Trang tin tức sự kiện
 
M&A dưới góc nhìn của các chuyên gia

Dự án tái cấu trúc giúp HDBank tích lũy thêm những yếu tố nền tảng và chiến lược để phát triển bền vững (Ảnh: internet)
Khái niệm M&A (Sáp nhập và Mua lại) gần đây được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam với nhiều thương vụ nổi bật được thực hiện trong thời gian vừa qua. M&A là chủ đề nhận được sự quan tâm nghiên cứu và thảo luận của các chuyên gia dưới nhiều góc độ. Cùng với các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các chuyên gia đồng thời là giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN như TS. Vũ Anh Dũng (Khoa KT&KDQT), TS. Nguyễn Việt Khôi (Khoa KT&KDQT), TS. Quách Mạnh Hào (Khoa TCNH), ThS. Nguyễn Quốc Việt (Khoa TCNH),… cũng đã có những nghiên cứu, trao đổi và công bố của mình về lĩnh vực này.


Bức tranh toàn cảnh về M&A ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2012 và xu hướng trong giai đoạn tới
Nhìn chung, các chuyên gia đều nhận định rằng hoạt động M&A đang là một xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay.Điều này được thể hiện qua Phần tổng quan/ toàn cảnh về lĩnh vực M&A tại Việt Nam đã được công bố trong Ấn phẩm thường niên
Vietnam M&A Review 2011-2012: Đi tìm giá trị cộng hưởng.

Ấn phẩm: Vietnam M&A Review 2011-2012: Đi tìm giá trị cộng hưởng

Tương tự, nhóm tác giả gồm TS. Nguyễn Việt Khôi (Khoa KT&KDQT), ThS. Đặng Xuân Minh và TS. Phạm Tiến Đạt cũng đánh giá rằng hoạt động M&A và chuyển nhượng tại Việt Nam đang diễn ra sôi nổi xét về cả số lượng và giá trị thương vụ, trong đó tập trung vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng và hàng tiêu dùng.
Số thương vụ nhiều chứng tỏ, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong hoạt động M&A và đang tiến hành tái cấu trúc các khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, xét về giá trị thương vụ, các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài. Năm 2011 là năm có nhiều thương vụ lớn được ghi nhận, và có thể kết luận về xu hướng nhà đầu tư nước ngoài mua lại các doanh nghiệp chất lượng của Việt Nam.
Nhận định về xu hướng M&A trong giai đoạn tới, các chuyên gia tin rằng, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này sẽ tiếp tục ở mức 25 - 30%. Và do đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam, đa số các thương vụ là quy mô nhỏ, dưới 5 triệu USD. Tuy nhiên, giai đoạn tới, cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược của các các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các thương vụ M&A vẫn sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng. Một số lĩnh vực khác cũng đáng chú ý và nhiều tiềm năng cho hoạt động M&A là viễn thông, khai khoáng, dược phẩm, giải trí - truyền thông. Hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản cũng sẽ tiếp tục được quan tâm.

Riêng bàn về hoạt động M&A trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam, ThS. Nguyễn Quốc Việt (Khoa TCNH)cho rằng để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài về lĩnh vực logistics, tuy mới được hình thành nhưng hoạt động M&A trong lĩnh vực này cũng trở nên sôi động hơn, nhất là việc sáp nhập, hợp nhất các công ty trực thuộc các tổng công ty nhà nước, chủ yếu phục vụ cho mục đích tái cấu trúc và giảm tình trạng phân bổ nguồn lực tràn lan.
Và giai đoạn tới sẽ là giai đoạn bùng nổ hoạt động M&A trong lĩnh vực này với tính chuyên nghiệp trong các thương vụ sẽ chuyên nghiệp hơn với sự tham gia của các luật sư và chuyên gia tư vấn trong từng thương vụ, đảm bảo sự thống nhất giữa các bên và quy trình thực hiện nhanh gọn, hiệu quả nhất.
Vấn đề định giá nhãn hiệu trong M&A

Nhãn hiệu là một trong những vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng trong hoạt động M&A. Đề cập đến tầm quan trọng của nhãn hiệu trong hoạt động M&A, nhóm nghiên cứu gồm TS. Nguyễn Việt Khôi (Khoa KT&KDQT), TS. Phạm Tiến Đạt và ThS. Lưu Minh Khoa (BTCVALUE) đã chỉ ra rằng:

-  Trong quá trình M&A, nhãn hiệu là dấu hiệu cho thấy không có sự thay đổi giá trị của sản phẩm trên các thị trường khác nhau. Do vậy, nhãn hiệu giúp cho việc thâm nhập các thị trường mới dễ dàng hơn.
-  Nhãn hiệu có thể giúp cho việc nhận biết nhà sản xuất giữa những sản phẩm cùng loại. Nhãn hiệu là sự đảm bảo chất lượng.
-  Nhãn hiệu có thể tạo ra được thu nhập, giá trị sử dụng; nhãn hiệu giúp giảm bớt tính phức tạp trong giao dịch mua bán, người tiêu dùng có thể xác định được ngay sản phẩm cần mua mà không mất công so sánh, lựa chọn.
Điểm đáng chú ý là hoạt động M&A trong giai đoạn khủng hoảng tài chính như hiện nay sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mua được một nhãn hiệu nổi tiếng với giá rẻ. Do vậy, sự định giá nhãn hiệu giúp cho các doanh nghiệp cả hai phía chủ động hơn trong việc mua bán và sáp nhập. Tuy nhiên, định giá như thế nào thì doanh nghiệp cần chú ý về doanh số, thị phần, thu nhập, tính pháp lý, đã đăng ký chưa, trong lĩnh vực nào, luật pháp nào; phạm vi bao trùm của nhãn hiệu; hình ảnh/uy tín của nhãn hiệu và khả năng phân biệt với nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh hay tính mới của nó….
Xoay quanh vấn đề giá trị cộng hưởng trong M&A

Hoạt động M&A đang diễn ra hết sức sôi nổi theo nhiều xu hướng, và trong đó, đôi khi các bên tham gia lại theo đuổi những mục đích khác nhau. Vì vậy, để tạo được giá trị cộng hưởng cho các bên, theo TS. Quách Mạnh Hào (Khoa TCNH) trước hết đó phải là một thương vụ hoàn thiện mô hình kinh doanh của cả hai bên qua việc có thể tạo ra một thị trường mới, một sản phẩm mới, một khâu trong quá trình kinh doanh mà trước đó không có, hoặc đơn giản là một nhân sự mới có khả năng tạo ra sự thay đổi. Điều này dù vậy chỉ có thể biết sau khi đã diễn ra thương vụ. Điểm thứ hai, đó phải là một thương vụ thân thiện, mà trong đó cả hai bên đều nhận thấy lợi ích của nhau. Nếu một bên nào đó, thường là bên bán, cảm thấy bị mất lợi ích hoặc quyền lực và phản ứng tiêu cực thì đó là điều không tốt.
Cùng bàn về vấn đề cộng hưởng, TS. Vũ Anh Dũng lại có cách nhìn khác. Cộng hưởng không phải lúc nào cũng tích cực. Trong cộng hưởng còn có “cộng hưởng tiêu cực”. Chẳng hạn, việc mất doanh thu do khách hàng tổ chức trước đây của cả doanh nghiệp đi mua và doanh nghiệp mục tiêu muốn duy trì nhiều nhà cung cấp và lỗ vì doanh nghiệp đi mua xác định doanh thu biên nhất định có chi phí cao hơn so với lợi ích tài chính. Hoặc như sau khi sáp nhập, nhiều doanh nghiệp có thể bị mất phương hướng trong hoạt động của chính mình (như xung đột văn hóa, nhân sự...).
Cũng theo TS. Vũ Anh Dũng, “cộng hưởng tiêu cực” phần lớn là do phần lớn doanh nghiệp tham gia thực hiện M&A mới chỉ dừng ở góc độ phân tích đối tác dưới góc độ tài chính, một vài lợi dự kiến của M&A để định giá và đàm phán để từ đó thực hiện thương vụ. Doanh nghiệp nhìn chung thiếu hẳn một chiến lược M&A cụ thể đặt trong chiến lược phát triển dài hạn của mình. Chính vì vậy, để hạn chế những thất bại từ cộng hưởng, việc lập kế hoạch với tầm nhìn dài hạn và chiến lược cụ thể cho quá trình hợp nhất hậu M&A cần được doanh nghiệp thực sự quan tâm.
Mặc dù nhìn nhận dưới nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau song các chuyên gia đều cho rằng trong giai đoạn tới, hoạt động M&A sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn khi bản thân các DN phải nhận thức được đầy đủ các lợi ích và rủi ro tiềm ẩn mà các thương vụ M&A đem lại để chủ động trước, trong và sau quá trình thực hiện M&A. Các DN nội địa cũng cần nhận thức được tầm quan trọng của các luật sư và chuyên gia tư vấn trong mỗi thương vụ, nếu không muốn bị mất quyền lợi. Ngay cả việc hợp nhất tự nguyện giữa các công ty cùng ngành cũng sẽ được “luật hóa” để đảm bảo sự thống nhất giữa các bên và quy trình thực hiện nhanh gọn, hiệu quả nhất.


___________________________

Xem các bài gốc của các chuyên gia Trường ĐHKT - ĐHQGHN:


(Thông tin trích một phần từ Ấn phẩm Vietnam M&A Review 2011-2012: Đi tìm giá trị cộng hưởng)