm vụ đào tạo chương trình Thạc sĩ Chính sách công & Phát triển cho Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Chương trình này do Khoa KTPT xây dựng. Với tư cách Trưởng ban xây dựng chương trình, xin ông cho biết lý do Khoa KTPT lựa chọn xây dựng chương trình này?

Như bạn cũng đã biết, hiện nay ở Việt Nam các cơ sở đào tạo sau đại học mới chỉ có các chương trình đào tạo riêng biệt, Thạc sĩ Chính sách công hoặc Thạc sĩ Kinh tế phát triển. Trong khi thực tế năng lực cán bộ hoạch định Chính sách công ở Việt Nam nói chung hiện còn thấp so với khu vực và thế giới, đặc biệt trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay. Chúng tôi cho rằng cần thiết phải có một chương trình thạc sĩ Chính sách công và Phát triển được xây dựng dựa trên nền tảng cách tiếp cận, tư duy kinh tế học/ kinh tế phát triển và quản trị công hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nội dung đào tạo cần cung cấp được các kỹ năng và kiến thức cho việc hoạch định, đánh giá, phân tích và thực thi chính sách công. Theo tôi đây là một nhu cầu rất lớn của xã hội hiện nay không những ở khu vực công mà còn ở khu vực tư. Nhiều doanh nghiệp lớn và các tổ chức phi chính phủ cũng có những vị trí đòi hỏi những hiểu biết về chu trình chính sách công để có thể tham vấn với các cơ quan nhà nước, các Bộ/ban/ngành.

PV: Như vậy, đối tượng học của chương trình không chỉ là cán bộ trong các cơ quan nhà nước?

Đúng là như vậy. Ngoài đối tượng là các cán bộ làm trong các cơ quan bộ, ban, ngành. Chúng tôi còn hướng tới các nhà kinh doanh, cán bộ quản trị, quản lý, cán bộ hoạch định, xây dựng chính sách trong các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp; các nhà nghiên cứu, giảng viên tại các cơ quan nghiên cứu và trường đại học; cán bộ phân tích/nghiên cứu chính sách, cán bộ hoạch định chính sách, cán bộ kế hoạch tại các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Các sinh viên tốt nghiệp đại học cũng có thể tham gia học chương trình này sau khi đáp ứng điều kiện về văn bằng và thâm niên công tác.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về định hướng giảng dạy của chương trình không?

Với mục tiêu và đối tượng như tôi đã nói ở trên, chương trình này được thiết kế theo định hướng thực hành nhằm làm tăng tính hiệu quả của việc áp dụng kiến thức của chương trình vào thực tiễn công việc của học viên cũng như sự lựa chọn vị trí việc làm của học viên sau khi tốt nghiệp. Song song với đó, chương trình sẽ mời các chuyên gia, các nhà phân tích chính sách uy tín trong và ngoài nước để tham gia trao đổi trong các học phần cũng như các đợt thỉnh giảng. Trong chương trình học, học viên cũng có cơ hội đi thực tiễn tại cơ sở, như: các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức/ hiệp hội tư vấn chính sách để tăng cường năng lực thực tiễn. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng kết nối với các tổ chức quốc tế và các chương trình đào tạo nước ngoài có cùng định hướng và nội dung đào tạo để học viên có thể cập nhật kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực chính sách công và phát triển.

PV: Vậy chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế có điểm gì khác biệt/ nổi bật so với những chương trình tương tự hiện đang triển khai tại Việt Nam?

Hiện nay có 2 xu hướng đào tạo về Chính sách công. Xu hướng thứ nhất đào tạo theo góc độ người làm quản lý, tập trung vào các chu trình chính sách, thực thi chính sách. Xu hướng này gần với lĩnh vực hành chính công hoặc quản lý công. Theo tôi được biết, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn và Học viện Hành chính đang đào tạo theo xu hướng này.

Xu hướng thứ hai là đào tạo theo cách tiếp cận rộng hơn. Bao gồm cả tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách. Từ đó có cái nhìn bao quát hơn để vừa có thể thực thi chính sách vừa có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Cách tiếp cận của chương trình của Trường Đại học Kinh tế là theo hướng này. Bên cạnh đó những vấn đề cập nhật/ mới trên thế giới về phát triển như: phát triển bền vững, phát triển bao trùm,… cũng là một điểm nhấn trong nội dung chương trình Thạc sĩ chính sách công & phát triển.

Chương trình của chúng tôi được xây dựng dựa trên sự tham khảo, chắt lọc từ nhiều chương trình Thạc sĩ Chính sách công & Phát triển của các Trường Đại học trên thế giới nhằm tạo ra sự phù hợp nhất với môi trường và nhu cầu ở Việt Nam.

PV: Ông nhận định như thế nào về sự thành công của chương trình trong tương lai?

Là một thành viên của Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế có bề dày hơn 40 năm truyền thống và là một cơ sở đào tạo uy tín trong lĩnh vực kinh tế, quản trị và quản lý. Các chương trình đào tạo của Trường vừa mang tính chuyên sâu vừa mang tính chất liên ngành cao. Thực tế rất nhiều sinh viên, học viên sau khi ra trường đã thành công trong các vị trí quản lý, phân tích, hoạch định chính sách ở các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ. Cùng với đó, đội ngũ giảng viên của Trường được đào tạo bài bản ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế phát triển và chính sách công. Trường cũng có mạng lưới các chuyên gia và cộng tác viên đến từ các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách, các Trường ĐH, Viện nghiên cứu lớn trên cả nước. Với nền tảng như vậy, tôi tự tin vào thành công của chương trình. Thêm vào đó, trách nhiệm quản lý và tinh thần nâng cao chất lượng đào tạo được chúng tôi coi trọng hàng đầu và đó cũng chính một điều kiện tiên quyết để chương trình thành công lâu dài.

PV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn, hi vọng rằng chương trình Thạc sĩ Chính sách công & Phát triển sẽ đạt được những thành công trong quá trình triển khai tuyển sinh và đào tạo.

Thực hiện: Hạnh Thư