Trang tin tức sự kiện

Nữ sinh Kế toán - Kiểm toán chia sẻ kinh nghiệm thi vào Big 4

Làm việc cho Big 4 là mục tiêu, mơ ước của nhiều người làm việc trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, từ sinh viên tới những cử nhân đã ra trường và có nhiều vị trí công việc ở nhiều đơn vị khác. Đỗ Hồng Ngân, tân cử nhân Khoa Kế toán - Kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm 2015 đã chính thức là nhân viên “tax consultant” của Deloitte ngay ngày đầu tiên tốt nghiệp. Hãy cùng nghe chia sẻ kinh nghiệm của Ngân nhé!


Điều quan trọng nhất mà mình muốn nhấn mạnh đó là trước khi làm bất kể việc gì hãy tự hỏi bản thân mình muốn gì? Mục tiêu của mình là gì? Nếu trả lời được hai câu hỏi này có nghĩa bạn đã có 50% chiến thắng và việc tiếp theo đó là lên kế hoạch và nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đó thôi.

Đối với mình, mình đặt ra mục tiêu thi được vào Big 4 từ năm thứ 3 và có 2 năm để hoàn thiện và “nâng cấp” bản thân tốt hơn để có thể cạnh tranh được với các bạn trường khác. Sau đây là một số bí quyết cũng như kinh nghiệm mình muốn chia sẻ với các bạn có ước mơ thi vào Big 4 giống mình.

Những điều cần tích lũy trước khi thi vào Big 4 bao gồm kết quả học tập cũng như các chứng chỉ bằng cấp học thêm, các kỹ năng mềm và các hoạt động xã hội.

Thứ nhất, về kết quả học tập, trong 4 Big thì có EY và Deloitte rất xem trọng kết quả học tập trên trường của bọn mình; 2 Big còn lại sẽ chú trọng vào Tiếng Anh nhiều hơn. Vì vậy, bạn nào có dự định thi vào 2 Big đầu nên chú trọng việc học trên trường nhiều hơn để đạt kết quả cao, vì trong vòng đầu tiên nộp hồ sơ thì CV (curriculum vitae) của các bạn sẽ được lọc dựa trên điểm số. Nói như vậy không có nghĩa các bạn điểm thấp sẽ không có cơ hội, chỉ là các bạn sẽ phải rất nổi trội ở các mảng khác để làm cho CV của mình nổi bật lên trong mắt nhà tuyển dụng.

Để hiểu rõ hơn, mình khuyên các bạn năm 2,3 nếu có mục tiêu thi vào Big 4 nên chịu khó lên các website của các công ty, vào phần tuyển dụng và xem kỹ các yêu cầu, tự nhìn lại bản thân và xem lại mình còn thiếu sót và cần bổ sung gì nữa.

Điều thứ hai mà các nhà tuyển dụng xem trọng cũng như sẽ điểm cộng cho CV của bạn đó là bạn có đang học các chứng chỉ/bằng cấp nghề nghiệp (ACCA, CPA, CFA…) nào không?
Bản thân mình đã nhận thức được điều này và quyết định theo học ACCA từ năm 3. Việc học các bằng cấp này không chỉ có lợi khi các bạn thi vào các công ty nước ngoài mà còn tạo lợi thế cạnh tranh cho các bạn khi Việt Nam sắp gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN.

Có thể bạn sẽ nghĩ, tốt như thế ai chẳng muốn học nhưng nhiều tiền thì sao học được đúng không? Mình đã nghe được chia sẻ này từ rất nhiều bạn. Tuy nhiên, nếu theo dõi thường xuyên các bạn sẽ biết được ACCA cùng các trung tâm đào tạo tổ chức rất nhiều cuộc thi và trao học bổng cho các bạn sinh viên xuất sắc cũng như sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng thành tích học tập tốt lên đến 100% kèm theo cơ hội thực tập tại Big4 (quá “lãi” phải không, vừa được học miễn phí vừa được làm việc tại Big4). Vậy nên, đừng bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào để thử sức mình nhé. Hoặc bật mí thêm, các bạn có thể tham gia vào Câu lạc bộ ACCA tương lai giống mình để được hưởng ưu đãi học phí cũng như rất nhiều cơ hội khác mình sẽ nói sau đây.

Đỗ Hồng Ngân - sinh viên khóa QH-2011-E KTKT
Đỗ Hồng Ngân - sinh viên khóa QH-2011-E KTKT
Về phần hoạt động xã hội, mình biết có những bạn tham gia rất nhiều câu lạc bộ cũng như các hoạt động ngoại khóa, điều đó rất tốt để phát triển các kỹ năng mềm nhưng không phải lúc nào nhà tuyển dụng cũng thích một CV dài loằng ngoằng những hoạt động xã hội mà không có điểm nhấn gì (điều này mình đã được nghe chị Hương HR Manager EY chia sẻ). Mình cũng quan niệm rằng “ít nhưng phải chất”, đã tham gia cái gì là làm hết mình chứ không nhiều mà dàn trải. Nhà tuyển dụng cũng chỉ cần nhìn thấy 1-2 hoạt động xã hội bạn đã tham gia và cụ thể bạn đã có những đóng góp gì.
Đối với mình, việc tham gia CLB ACCA Tương lai giúp mình rất nhiều trong việc phát triển các kỹ năng mềm và đặc biệt hơn là được mở rộng mối quan hệ với các anh chị cấp cao ở các công ty và mình được nghe chia sẻ cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị rất nhiều.
Một số “tips” nho nhỏ nữa mình muốn chia sẻ trong vòng phỏng vấn đó là: hãy luôn là chính mình, trả lời nhà tuyển dụng một cách thành thật và tự tin nhất, vì người chiến thắng chưa chắc đã là người giỏi nhất mà là người phù hợp nhất. Hãy luôn tự tin vào bản thân mình và đừng nản chí trước bất cứ điều gì và cùng nhau làm nên thương hiệu UEB các bạn nhé!

Trần Thế Nữ (Khoa KTKT ghi)

Tag:


Video
QC trái 1
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành