Trang tin tức sự kiện
 
Seminar: Kinh nghiệm thực tiễn đánh giá tính dễ bị tổn thương do tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu đối với kinh tế xã hội tại Việt Nam

Ngày 24/4/2013, Khoa Kinh tế Phát triển (KTPT), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức seminar “Kinh nghiệm thực tiễn đánh giá tính dễ bị tổn thương do tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu đối với kinh tế - xã hội tại Việt Nam”.


Seminar có sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực địa lý, sinh học, thủy sản, biến đổi khí hậu; đại diện các viện nghiên cứu, các trung tâm trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện trực thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tổ chức phi chính phủ, công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường và các giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển (Trường ĐHKT).
Seminar nhằm cung cấp cho người tham dự các kinh nghiệm thực tiễn đánh giá tính dễ bị tổn thương do tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Seminar cũng tạo diễn đàn để những người tham dự có cơ hội giao lưu, thảo luận về hợp tác nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đánh giá tính dễ bị tổn thương do tai biến thiên nhiên và BĐKH trong tương lai. Chính vì vậy, các tham luận tại seminar đều tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn đánh giá tính dễ bị tổn thương do tai biến thiên nhiên và BĐKH đối với kinh tế - xã hội tại Việt Nam trên phương diện tổng thể hoặc cụ thể tại các địa phương được nghiên cứu như: Bắc Cạn, Quảng Nam, Hải Phòng…
Chia sẻ kinh nghiệm đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH đối với nông nghiệp và thủy sản tại Việt Nam, ThS. Cao Lệ Quyên và ThS. Nguyễn Xuân Trịnh đã có bài trình bày “Xây dựng bản đồ tình trạng dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu”, trong đó tổng quan một số phương pháp đánh giá tổn thương bao gồm cả phương pháp tiếp cận và xử lý, chuẩn hóa số liệu. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng bản đồ cho 7 vùng sinh thái, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đã có những nghiên cứu rất công phu. Các chỉ số như: chỉ số điều kiện, chỉ số nhạy cảm và khả năng thích ứng đều được phân tích tỉ mỉ, kỳ công. Các biến trong các chỉ số này đều được xây dựng dưới dạng bản đồ.
Bài tham luận “Đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu đối với sinh kế: nghiên cứu điển hình tại xã Phù Long (Hải Phòng) và thị trấn Rạng Đông (Nam Định)” của TS. Nguyễn Viết Thành, ThS. Đàm Thị Tuyết và nhóm cộng sự nêu lên một vấn đề rất mới mẻ. Bởi một thực tế là việc nghiên cứu tác động của BĐKH rất nhiều nhưng lại rất ít nghiên cứu về sinh kế cụ thể. Nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ tổn thương với BĐKH là khác nhau với các nhóm sinh kế khác nhau, các nhóm sinh kế có nguồn vốn tự nhiên tương đồng thì mức độ tổn thương với biến đổi khí hậu tương đối giống nhau. Các nhóm có năng lực thích ứng với BĐKH thấp bị tổn thương lớn hơn.
Các tác giả cho rằng, để phát triển hơn nghiên cứu này, trong tương lai cần tăng số lượng mẫu điều tra, kiểm định lại chỉ số phơi nhiễm sử dụng số liệu thống kê thứ cấp (sử dụng bản đồ GIS, các số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng ở tỉnh, huyện, xã), so sánh tính tổn thương với BĐKH đối với các nhóm sinh kế ở các khu vực địa lý khác nhau.

Các bài tham luận còn lại nêu một số kinh nghiệm trong nghiên cứu thực tiễn tại các địa phương, đưa ra các mô hình trong dự báo trượt lở cũng như đánh giá nguy cơ trượt lở; chia sẻ các kinh nghiệm triển khai, thực hiện dự án và đặc biệt là từ nghiên cứu để đưa ra những tham vấn cho cộng đồng chịu tác động của tai biến thiên nhiên và BĐKH.

Thảo luận về tham luận của các chuyên gia, các đại biểu đều đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các bài tham luận và có những trao đổi chuyên môn rất có giá trị. Các đại biểu đều cho rằng các báo cáo tại seminar đều có chất lượng, cách tiếp cận hay và rất đáng ghi nhận, góp phần cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết, các hướng tiếp cận trong đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH đối với kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, dữ liệu đầu vào cần được chuẩn hóa, các trọng số cho các chỉ số đánh giá tổn thương cần được xác định trên cơ sở phương pháp luận, dữ liệu và công cụ tốt.
Ngoài ra, PGS.TS Phạm Văn Cự - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu toàn cầu - ĐHQGHN đã nêu ra một số vấn đề cần quan tâm trong nghiên cứu về BĐKH: “Cần làm rõ và phân biệt các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến BĐKH và các tai biến thiên thiên nhiên thông thường để đánh giá chính xác tác động của BĐKH đối với kinh tế - xã hội. Nhóm đối tượng có học vấn thấp sinh sống lâu năm ở các khu vực ven biển chưa hẳn đã dễ bị tổn thương do BĐKH vì họ có kiến thức và hiểu biết sâu sắc về khu vực sinh sống nên có khả năng thích ứng cao với tác động của BĐKH”.
Sau nửa ngày làm việc nghiêm túc và tích cực, seminar đã kết thúc với nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích về đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH đối với kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Seminar cũng đi đến thống nhất những nội dung nghiên cứu và thỏa thuận nghiên cứu tiềm năng của các bên liên quan đối với vấn đề này.
Phát biểu tổng kết hội thảo, thay mặt Ban tổ chức hội thảo, TS. Vũ Quốc Huy - Chủ nhiệm Khoa KTPT (Trường ĐHKT) cảm ơn những tham luận cùng các ý kiến thảo luận của các chuyên gia, các đại biểu về chủ đề rất thiết thực này. Ông mong rằng, seminar sẽ là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả hơn nữa giữa Khoa KTPT nói riêng, Trường ĐHKT nói chung với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học; qua đó, có thêm nhiều thông tin, hoạt động và nhiều dự án hợp tác liên quan đến vấn đề này, góp phần đưa khoa học vào thực tiễn cuộc sống nhiều hơn.

Tin: Hoa Hạnh (Khoa KTPT) - Ảnh: Nguyễn Hiền