Trang tin tức sự kiện
 
Hành trình sản xuất bền vững

Toàn cảnh Hội thảo Sản xuất bền vững và Quản trị môi trường, ngày 6/10/2012
Sản xuất bền vững (Sustainable Manufacturing) - sản xuất gắn liền với giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường được coi là giá trị cốt lõi của quá trình phát triển kinh tế xã hội tại hầu hết các quốc gia, đặc biệt là nhóm có tỉ trọng công nghiệp chế biến cao trong nền kinh tế. Chính vì vậy chủ đề này đã được tuyển chọn vào Chương trình Nghiên cứu Châu Á Asian Core Program - tài trợ bởi Tổ chức Phát triển Khoa học Nhật Bản.


Hành trình từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Tham gia chương trình nghiên cứu có các giáo sư, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách của chính phủ, các lãnh đạo doanh nghiệp của các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc Trung Quốc. Các kết quả nghiên cứu của chương trình đã được công bố trong các hội thảo quốc tế tổ chức tại các đại học thành viên của chương trình như: Nhật Bản (Đại học Nagoya, Kobe, Meiji) Hàn Quốc (Đại học Chungnam), Trung Quốc (Đại học Thanh Hoa, Đại học Bách khoa Bắc Kinh, ĐH Tổng hợp Thiên Tân...).
Tháng 10/2010 Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã vinh dự được kết nạp làm thành viên của chương trình tại phiên họp thường niên tổ chức tại ĐH Chungnam, Hàn Quốc. TS. Nguyễn Đăng Minh đã đại diện Trường ĐHKT chứng kiến lễ kết nạp.
Tiếp đó tháng 1/2012, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã dẫn đầu đoàn đại biểu chính thức tham dự hội thảo của nhóm tại Tokyo và hoàn thành việc đàm phán Trường ĐHKT sẽ đăng cai tổ chức hội thảo quốc tế tại Hà Nội. Trên cơ sở này, ngày 6/10/2012, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp cùng Chương trình Nghiên cứu Asian Core Program thuộc Hội Phát triển Khoa học Nhật Bản (JSPS) thuộc Đại học Nagoya tổ chức Hội thảo lần thứ 15 trong chuỗi Hội thảo “Sustainable Manufacturing and Environment Management” (Sản xuất bền vững và Quản trị môi trường), tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội.

... tới Hội thảo tại Việt Nam
Tham dự hội thảo về phía Nhật có đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta - Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam. Phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hội thảo đặc biệt thu hút khoảng 50 học giả quốc tế đến từ các trường đại học thành viên, viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ của chương trình Asian Core Program, đồng thời có sự tham gia đông đảo các nhà khoa học, học giả, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á và các giảng viên, nghiên cứu viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam.
Chủ trì phiên họp khai mạc toàn thể là GS.TS. Soemon Takakuwa - Trường nhóm nghiên cứu JSPS Asian Core Program và PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN).
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đề cập đến chiến lược phát triển của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, nhấn mạnh “Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra giải pháp khoa học và kinh doanh để giải quyết các thách thức của quá trình phát triển. Chỉ có đổi mới công nghệ cùng với sự coi trọng môi trường, coi trọng sản xuất xanh mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững”. GS.TS. Soemon Takakuwa cũng nêu rõ “Đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển công nghiệp và sự ổn định cho môi trường vẫn luôn là chủ đề nghiên cứu hàng đầu của các nước Đông Á. Hy vọng rằng, kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản về quản trị môi trường sẽ được chia sẻ và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững tại các nước trong khu vực. Hơn hết, với mối quan tâm chung tới các vấn đề trên, sự hợp tác quốc tế sẽ được củng cố giữa các viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp”. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai đã “đặt hàng” các nhà nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất bền vững cho Việt Nam.
Sau phiên tổng thể khai mạc với 2 tham luận của TS. Katsuhiko Kokubu và TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Hội thảo được chia làm 3 tiểu ban với 48 tham luận của các nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước, chủ trì bởi các giảng viên - nghiên cứu viên chủ chốt của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và các trường đại học, viên nghiên cứu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung quốc. Các báo cáo khoa học có các chủ đề cụ thể khác nhau nhưng có thể khái quát thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất nghiên cứu các sáng kiến công nghệ, kinh tế để ngăn chặn ô nhiễm, xử lí phế thải hiệu quả ngay trong quá trình sản xuất. Điển hình là các báo cáo về Kế toán chí phí dòng nguyên liệu (Material Flow Cost Accounting) và Mô hình mô phỏng (Simulation Model). Nhóm thứ hai phân tích các đặc điểm, nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới hành vi môi trường của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hệ thống giải pháp quản lý môi trường. Các giải pháp này đươc xem xét từ những cách tiếp cận mới như kết hợp quản lý môi trường với quản lý công nghệ, liên minh hợp tác giữa ba khu vực Doanh nghiệp - Trường Đại học - Cơ quan Chính phủ.
Phiên tổng kết chuyên môn diễn ra cuối hội thảo được chủ trì bởi GS.TS. Soemon Takakuwa, TS. Hiroshi Tachikawa cùng
các chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế: TS. Nguyễn Đăng Minh, TS. Phan Chí Anh, TS. Phạm Quỳnh Anh. Các nhà nghiên cứu, đại diện cơ quan chính phủ cũng như giảng viên, sinh viên tham dự đã tiếp tục đưa ra nhiều chia sẻ kết quả và câu hỏi từ kết quả các thảo luận tiểu ban. Hầu hết các ý kiến đánh giá cao sự hữu ích và chất lượng của hội thảo cũng như gợi ý đề xuất chính sách, khung khổ pháp lý và các giải pháp quản lý nhà nước về môi trường có hiệu lực.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn và GS. Soemon Takakuwa kết luận Hội thảo đã đáp ứng tốt các mục tiêu đặt ra, đóng góp thêm các thành quả mới cho lĩnh vực nghiên cứu “Sản xuất bền vững và Quản trị môi trường” thuộc chương trình Asian Core Program. Hội thảo cũng cung cấp thêm những cơ sở khoa học xác đáng và do vậy đề xuất được các khuyến nghị chính sách quản lý môi trường có hiệu lực để thúc đẩy sản xuất xanh, công nghiệp sạch và phát triển bền vững.
Hội thảo kết thúc, đã để lại nhiều ấn tượng đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong con mắt bè bạn quốc tế, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Á nói chung và giữa Trường ĐHKT với các đại học, cơ quan nghiên cứu trong chương trình nghiên cứu Asian Core Program nói riêng.

__________________

TIN LIÊN QUAN:


Phạm Quỳnh Anh - Nguyễn Đăng Minh