Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo quốc tế “Môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”

Tại phiên đầu tiên của hội thảo
Tiếp nối chuỗi hội thảo “Chính sách công và phát triển bền vững” được tổ chức hàng năm, ngày 4/11/2013, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam” với sự tài trợ của Quỹ Hanns Seidel, CHLB Đức.


Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn cho các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi ý kiến, quan điểm khoa học liên quan đến môi trường đầu tư của Việt Nam trên con đường hướng tới phát triển bền vững.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia nghiên cứu quốc tế cũng như các chuyên gia nghiên cứu tư vấn hàng đầu Việt Nam, đại diện lãnh đạo các hiệp hội, các viện nghiên cứu, trường đại học học viện khối kinh tế. Về phía Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của trường.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đọc diễn văn khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong mối quan hệ giữa môi trường đầu tư và phát triển bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh chiến lược phát triển Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 tập trung vào phát triển bền vững bao gồm: duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.



Ông Axel Neubert - đại diện Quỹ Hanns Seidel (Đức) phát biểu chào mừng hội thảo

Trước khi hội thảo bước vào phiên làm việc thứ nhất, ông Axel Neubert - đại diện Quỹ Hanns Seidel (Đức) đã phát biểu đại thể hiện quan điểm của Quỹ về ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo này trong việc đóng góp vào việc đánh giá và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ông khẳng định hướng tới phát triền bền vững trong tương lai chính là một xu thế tất yếu của thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển.

Hội thảo được chia thành hai chủ đề chính: chủ đề thứ nhất bao gồm những đánh giá chung về môi trường đầu tư của Việt Nam và chủ đề thứ hai thảo luận về các khía cạnh của môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.
Trong bài phát biểu mở đầu phiên làm việc đầu tiên, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế - Bộ Công thương đã đưa ra đánh giá tổng quan về môi trường đầu tư của Việt Nam giai đoạn hậu WTO, trong đó, ông nhấn mạnh ổn định chính trị và an ninh xã hội là những ưu điểm nổi trội của Việt Nam; ngược lại, tính ổn định, công khai, minh bạch của hệ thống luật pháp vẫn là vấn đề chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư nhất là các công ty xuyên quốc gia - TNCs lớn.
GS. Claudio Dordi - Tư vấn trưởng dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu tại Việt Nam, đại diện tổ chức phát triển quốc tế của Hoa Kỳ, đã có bài thuyết trình về bối cảnh kinh tế và luật pháp quốc tế của đầu tư bền vững, từ đó đưa ra những cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ông cho rằng khủng hoảng tài chính - kinh tế những năm gần đây đã thúc đẩy vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, đồng thời nâng cao vai trò quan trọng của các hợp tác quốc tế.


Nhiều tham luận của chuyên gia quốc tế và Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo


Trao đổi về hai nghiên cứu, TS. Lê Viết Thái - Trưởng ban Thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ủng hộ quan điểm và cách tiếp cận về vai trò của Nhà nước và bộ máy hành chính trong việc thúc đẩy môi trường đầu tư quốc tế nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, các nghiên cứu của CIEM cho thấy việc cải cách bộ máy hành chính gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổng hợp thông tin từ các cấp.

Tại phiên này, hội thảo tiếp tục với các tham luận về “Năng lực cạnh tranh toàn cầu và khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước ASEAN” do TS. Nguyễn Anh Thu (Trường ĐHKT) trình bày; tham luận “Khảo sát môi trường kinh doanh của Việt Nam thông qua các báo cáo xếp hạng quốc tế” của nhóm nghiên cứu TS. Nguyễn Quốc Việt (Trường ĐHKT) và ThS. Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương).
Tiếp tục tập trung vào các nước ASEAN, tham luận của PGS.TS. Nguyễn Xuân Thiên (Trường ĐHKT) phân tích các con số chung và kinh nghiệm của một số quốc gia điển hình như Thái Lan, Singapore, Malaysia, và chỉ ra rằng môi trường đầu tư không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút FDI ở các nước ASEAN mà còn ảnh hưởng trực tiếp lâu dài tới phát triển bền vững ở các nước này. Tham luận của ThS. Nguyễn Thị Minh Phương (Trường ĐHKT) đưa ra những đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với FDI hướng tới phát triển bền vững thông qua việc đổi mới tư duy về thu hút FDI, xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu tham dự đã nêu ra nhiều ý kiến sôi nổi về các bài thuyết trình cũng như các vấn đề liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư nói chung tại Việt Nam.
Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn tổng kết lại các bài phát biểu và nhấn mạnh rằng việc cải thiện môi trường đầu tư là cấp thiết, đặc biệt cần tập trung vào cải thiện chất lượng hơn là số lượng. Đồng thời, ông cũng đưa ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này.

Môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững trong một số lĩnh vực cụ thể


Đây là nội dung chính của các tham trong phiên thứ hai hội thảo. ThS. Ruth Schaldach (Trường ĐH Công nghệ Hamburg - Đức) đánh giá thực trạng quản lý nguồn nước bền vững tại Việt Nam và nhận định rằng các điều khoản môi trường và xã hội trong các hiệp định thương mại tự do và đàm phán WTO là những công cụ hữu ích cho việc định hướng thương mại, thực hiện các tiêu chuẩn, và do đó được sử dụng như một bộ lọc có thể cho các dự án đầu tư chất lượng cao.

Tại phiên thứ 2 của hội thảo


Phân tích tác động của môi trường đầu tư đến thu hút FDI thông qua cách tiếp cận theo lĩnh vực FDI và mức độ phát triển quốc gia là nội dung trong tham luận của TS. Hoàng Khắc Lịch và
TS. Nguyễn Quốc Việt (Trường ĐHKT). Nhóm tác giả Nguyễn Viết Thành và Bùi Duy Tùng bàn về chương trình đầu tư đánh bắt hải sản xa bờ nhìn từ góc độ hiệu quả hoạt động của đội tàu khai thác khu vực biển Đông Nam Bộ.
Cũng phân tích đến hiệu quả đầu tư, nhóm tác giả của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đặt góc nhìn từ đầu tư công và xem xét tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế với cách tiếp cận đa chiều thông qua chỉ số ICOR, mô hình VECM và phương pháp hàm sản xuất (chỉ số MP). Tham luận của ThS. Nguyễn Thị Vũ Hà (Trường ĐHKT) phân tích tác động của các dòng vốn nước ngoài đến ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và đưa ra gợi ý về việc lựa chọn công cụ điều tiết, giám sát phù hợp.
ThS. Vũ Thanh Hương trong tham luận cuối cùng của hội thảo đã đi tìm đáp án cho câu hỏi “Thương mại của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế liệu đã bền vững?”. Đề cập đến thương mại bền vững, đây là một bài nghiên cứu thú vị khi sử dụng cách tiếp cận “ngành sạch, ngành bẩn” ở Việt Nam để phân tích sự thay đổi trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đây cũng chính là vấn đề được các học giả tranh luận sôi nổi ngay cuối hội thảo về cách phân chia ngành sạch, ngành bẩn theo cách chia quốc tế liệu có phù hợp với Việt Nam và các tiêu chí để phân loại các ngành cần được dựa trên các khảo sát thực tế.

Các đại biểu trao đổi sôi nổi về các vấn đề được trình bày


Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển (Trường ĐHKT), đại diện Ban tổ chức đã tổng kết lại những ý kiến đóng góp, thảo luận chính trong phiên làm việc thứ hai và toàn bộ chương trình, cho thấy những kết quả nhất định về mặt khoa học mà hội thảo đã thu được thông qua 12 tham luận và các phiên trao đổi sôi nổi. Đồng thời, ông cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhà tài trợ, các nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, giảng viên, học viên và sinh viên đã nhiệt tình tham gia và có những đóng góp ý nghĩa làm nên thành công của chương trình. Ông bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của các nhà nghiên cứu về hướng nghiên cứu này.

Ban tổ chức hội thảo cùng đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm.

>>> Xem hoặc download các tham luận của Hội thảo tại đây

Tin: Thu Huyền (Khoa KT&KDQT) Ảnh: Đỗ Chiêm - Thanh Thúy


Các tin khác