Trang tin tức sự kiện

Thử nghiệm phương thức đánh giá năng lực trong kỳ thi tuyển sinh SĐH đợt 1 tại Trường ĐHKT

Một phòng thi của Hội đồng tuyển sinh SĐH Trường ĐHKT
Đổi mới tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực là một chủ trương lớn của ĐHQGHN nhằm tăng cường chất lượng tuyển chọn đầu vào, hạn chế tiêu cực và phù hợp với xu thế của giáo dục đại học thế giới. Trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học đợt 1 năm 2011, được phép của Ban chỉ đạo, Hội đồng thi Trường ĐHKT đã cho những thí sinh tự nguyện làm thử một bài thi theo phương thức đánh giá năng lực và bước đầu đã nhận được những phản hồi tích cực.


Sự ưu việt của phương thức thi tuyển mới

Đánh giá năng lực học tập và kiến thức tổng hợp là phương thức thi rất phổ biến ở các trường đại học trên thế giới. Xuất phát từ triết lý người học trên đại học cần có năng lực tư duy sáng tạo hơn là những khối kiến thực cụ thể trong đầu, phương thức thi mới chú trọng việc đánh giá năng lực tư duy. Do được chuẩn hóa theo hướng này từ tất cả các khâu (ra đề, chấm bài thi…) nên thí sinh không phải vất vả học theo lối thuộc lòng kiến thức, tránh được tình trạng quay cóp khi làm bài và kết quả thi của thí sinh sẽ phản ánh tốt hơn năng lực của người học. Theo TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa phương thức thi truyền thống và phương thức thi đánh giá năng lực là cách thi trước đây nhằm kiểm tra kiến thức còn đề thi mà Trường ĐHKT cho thí sinh làm thử trong kì tuyển sinh vừa diễn ra là đánh giá năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích, kiến thức tổng hợp của thí sinh. Vì vậy, bố cục đề thi đánh giá năng lực gồm 2 phần: trắc nghiệm (toán và ngôn ngữ) và tự luận (phân tích một vấn đề và khả năng lập luận)”.

Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Thanh: “Sự cải tiến phương thức thi không chỉ nằm ở khâu ra đề mà còn nằm ở khâu tổ chức. Chúng ta có thể tổ chức thi ở nhiều nơi, nhiều đợt, nhiều người cùng một lúc. Kết quả thi là căn cứ để xét tuyển. Với phương thức thi này sẽ chọn được người có năng lực, hạn chế tối đa gian lận thi cử, giảm thiểu về chi phí, thời gian, áp lực về kinh tế - xã hội cho cả đơn vị tổ chức và thí sinh”.

Phản hồi của thí sinh

Lần thi thử nghiệm này dù chỉ dựa trên sự tự nguyện của thí sinh, không tính điểm chính thức nhưng bước đầu đã có khoảng trên 70% thí sinh đăng ký tham dự. Các thí sinh đều rất hào hứng và ủng hộ phương thức thi này.

Nhận xét về phương thức thi, thí sinh Trần Thị Thanh Xuân, Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thực phẩm cho biết: “Tôi rất hứng thú khi làm bài thi. Đề thi sẽ đánh giá được khả năng suy luận logic và khả năng tổng hợp của thí sinh. Đây là phương thức mới mẻ và thu hút hơn phương thức thi truyền thống”.

Cùng ý kiến trên, với mong muốn có thêm một bằng thạc sĩ về kinh tế thí sinh Ngô Thanh Minh, học viên cao học ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐHCN nhận xét: “Đề thi sẽ đánh giá được khả năng tư duy tổng hợp của thí sinh. Phần thi trắc nhiệm về kiến thức xã hội, em thấy vừa sức với nhiều người, không thiên về học thuộc mà phải tư duy”.

So sánh phương thức thi đánh giá năng lực với phương thức thi kiểm tra kiến thức, thí sinh tự do Phạm Thị Ly cho biết: “Theo em, hình thức thi này tạo sự thích thú đối với người thi, kích thích tư duy, không bắt nhớ, không bắt buộc học thuộc. Theo em, phương thức này nên thay thế cách thi truyền thống”.

Khi được hỏi về ý nghĩa của phương thức thi theo hướng đánh giá năng lực thí sinh Đặng Thị Thu Hương, nhân viên một Văn phòng đại diện Ấn Độ nhấn mạnh: “Phương thức thi này nên được áp dụng rộng rãi, vì nó sẽ đánh giá được khả năng phân tích tư duy, cái đó rất quan trọng để thí sinh có thể học tiếp được ở bậc sau đại học”.

Ủng hộ phương thức thi đánh giá năng lực, thí sinh Trần Văn Vạn, cán bộ UBND huyện Kinh Môn, Hải Dương cho biết: “Đề thi kiểu này dễ làm, dễ học hơn đối với những người có kinh nghiệm, có khả năng tổng hợp, có những thuận lợi nhất định cho sự chuẩn bị của thí sinh. Những ai muốn nâng cao trình độ, cũng như có khả năng thì dễ tiếp cận hơn. Ra đề kiểu này thí sinh không thể sử dụng tài liệu được”.

Công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, thí sinh Nguyễn Thị Vân Hương bày tỏ: “Chúng tôi đã đi công tác, mỗi lần thi cử lại phải học thuộc sách giáo khoa thì rất vất vả. Thực tế những kiến thức ấy chúng tôi vẫn sử dụng trong công việc hàng ngày. Cách thi như thế này sẽ giúp chúng tôi sử dụng được kiến thức tổng hợp vốn có”.

Khi nhận xét về tính chất của đề thi, thí sinh Đỗ Thị Hải Yến, cán bộ Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết: “Đề thi không quá khó và có tính phân loại cao Hình thức thi này khiến người học nhớ lâu, còn hình thức thi truyền thống chỉ có giá trị lúc ấy thôi, thi xong là quên”.


Đoàn Thanh tra của Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng đại diện Ban Chỉ đạo TS SĐH ĐHQGHN làm việc tại HĐTS SĐH Trường ĐHKT.

Thử nghiệm đã thành công

Trên cương vị của nhà quản lý cao cấp, có nhiều kinh nghiệm trong tuyển sinh sau đại học, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết: “Từ lâu ĐHQGHN đã nhận thấy hạn chế của phương thức ra đề theo hướng kiểm tra kiến thức. Kiến thức là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn đối với người học sau đại học là năng lực tư duy, khả năng tiếp thu và vận dụng kiến thức. Điều này càng thấy rõ ở thời đại bùng nổ thông tin, khi mà công cụ tra cứu rất nhiều. Nếu như biến bộ óc của con người thành kho lưu trữ thì luôn luôn là hữu hạn, lãng phí và không phù hợp với xu thế thời đại. Vì vậy, cái cần ở đào tạo bậc cao là năng lực phân tích, năng lực tư duy, năng lực tiếp nhận và xử lí thông tin. Trên thế giới, không chỉ riêng tuyển sinh sau đại học, mà gần như tất cả các lĩnh vực cần tuyển chọn họ đã áp dụng phương thức đánh giá năng lực từ lâu. Phương thức đánh giá năng lực khắc phục được những hạn chế của phương thức kiểm tra kiến thức, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng tuyển sinh”.

Đánh giá về kết quả bài thi thử nghiệm, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh: “Lần thử nghiệm này là một bước thực hiện Đề án Đổi mới phương thức tuyển sinh tại ĐHQGHN. Kết quả đợt thử nghiệm sẽ làm dày thêm cơ sở khoa học của Đề án. Tôi rất mừng là có rất nhiều thí sinh tự nguyện tham gia. Các thí sinh đều tỏ ra hào hứng và bày tỏ sự ủng hộ cao với phương thức thi này. Theo tôi, cuộc thi thử vừa rồi, kết quả bằng điểm số thế nào thì còn chờ các thầy chấm, nhưng kết quả có tính chất thử nghiệm là thành công. Kết quả chấm bài thi này đối chiếu với kết quả cũ chắc chắn sẽ rút được nhiều kết luận tốt cho Đề án”.

GS Vũ Minh Giang cũng cho biết thêm: “Rút kinh nghiệm từ đợt thử nghiệm này, trong tuyển sinh cao học đợt 2 năm 2011, Trường ĐHKT sẽ tổ chức thi thí điểm môn cơ bản theo phương thức đánh giá năng lực”.


Việt Hà (ghi chép)

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành