Trang tin tức sự kiện

Để phát triển hoạt động hợp tác kinh tế tại khu vực biên giới, các địa phương cần xây dựng đề án theo đặc thù của địa phương mình

PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Tác giả cuốn sách
Đó là đề xuất của PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhóm tác giả cuốn sách “Khu kinh tế qua biên giới: điều kiện hình thành và phát triển” vừa mới ra mắt bạn đọc đầu tháng 4/2021


Trong cuốn sách, các khu kinh tế qua biên giới (CBEZ) được xác định là khu hợp tác kinh tế hướng tới thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, và yếu tố quan trọng là có sự hợp tác, hài hoà chính sách giữa hai bên. CBEZ không nhất thiết là một khu chung giữa hai quốc gia, trong đó có cơ quan điều hành, có chính sách chung mà có thể là hai khu riêng biệt, nhưng được quy hoạch dựa trên lợi thế của cả hai bên và có sự hợp tác, hài hoà về chính sách giữa hai bên. Quan điểm này rộng hơn rất nhiều so với mô hình hợp tác mà phía Trung Quốc đề xuất, đó là mô hình “hai nước một khu, tự do thương mại, vận hành khép kín”. Việc thống nhất quan điểm về nội hàm rộng hơn và linh hoạt hơn của CBEZ sẽ khiến mô hình này khả thi hơn, đặc biệt hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo được các yếu tố về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Với quan điểm như vậy, mô hình CBEZ sẽ là mô hình “hai khu, hai nước”, đặc biệt, tên tiếng Việt có thể thống nhất là “Khu Kinh tế qua biên giới”, thay vì “Khu Kinh tế xuyên biên giới”.

 

PGS.TS Nguyễn Anh Thu - tác giả của cuốn sách - nhận bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản; chuyên ngành Phát triển quốc tế. Hiện nay, PGS.TS Nguyễn Anh Thu là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Lĩnh vực nghiên cứu chính là các vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tự do hóa thương mại và đầu tư, hội nhập kinh tế khu vực và tiểu vùng, các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.

Về điều kiện và mô hình, nhóm tác giả đề xuất một mô hình CBEZ nền tảng, bao gồm 08 nhóm cấu phần cụ thể, bao gồm: (1) Điểm cửa khẩu tiên tiến; (2) Kết nối hạ tầng hiện đại; (3) Khu thương mại; (4) Khu doanh nghiệp; (5) Khu dịch vụ logistics; (6) Các chính sách ưu đãi; (7) Cơ chế quản lý hợp tác chung giữa hai nước; (8) Doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết vùng.

Với quan điểm về CBEZ và mô hình CBEZ như trên, việc xây dựng các CBEZ tại các khu vực biên giới của Việt Nam chỉ là bước phát triển tiếp theo của các hoạt động hợp tác kinh tế tại khu vực biên giới. Tuy nhiên, sự đáp ứng và thế mạnh của mỗi địa phương lại khác nhau, do đó không có một mô hình chung cho tất cả các khu vực cửa khẩu. Cách tiếp cận là Chính phủ đưa ra chủ trương với mô hình rất mở, các địa phương cần xây dựng đề án theo đặc thù của địa phương mình, có sự tham gia ý kiến của các bộ ngành và phê duyệt của Chính phủ. Cần xác định rõ CBEZ là mô hình hai khu ở hai nước, không phải một khu với chính sách chung. Tuy nhiên, các điều kiện chung và cụ thể cho sự hình thành và phát triển khu kinh tế qua biên giới ở 6 tỉnh được nghiên cứu đều chưa đạt được, do đó các tỉnh này cần có thời gian để hội đủ các điều kiện hình thành và phát triển CBEZ.

 

 

SÁCH: KHU KINH TẾ QUA BIÊN GIỚI: ĐIỀU KIỆN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Tác giả: Nguyễn Anh Thu (chủ biên)

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội

Khổ sách: 16x24cm

Bìa sách: Bìa mềm

Thời gian xuất bản: 2021

Số trang: 354

 

SÁCH CÓ TẠI:

Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Phòng 703, nhà E4, số 144 đường  Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

ĐT: (024)37547506 + 703 (Ms. Ngọc Anh)



Thu Na

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành