Trang tin tức sự kiện
 
Khi công chức đi học để hoàn thiện bản thân và tổ chức

Ông Đặng Minh Đạo, Trưởng Phòng Pháp luật so sánh, Viện Nghiên cứu Lập pháp.
Quản trị công là một vấn đề không mới ở Việt Nam nhưng làm thế nào để có thể thực hiện công việc quản lý này tốt, điều hành bộ máy công quyền đạt hiệu quả cao là điều chúng ta cần phải tiếp tục học hỏi và hoàn thiện. Ông Đặng Minh Đạo, Trưởng phòng Pháp luật so sánh, Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã chia sẻ với chúng tôi về những kinh nghiệm học tập và làm việc trong thời đại toàn cầu hóa…


ĐỂ BẮT NHỊP TỐT CÔNG VIỆC:

Nếu có người tò mò về công việc của Phòng Pháp luật so sánh, ông sẽ mô tả ra sao?

Nhiệm vụ của chúng tôi tại Phòng Pháp luật so sánh là sưu tập, tổng hợp và làm tổng thuật về pháp luật nước ngoài liên quan đến những nội dung pháp luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đang xem xét. Thông tin được đưa ra phải đảm bảo tính đa dạng, khách quan để Quốc hội có thể có cái nhìn rộng, chân thực.

Công việc hiện tại và trước đây tại Bộ Tư pháp có gì khác biệt? Ông đã làm thế nào để bắt kịp nhịp độ tại cơ quan mới?

Trước đây hơn một năm tôi vẫn công tác tại Bộ Tư pháp, công việc nặng về hành chính, còn hiện nay tại Viện Nghiên cứu Lập pháp công việc của tôi chủ yếu là nghiên cứu, chia làm hai mảng chính là nghiên cứu các vấn đề cơ bản mang tính lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng.

Tôi có hai điểm thuận lợi để bắt nhịp nhanh với công việc mới. Thứ nhất, tôi đã từng tự tìm hiểu và được tiếp xúc với công việc này. Thứ hai, ngoại ngữ của tôi cũng tương đối vững, đây là lợi thế giúp tôi dễ dàng tiếp cận với các bộ luật của nước ngoài cũng như tìm hiểu về tình hình thực thi luật pháp tại đó.

Bên cạnh đó, việc không ngừng học tập và nghiên cứu thêm những kiến thức mới là rất cần thiết để tôi luôn hoàn thành tốt mọi công việc của cơ quan.

Ông có thể chia sẻ bí quyết thành công trong công việc với các bạn trẻ?

Tôi là người may mắn đã từng được đi công tác rất nhiều nước trên thế giới và có thể sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, nhưng để làm tốt một công việc đòi hỏi bản thân luôn phải cố gắng học hỏi hằng ngày và tôi nhận thấy mình có nhu cầu phải học lên cao nữa. Việc tìm kiếm một chương trình phù hợp đáp ứng với nhu cầu công việc nhưng không quá ảnh hưởng đến thời gian làm việc và công tác của mình, tôi đã tìm đến một trong các khóa học về Chính sách Công.

Đó chính là lý do mà hiện nay tôi đang theo học một khóa học Thạc sĩ về Quản lý Công song ngữ (Master of Public Management - MPPM). Đây là chương trình liên kết giữa ĐH Uppsala, Thụy Điển và trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội. Chương trình này có thể nói đã đáp ứng nhu cầu của đa số các công chức như tôi hiện nay bao gồm hai giai đoạn học trên lớp và làm luận văn với thời gian học linh hoạt trong khoảng 15 tháng.

TRÀO LƯU ĐÀO TẠO VÀ “TỰ ĐÀO TẠO” LẠI

Tại sao ông lại lựa chọn theo học chương trình này?

Phải nhìn nhận rằng, thực tế, đang có một cuộc đào tạo và “tự đào tạo” lại mình ở các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực Công. Theo tôi, quản trị công là một vấn đề không mới ở Việt Nam nhưng làm thế nào để có thể thực hiện công việc quản lý này tốt, điều hành bộ máy công quyền đạt hiệu quả cao là điều chúng ta cần phải học nhiều, đặc biệt là kinh nghiệm, kiến thức từ một đất nước như Thụy Điển. Quản trị công ở Thụy Điển có một bề dày kinh nghiệm. Nó thể hiện ở kết quả điều hành đất nước và Thụy Điển luôn đứng trong Top những quốc gia có cuộc sống tốt nhất thế giới.

Khung chương trình MPPM được nghiên cứu thích ứng với thực tiễn của quản lý công Việt nam, cung cấp cho học viên những kiến thức mới nhất về quản lý công trên thế giới cũng như trang bị những kỹ năng lãnh đạo, quản lý để trở thành nhà quản lý giỏi trong khu vực Công.

Tôi đã từng đến thăm trường ĐH Uppsala ở Thụy Điển. Đây là một ngôi trường có uy tín lớn ở đất nước 9 triệu dân này. Có một điểm đáng lưu ý là các trường ĐH của Thụy Điển đều có một thế mạnh. Riêng ĐH Uppsala, tôi được biết rằng đây là ngôi trường danh tiếng về đào tạo các ngành liên quan đến khoa học chính trị và luôn nằm trong Top 63 các trường ĐH hàng đầu thế giới.

Học ngành Quản lý Công của một trường nước ngoài liệu có hiệu quả khi áp dụng các mô hình được học tại Việt Nam?

Một điều tôi cho rằng mình đã may mắn khi tham gia khóa học là sự kết hợp giảng dạy của các giảng viên của Thụy Điển và Việt Nam. Các giáo sư Thụy Điển có nền kiến thức rộng, chắc và luôn tạo một không khí mở trong lớp học. Còn những bài học của các thầy Việt Nam cho học viên cái nhìn sâu, giàu kinh nghiệm thực tiễn và phù hợp với toàn cảnh về nền hành chính công của đất nước.

Sắp tới, khi làm Luận văn bảo vệ cuối khóa, tôi được biết người hướng dẫn luận văn là giảng viên Việt Nam nhưng người chấm là giảng viên Thụy Điển. Điều này buộc học viên phải làm luận văn bằng tiếng Anh và phải nghiên cứu tài liệu sâu. Hơn nữa, đối với các giảng viên Thụy Điển, họ cũng sẽ có dịp để xem xét, hiểu thêm về tình hình thực tế của Việt Nam phản ánh qua luận văn của sinh viên để bổ sung vào bài giảng trong những khóa học sau.

Khi tốt nghiệp, các học viên chúng tôi sẽ được cấp bằng thạc sỹ chuyên ngành Quản lý Công của trường đại học Uppsala.

Theo ông, những môn học nào trong chương trình đáp ứng “sát” với nhu cầu học tập của ông nhất?

ĐH Uppsala (Thụy Điển) là một trường đại học đã có kinh nghiệm lâu đời và có thế mạnh lớn trong đào tạo về khoa học chính trị nên các môn học trong chương trình đều rất phù hợp. Tôi quan niệm rằng, mỗi kiến thức được biết thêm thì đều có ích. Tuy nhiên, tùy vào công việc, nhu cầu bản thân mà tôi hay những học viên trong lớp có thể tìm hiểu các vấn đề ở tầm sâu hơn.

Tôi lưu tâm đến một số môn học như Kỹ năng lãnh đạo hay Quản trị tổ chức. Kỹ năng lãnh đạo là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với một nhà quản lý mà tôi chưa được tiếp cận trong trường ĐH trước đây. Quản trị tổ chức hướng dẫn cho tôi phương pháp nắm bắt hiện trạng của một tổ chức và đưa ra những giải pháp cụ thể để hoàn thiện tổ chức đó. Những điều này hết sức hữu ích đối với công việc hiện tại của tôi.

Trong thực tiễn ở nước ta hiện nay, việc nâng cao quản trị để hoàn thiện tổ chức hơn là việc làm rất cần thiết?

Chính xác. Ngay cả khi sự vận hành trong một tổ chức công đang ở mức hoàn hảo (mà rất hiếm khi xảy ra) thì vẫn cần hoàn thiện hơn nữa. Đó là nguyên tắc để phát triển và đi lên, nhất là để khẳng định mình trong thời đại toàn cầu hóa. Một tổ chức công hoạt động tốt là một tổ chức luôn thay đổi tích cực, và có sự chuẩn bị để thay đổi tích cực. Rõ ràng, việc đào tạo công chức sẽ góp phần hoàn thiện chính bản thân công chức và tổ chức công. Điều này đã được áp dụng thành công ở các nước có nền hành chính mạnh như Singapore, Nhật Bản…

Hiện tại, lớp chúng tôi đang học, có nhiều cán bộ đang nắm giữ những cương vị quản lý ở nhiều ngành nghề khác nhau. Và đa số đều nhận thấy, khóa học này rất có ích với công việc của họ ở đơn vị mình. Riêng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là Đề án 165), cũng đã cử nhiều cán bộ nguồn ở các địa phương theo học chương trình này. Điều đó chứng tỏ uy tín của chương trình và sự kỳ vọng của chúng ta vào chương trình đào tạo này.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/giaoduc/455628/index.html


D.T