Trang tin tức sự kiện
 
Sinh viên ĐH Kinh tế và ĐH Keio tham quan thực tế tại Hải Dương

Nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu với Đại học Keio (Nhật Bản), ngày 7/9 vừa qua, sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT cùng sinh viên Đại học Keio đã có chuyến tham quan thực tế tại tỉnh Hải Dương.


Đoàn đã tìm hiểu quy trình sản xuất khí biogas tại một hộ gia đình gần khu công nghiệp Phố Nối cũng như tham gia vào chuyến đi thực tế đầy thú vị đến Khu công nghiệp Đại An.
Tại đây sinh viên hai trường đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất cũng như ý nghĩa, tác dụng của khí biogas. Biogas là một dạng khí sinh học được tái tạo từ quá trình phân huỷ những chất thải của người và động vật trong điều kiện hầm kín. Nhờ hoạt động của các vi sinh vật, các chất thải này sẽ lên men và tạo khí, được sử dụng làm chất đốt và chạy động cơ đốt trong. Việc sử dụng khí biogas giúp tiết kiệm chi phí cũng như là một giải pháp cho những vấn đề môi trường. Đây quả thực là những kiến thức còn khá mới đối với nhiều sinh viên, không chỉ với sinh viên Việt Nam mà còn đối với những sinh viên đến từ đất nước mặt trời mọc. Đây cũng là dịp để những người bạn phương xa hiểu được phần nào văn hóa lao động sản xuất của người dân Việt Nam cũng như vai trò của việc sử dụng khí biogas trong cuộc sống hàng ngày.
Tiếp đó, cả đoàn khởi hành đến khu công nghiệp Đại An - Hải Dương do Công ty cổ phần KCN Đại An làm chủ đầu tư có tổng diện tích 664ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1300 tỷ đồng. KCN có vị trí giao thông hết sức lý tưởng, trong vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).

Với sự tiếp đón nhiệt tình của ban lãnh đạo KCN, sinh viên hai trường đã được giới thiệu những nét cơ bản về KCN Đại An - Hải Dương. KCN Đại An là một trong những KCN tư nhân hiện đại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, và hiện đại: hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống chiếu sáng, trung tâm kho vận, an ninh, môi trường và cây xanh. Trong số 31 dự án đã cấp giấy phép trong KCN Đại An có 15 nhà máy đi vào sản xuất, 9 nhà máy đang xây dựng cơ bản và 7 nhà máy đang hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng; tổng số vốn đầu tư của các dự án trong KCN Đại An là 437 triệu USD. Được xây dựng theo tiêu chuẩn của một KCN sạch, không gây ô nhiễm môi trường, vì vậy ngoài nhiệm vụ trọng tâm là thu hút thật nhiều nguồn vốn FDI, KCN Đại An luôn hướng tới sự cân bằng giữa thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường bền vững.
Buổi nói chuyện thân mật giữa ban lãnh đạo KCN với sinh viên hai trường thực sự đã để lại những ấn tương sâu đậm không chỉ với sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQG Hà Nội mà còn với những người bạn Nhật Bản về một KCN hiện đại, văn minh kiểu mẫu, KCN có qui mô và tiêu chí đạt ngang tầm khu vực và quốc tế.

Chuyến đi thực tế đã kết thúc nhưng những dấu ấn mà nó để lại cho các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên Đại học Keio (Nhật Bản) là không thể phủ nhận. Chuyến đi đã cung cấp cho sinh viên hai trường nhiều kiến thức bổ ích và thú vị cũng như thể hiện sự quan tâm và tinh thần mến khách đối với bạn bè quốc tế của Trường ĐHKT nói chung và của Khoa KTQT nói riêng. Đây cũng chính là một môi trường tốt để đẩy mạnh tinh thần giao lưu, học hỏi trong sinh viên, là bước đệm cho tiến trình hội nhập và phát triển trong tương lai sắp tới.


Mai Nguyệt Ánh - QH-2009E-CLC - K.KT&KDQT