Trang tuyển sinh
 
ĐHKT mở mới chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị công nghệ và Phát triển doanh nghiệp

"Quản trị công nghệ và Phát triển doanh nghiệp" là chương trình thạc sĩ đầu tiên được thiết kế và giảng dạy tại Việt Nam, có tích hợp các kiến thức liên ngành từ Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh tới Quản trị công nghệ và Phát triển doanh nghiệp. Chương trình được Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thực hiện và bắt đầu tuyển sinh từ đợt 2 kỳ thi tuyển sinh SĐH năm 2012. Đây cũng là nét mới trong kỳ thi tuyển sinh này.


Cùng với nhân lực và tài chính, công nghệ đã và đang trở thành một nguồn lực quan trọng không thể thiếu trong quá trình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của công nghệ trong quá trình CNH-HĐH, theo đề nghị của Bộ KH-CN, ngày 10/5/2011, Thủ tướng đã ký Quyết định số 677/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020”, trong đó có mục tiêu phải thực hiện việc đào tạo về Quản trị công nghệ cho 80.000 nhà quản trị và kỹ sư của Việt Nam từ 2010 - 2020.
Thành công của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong việc nghiên cứu, xây dựng đề án và triển khai tuyển sinh chương trình đào tạo “Thạc sĩ Quản trị công nghệ và Phát triển doanh nghiệp” không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần thực hiện Quyết định 677, mà đó còn là tin vui cho nhiều cán bộ quản lý, nhà doanh nghiệp và các kỹ sư - những người đang có nhu cầu cập nhật những tri thức liên ngành để từng bước nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nhóm học viên, trong quá trình khảo sát, thiết kế khung chương trình và biên soạn đề cương môn học, các giảng viên và nhà khoa học của ĐHKT - ĐHQGHN đã học tập kinh nghiệm và hợp tác với các chuyên gia của các trường đại học quốc tế như Đại học Quốc gia Singapore (Singapore), Đại học Sydney (Australia)… Với cách làm này, Chương trình sẽ đảm bảo được mục tiêu chất lượng của ĐHQGHN theo chuẩn đầu ra (kiến thức, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm) với định hướng nghề nghiệp cụ thể theo 3 nhóm:
  1. Cán bộ và chuyên viên quản trị khoa học - công nghệ, kế hoạch - đầu tư, quản lý kinh tế…;
  2. Giảng viên dạy các môn liên ngành về kinh tế, kinh doanh, công nghệ, phát triển doanh nghiệp…;
  3. Thành viên hội đồng quản trị, giám đốc điều hành (Chief Executive Officer - CEO), giám đốc công nghệ (Chief Technology Officer - CTO), trưởng/phó phòng chức năng tại doanh nghiệp.


Khung chương trình được thiết kế theo chuẩn quốc tế, các môn học bám theo một “trục tri thức” xuyên suốt từ đầu tới cuối chương trình nhằm cung cấp cho người học cả công cụ tư duy lẫn công cụ hành động, giúp người học cách nghĩ nhanh hơn, cách làm tốt hơn và cách để đạt hiệu quả cao hơn.

Nhiều môn học mới và liên ngành lần đầu tiên được thiết kế cho chương trình, trong đó có các môn học cung cấp công cụ hành động quan trọng cho nhà quản trị như: quản trị công nghệ, chuyển giao công nghệ quốc tế, quản trị tài sản trí tuệ, DN & phát triển doanh nghiệp quốc tế… Đặc biệt môn “Thiết kế và công nghệ”, một trong những môn học mới, sẽ giúp cho các nhà quản trị, những người đã quen với các khoa học xã hội, có thể hiểu được các thiết kế, bản vẽ, tổng dự toán, quy trình công nghệ…, có thể tính toán được các yếu tố công nghệ, tăng thêm sự tự tin và nâng cao kỹ năng ra quyết định quản trị cũng như khả năng tham gia thẩm định kế hoạch đầu tư - sản xuất - kinh doanh ở các cấp độ khác nhau.

Chương trình này cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho các giảng viên và học viên trong việc học tập, nghiên cứu khoa học và hợp tác chuyển giao công nghệ ở các phạm vi và cấp độ khác nhau. Các giảng viên được lựa chọn tham gia chương trình là những GS, PGS, TS có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và công tác thực tế sẽ cùng với hợp tác với một số giảng viên quốc tế và các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực quản trị khoa học - công nghệ và phát triển doanh nghiệp.


Học viên được tư vấn và trao đổi trực tiếp với các giảng viên trong suốt quá trình học tập
 

Ngoài ra, học viên còn được tư vấn và trao đổi trực tiếp (online & offline) với các giảng viên kiêm chuyên gia tư vấn về quản trị khoa học, công nghệ, kinh tế, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp… trong suốt quá trình học, làm luận văn tốt nghiệp và sau tốt nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu gắn đào tạo với thực tiễn và nhu cầu của xã hội.
Phát biểu trong hội thảo bàn về kế hoạch tuyển sinh và đào tạo cho chương trình, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng phụ trách hoạt động đào tạo Trường ĐHKT cho biết: “Chương trình xây dựng theo hướng chuẩn đầu ra và cách tiếp cận CDIO. Mỗi môn học có một chức năng, vị trí trong ma trận chuẩn đầu ra để đảm bảo cho học viên thu nhận được lượng kiến thức vừa đủ theo một “trục tri thức”, cộng với việc làm bài tập cá nhân, sáng tạo những sản phẩm nghiên cứu, thi hết môn sẽ là cơ sở tốt để đánh giá học viên một cách thực chất. Học viên phải được học tới khi nào đạt chuẩn mới có thể tốt nghiệp”. Ông khẳng định, đối với chương trình này: “Chất lượng là yếu tố hàng đầu”.
Hiện tại, chương trình đang tuyển sinh khóa đầu tiên và thu hút được sự quan tâm của nhiều ứng viên. Ngoài bài thi ngoại ngữ theo quy định tuyển sinh đầu vào thạc sĩ của ĐHQG Hà Nội thì các ứng viên sẽ được tuyển chọn theo hình thức đánh giá năng lực (theo dạng thức GRE), đánh giá hồ sơ và phỏng vấn chuyên môn. Đây là hình thức thi tuyển đang được ĐHQGHN cũng như các đơn vị đào tạo trực thuộc đã và đang thực hiện nhằm đánh giá được ứng viên một cách toàn diện, nâng dần chất lượng đầu vào cho các chương trình đào tạo thạc sĩ.

>>> Bạn đọc có thể tìm hiểu thông tin chi tiết về chương trình
tại đây.
Hoặc liên hệ trực tiếp tới Văn phòng điều phối chương trình:

-  Địa điểm: P310, nhà E4, Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

-  Điện thoại: 04.37547506 (máy lẻ 333) - 0986.281.028
Các thắc mắc của bạn đọc sẽ được giải đáp qua địa chỉ email: news_ueb@vnu.edu.vn


Đỗ Chiêm - Thu Hương