Trang tin tức sự kiện
 
Phát triển bền vững kinh tế biển: Từ chiến luợc chính sách đến thực tiễn Việt Nam hiện nay

Ngày 30/11/2017, tại phòng hội thảo 801, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (ĐHKT) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế biển: Từ chiến luợc chính sách đến thực tiễn Việt Nam hiện nay”.


Hội thảo nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như thực tiễn, cung cấp một diễn đàn mà qua đó các chuyên gia có cơ hội trao đổi về các chủ đề liên quan tới kinh tế biển và phát triển bền vững.

Tham dự hội thảo, về phía Trường ĐHKT có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng, về phía nhà tài trợ có ông Morris Michael - Đại diện quỹ Hanns Seidel Foundation. Ngoài ra, hội thảo có sự tham gia của ông Vũ Văn Hiền - Phó chủ tịch hội đồng lý luận Trung Ương, ông Nguyễn Viết Thông - Tổng thư ký hội đồng lý luận Trung Ương, ông Vũ Sĩ Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, ông Bùi Quang Tuấn - Viện Trưởng Viện phát triển bền vững vùng, Ông Ngô Xuân Nam - Phó viện trưởng viện sinh thái và bảo vệ công trình. Hội thảo thu hút nhiều học giả, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học, các hội và hiệp hội, các chuyên gia trong nước cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHKT- ĐHQGHN.

 
 
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc hội thảo
 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cho biết, hội thảo lần này là tiếp nối của chuỗi Hội thảo Chính sách công và Phát triển được tổ chức thường niên hàng năm. Hội thảo gắn liền với sự ra đời và phát triển của Khoa Kinh tế Phát triển và là một cấu phần quan trọng trong định hướng nghiên cứu và tư vấn chính sách của Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Qua các năm, nội dung hội thảo đều tập trung phân tích, đánh giá chính sách công của Việt Nam trong sự so sánh đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế.

Hội thảo năm nay được chia thành 3 phiên. Bên cạnh các tham luận được trình bày trực tiếp, hội thảo còn nhận được sự tham gia thảo luận của nhiều chuyên gia kinh tế, cố vấn chính sách cao cấp cũng như các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế biển, chính sách công và phát triển bền vững.

 
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo
 

Tại phiên đầu tiên (phiên chung), với sự chủ trì của PGS.TS. Lưu Đức Hải - nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách có những góc nhìn tổng quan, phân tích thực trạng và tiềm năng của Kinh tế biển Việt Nam.

Các diễn giả cùng chung nhận định, hiện tại kinh tế biển Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, nhưng còn thấp hơn tiềm năng rất nhiều. Các vùng biển/ biển ven bờ Việt Nam có những lợi thế chiến lược, là cơ sở cho phát triển kinh tế biển xanh và bền vững cũng như đang đối mặt với những thách thức trong dài hạn. Do đó, cần phải thay đổi tầm nhìn, xóa bỏ định kiến và xác định đúng ưu tiên phát triển trên nguyên tắc tôn trọng “tính trội, tính đa dụng và tính liên kết” của các hệ thống tài nguyên và hệ nhân văn trong vùng và ở từng địa phương hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy cơ hội, khắc phục thách thức để kinh tế biển “bứt phá” trong dài hạn (PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó tổng cục trưởng tổng cục biển và hải đảo); cần xây dựng, triển khai thực hiện một cơ chế thị trường theo hướng kinh tế biển xanh bằng cách xây dựng và thực hiện quy định pháp luật để đảm bảo tối đa hóa lợi ích (PGS.TS. Nguyễn Thanh Ca - nguyên Viện Trưởng viện nghiên cứu biển và hải đảo). Các diễn giả đồng thời cũng đưa ra những giải pháp để tận dụng hết tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển Việt Nam, đặc biệt là sự cần thiết phải có những giải pháp để phát huy các tiềm năng năng lượng tái tạo to lớn của các vùng biển và đảo ven bờ.

Ở góc độ của nhà quản lý, trong phần trình bày mình, PGS.TS. Vũ Sĩ Tuấn cho biết, trong một thời gian ngắn, quản lý tổng hợp tại Việt Nam đã tiến được những bước khá dài, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững trên cơ sở gắn kết kinh tế - xã hội và môi trường. Để triển khai quản lý tổng hợp biển và hải đảo trên quy mô toàn quốc thành công, trước mắt cần hoàn thiện luật pháp, xây dựng - công bố quy hoạch tổng thể.

 
 
Các tham luận tại hội thảo thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự
 

Trong phiên 2 và 3 (diễn ra song song) của hội thảo, các nhà nghiên cứu và phân tích chính sách có những phân tích cụ thể/chi tiết hơn ở từng mảng/ lĩnh vực liên quan kinh tế biển như: hệ thống đặc khu thiên nhiên biển, du lịch biển, mô hình kinh tế xanh tại các xã đảo, các ngành kinh tế biển. Tại phiên 3, các tham luận phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động khai thác thủy sản, đảm bảo an ninh kinh tế trong khai thác tài nguyên biển, kinh nghiệm quản lý thủy sản dựa vào hệ sinh thái, phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển theo tiêu chuẩn VietGap.

 
Các đại biểu góp ý vào tham luận tại hội thảo
 

Các học giả cũng đưa ra những giải pháp nhằm quản lý và phát triển kinh tế biển bền vững như cần thiết phải có biện pháp quản lý và phát tiển các đặc khu thiên nhiên có danh hiệu biển ở Việt Nam, xây dựng một quy hoạch sử dụng biển cho toàn quốc mang tính tổng hợp với phuơng thức tiếp cận sinh thái, nên sớm khai thác tiềm năng sóng biển, xây dựng mô hình truyền thông cho chiến lược biển đến 2020...

Sau 1 ngày làm việc, thông qua các nghiên cứu đa dạng, Hội thảo đã cung cấp những kiến thức/ nội dung chính liên quan đến: Hoạch định chiến lược chính sách phát triển kinh tế biển; Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển; Quy hoạch và phát triển các ngành kinh tế biển; Đô thị biển và các đặc khu kinh tế biển; Khai thác tài nguyên biển; Bảo tồn hệ sinh thái và phát triển sinh kế vùng ven biển. Thông qua hội thảo, những chuyển biến về các chính sách, chiến lược, quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế biển mà nước ta đã đạt được trải qua 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đã đựợc phân tích rất cụ thể.

Những tham luận của hội thảo không chỉ mang lại giá trị về mặt lý luận mà còn về thực tiễn khi nhận định rõ tầm nhìn, những khó khăn, thách thức, cơ hội phát triển bền vững kinh tế biển nước ta trong những năm sắp tới, cùng với đó, đưa ra những khuyến nghị rất có giá trị để phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nuớc ta trở thành nuớc mạnh về biển và giàu từ biển.

 
 
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
 

Hội thảo lần này thực sự trở thành cầu nối giữa các giảng viên, các nhà khoa học, các đối tác, các nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên quan tâm tới lĩnh vực chính sách công, kinh tế biển và phát triển bền vững. Cùng với việc duy trì chuỗi Hội thảo, Trường Đại học Kinh tế và Khoa Kinh tế phát triển cũng đang triển khai đào tạo 2 chương trình sau đại học: Thạc sĩ Kinh tế biển, Thạc sĩ Chính sách công & phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực và trình độ của các cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, vụ, viện,… trong phân tích và hoạch định chính sách cho phát triển bền vững.


Tin: Hoa Hạnh (KTPT), ảnh: Thanh Tú


Các tin khác