Trang tin tức sự kiện
 
Ông Nguyễn Thành Hưng: “Tôi tin tưởng rằng sự hợp tác giữa Trường ĐHKT và AIT sẽ thành công”

Ông Nguyễn Thành Hưng - người có công rất lớn trong việc xúc tiến hợp tác giữa Trường ĐHKT và Viện Công nghệ Châu Á
Nhân chuyến thăm và làm việc tại Viện Công nghệ Châu Á (Thái Lan), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhỏ với vị khách đi cùng đoàn, ông Nguyễn Thành Hưng - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan về chương trình hợp tác đào tạo liên thông BBA-MBA giữa Trường Đại học Kinh tế và Viện Công nghệ Châu Á (AIT).


PV: Ông đánh giá thế nào về Chương trình liên thông Cử nhân QTKD - Thạc sĩ QTKD (BBA-MBA) giữa Trường Đại học Kinh tế và Viện Công nghệ Châu Á (AIT)?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Việt Nam và Thái Lan đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 34 năm. Trong suốt thời gian qua quan hệ hai nước đang được thúc đẩy phát triển trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế, thương mại. Chương trình liên thông BBA - MBA vừa được ký kết giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và AIT được coi là sự hợp tác khởi đầu trong lĩnh vực giáo dục, nằm trong khuôn khổ hợp tác chung của khu vực ASEAN và của hai nước Việt Nam - Thái Lan nói riêng.

Chương trình liên thông BBA - MBA giữa hai đơn vị sẽ là cầu nối quan trọng thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục song phương. Đặc biệt, thông qua chương trình hợp tác này, nhiều sinh viên Việt Nam sẽ được tiếp cận với sự phát triển kiến thức hiện đại của đội ngũ giáo sư, tiến sĩ của Viện Công nghệ Châu Á vốn đã có danh tiếng từ lâu.

PV: Với tư cách là Tham tán Thương mại - Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, ông đánh giá thế nào về đối tác của Trường ĐHKT là Viện Công nghệ Châu Á?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Viện Công nghệ Châu Á (AIT) đã được nhiều người trong khu vực và trên thế giới biết đến từ lâu. Trường có một đội ngũ giáo sư và cán bộ giảng dạy đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặt tại Thái Lan, nhưng AIT không chỉ có ảnh hưởng rất lớn về chất lượng dạy và học đối với nền giáo dục Thái Lan mà còn đối với cả khu vưc châu Á và nhiều nước khác. Chính vì thế, hàng năm AIT luôn nhận được sinh viên không những ở châu Á mà cả từ các nước khác.

Trường cũng phát triển nhiều mối quan hệ với nhiều nước, tổ chức quốc tế nên có nhiều sự trợ giúp về kỹ thuật, tài chính để hỗ trợ sinh viên trong học tập và nghiên cứu cấp thạc sĩ, tiến sĩ…

Có thể nói, việc AIT trở thành một đối tác của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong đào tạo bậc BBA - MBA đánh dấu một bước đi mang tính chiến lược trong sự phát triển chung của Trường ĐHK,T góp phần không ngừng nhanh chóng nâng cao trình độ giảng dạy của đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng học cho sinh viên của Trường.

PV: Ông dự đoán thế nào về sự thành công của chương trình hợp tác này?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Với quyết tâm của lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế và Viện Công nghệ Châu Á, tôi tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ thành công, thể hiện qua việc Trường ĐHKT đã sẵn sàng gửi một số cán bộ giảng dạy của Trường sang AIT ngay trong tháng 8 này để dự khóa đào tạo kinh nghiệm giảng dạy, làm tiền đề cho sự hợp tác lâu dài.

PV: Theo ông, trong quá trình hợp tác với các trường đại học, tổ chức tại Thái Lan, Trường Đại học Kinh tế nói riêng cũng như các trường đại học tại Việt Nam nói chung có thể gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Hoạt động đào tạo cũng bao gồm hai yếu tố thuận lợi và khó khăn theo đặc thù riêng.

Về thuận lợi: (1) Sự hợp tác của hai bên diễn ra trong bối cảnh quan hệ tốt đẹp chung của hai nước, đặc biệt nằm trong khuôn khổ hợp tác khu vưc ASEAN, trong đó mục tiêu hoàn thành một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (Asean Economic Community - AEC) vào năm 2015, tiến tới một ASEAN thống nhất và phát triển. (2) Nhu cầu mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo của hai bên đang được thúc đẩy. (3) Trường Đại học Kinh tế đang dần dần có đủ đội ngũ giáo viên giảng dạy được đào tạo từ nước ngoài, nhiệt tình và trẻ tuổi. Hơn nữa, AIT và Trường Đại học Kinh tế có khoảng cách địa lý không xa.

Về khó khăn,  điều chúng ta đang phải cân nhắc nhất hiện nay là khả năng ngoại ngữ của sinh viên có đủ để tiếp thu bài giảng trên lớp và đọc hiểu giáo trình không?  Điều kiện cơ sở vật chất của trường đã đủ để đáp ứng yêu cầu dạy và học của các giáo sư nước ngoài và sinh viên chưa? và Phương pháp học của sinh viên đã phù hợp với cách tiếp cận mới trên thế giới chưa?

PV: Ông có lời khuyên nào khi Trường Đại học Kinh tế hợp tác với AIT nói riêng cũng như các trường đại học tại Thái Lan nói chung để các chương trình hợp tác được triển khai hiệu quả?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Với cương vị là Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, tôi cũng có nhiều dịp được mời giảng tại một số trường đại học của Thái Lan, tôi thấy việc tổ chức của các khoa ở các trường đại học Thái Lan nói chung rất khoa học; các trường kết hợp rất tốt trong việc nghiên cứu ở giáo trình và mời cán bộ thực tiễn ở nhiều lĩnh vực bên ngoài vào giảng bài, đây là cơ hội để sinh viên tiếp cận với những bài học tình huống, thực tiễn. Từ đó tôi có rút ra kinh nghiệm, có thể được xem như là lời khuyên.

1. Ta nên hợp tác ở cấp độ trao đổi cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy trước khi trao đổi sinh viên;

2. Nên tách từng lĩnh vực hợp tác ra thành những phần hợp tác nhỏ như đào tạo về quản lý; về đào tạo lại cán bộ giảng dạy… những việc này các trường đại học của Thái Lan tổ chức rất chuyên nghiệp.

3. Hợp tác trong lĩnh vực trao đổi sinh viên hoặc đào tạo liên thông.

PV: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan thường hỗ trợ những gì trong các hoạt động hợp tác giữa các trường Đại học tại Việt Nam và Thái Lan?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Thương vụ cũng như Đại sứ quán nói chung đều ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác của các tổ chức, đơn vị trong nước với đối tác của Thái Lan trên tinh thần phù hợp với luật pháp hiện hành của hai nước.

Tuy nhiên, từ góc nhìn để phát triển thương mại bền vững lâu dài, Thương vụ rất ủng hộ việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục bởi lẽ đây là cầu nối cho các quan hệ sau này cả về kinh tế, thương mại (Thương mại được hiểu theo Luật Thương mại hiện nay là thương mại hàng hóa, dịch vụ (trong đó có giáo dục), đầu tư và sở hữu trí tuệ.

Thương vụ sẵn sàng hỗ trợ các trường trong các lĩnh vực hợp tác giáo dục,  phổ biến pháp luật kinh tế Việt Nam, thúc đẩy hợp tác song phương…

PV: Xin cảm ơn ông!

_______________________
BÀI LIÊN QUAN:

>> Đào tạo liên thông bậc cử nhân - thạc sĩ với Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan: một hướng đi đúng để tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế


Bình Minh (Phòng NCKH&HTPT)