Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo Những định hướng nghiên cứu chính trong lĩnh vực Quản trị Kinh doanh

Để hoàn thiện các chương trình nghiên cứu về Kinh tế và Quản trị kinh doanh theo mục tiêu xây dựng nhà trường theo định hướng đại học nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngày 20/10/2011, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo “Những định hướng nghiên cứu chính trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh”.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường đã chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có PGS.TS Trần Anh Tài - Phó hiệu trưởng, lãnh đạo các khoa, các phòng, ban chức năng, các trung tâm nghiên cứu, cùng đông đảo cán bộ, giảng viên các khoa, nghiên cứu sinh, học viên sau đại học, sinh viên chương trình nhiệm vụ chiến lược. Hội thảo còn có sự góp mặt của các cán bộ khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Hội thảo đã nghe báo cáo “Những định hướng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh (Giai đoạn 2011 - 2015)” do PSG.TS Hoàng Văn Hải - Phó Chủ nhiệm thường trực Khoa QTKD trình bày. Báo cáo đã trình bày cụ thể về nội dung của những định hướng nghiên cứu chính trong lĩnh vực Quản trị Kinh doanh giai đoạn 2011 - 2015. Việc xây dựng những định hướng này nhằm thực hiện các mục tiêu: góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tư vấn về QTKD; nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên; nâng cao thương hiệu cho Trường ĐHKT - ĐHQGHN…


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo

Để thực hiện được những định hướng nêu trên, Nhà trường đã và đang chuẩn bị những nguồn lực cần thiết như: thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài trường, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, huy động nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn hỗ trợ từ bên ngoài...

Nhận xét về các định hướng đã được trình bày, hội thảo đã lắng nghe ý kiến thảo luận sôi nổi của các đại biểu, các chuyên gia như: TS. Vũ Anh Dũng - Chủ nhiệm Khoa KT&KDQT, Trần Thị Thanh Tú - Phó Chủ nhiệm Khoa TCNH, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, TS. Lê Xuân Sang - Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương…
Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng: việc xây dựng những định hướng nghiên cứu khoa học trong thời gian tới là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn hướng nghiên cứu cần có trọng điểm (nên chọn 2 trong 5 hướng đưa ra để tiến hành nghiên cứu). Các định hướng nghiên cứu cần xác định rõ đối tượng nghiên cứu, mục đích nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu, phương pháp tiếp cận…, từ đó xây dựng các chiến lược nghiên cứu cụ thể.

Nhiều ý kiến được đưa ra thảo luận sôi nổi

Ngoài các ý kiến trên, một số ý kiến đưa ra trong hội thảo cũng cho rằng, việc nghiên cứu cần đi vào chiều sâu, xây dựng nhóm nghiên cứu, nhà nghiên cứu xuất sắc, từ đó, tạo ra những sản phẩm, công trình, công bố, báo cáo khoa học có chất lượng, tạo lập những chương trình đào tạo uy tín, thu hút học viên. Những nguồn thu từ đào tạo sẽ tạo vốn cho hoạt động nghiên cứu, qua đó, xây dựng vòng tròn phát triển bền vững.

Sau gần 4 tiếng thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã tổng kết hội thảo với một số điểm chính:
  • Các định hướng đã nêu là phù hợp nhưng nên chọn một hoặc hai định hướng chính để đầu tư phát triển nghiên cứu. trong đó, các chương trình nghiên cứu phải vừa đảm bảo về lý luận, cơ sở khoa học cao, vừa có khả năng tạo các sản phẩm được chấp nhận trong cộng đồng khoa học và được chuyển giao ứng dụng đối với sự phát triển bền vững các doanh nghiệp Việt Nam.
  • Các định hướng phải được cụ thể hóa trong chương trình nghiên cứu trọng điểm ở từng giai đoạn, phải xác định được đối tượng phục vụ, sản phẩm hướng tới, phương pháp tiếp cận, xây dựng định hướng theo hướng “mở” về cả không gian và thời gian…
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng cam kết, Nhà trường sẽ đầu tư, tài trợ cho các chương trình nghiên cứu trọng điểm, đối với các mảng nghiên cứu khác; đồng thời Nhà trường sẽ tạo cơ chế thông thoáng nhất để hỗ trợ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nghiên cứu phải thực hiện một cách “mềm dẻo” và theo hướng đột phá.

Đỗ Chiêm