Tuy không giàu nhưng 10 năm nay anh Nguyễn Văn Ngàn và chị Nguyễn Thị Hằng (chủ cơ sở May Ngàn Hằng) ở thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội luôn mở các lớp dạy may miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, anh Ngàn tâm sự, anh lớn lên trong một gia đình khó khăn làm nông nghiệp, bôn ba nhiều nghề, cuối cùng anh chọn nghề làm thợ may như một cơ duyên. Tích tiểu thành đại, anh mua được một số máy khâu, máy vắt sổ về nhà mở cơ sở may năm 2008.
Từ đó đến nay, hai vợ chồng anh chị nhận dạy nghề miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các bạn khuyết tật để tạo công ăn việc làm cho họ. Để có thể giúp thêm nhiều người hơn, anh Ngàn gia nhập Hội người khuyết tật huyện Thanh Trì, kết nối mạng lưới và chủ động nhận họ về cơ sở để đào tạo. Kết thúc khóa đào tạo, bất kỳ học viên nào có nguyện vọng làm việc tại cơ sở đều được anh chị tiếp nhận, hoặc bạn nào muốn về nhà tự cắt may, anh chị lại hỗ trợ vốn để mua máy và thường xuyên quan tâm, giới thiệu đến khách hàng.
Tiếp tục câu chuyện, anh Ngàn hào hứng kể: “Tuy cơ sở May Ngàn Hằng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng mình nghĩ “lá lành đùm lá rách” nên dù thế nào vợ chồng mình cũng muốn giúp những mảnh đời kém may mắn trong xã hội bằng dạy nghề miễn phí”. Không những vậy, anh chị còn thiết kế, mở rộng các lớp học dài ngắn hạn khác nhau cho phù hợp với nhiều đối tượng học viên như: Khóa may quần áo trẻ em, may khẩu trang, tất, cắt may quần áo sơ mi, đồ dân dụng…
Đại diện Dự án Thriive Hà Nội tiếp cận cơ sở may Ngàn Hằng để hỗ trợ anh chị phát triển doanh nghiệp.
Là một bà mẹ đơn thân, bị mất bàn tay trái trong một tai nạn nhỏ, may mắn được cơ sở Ngàn Hằng tiếp nhận, bạn Nguyễn Thị Tân (28 tuổi, quê Thanh Hóa) xúc động chia sẻ: “Em là một người mẹ đơn thân, không công ăn việc làm. Năm ngoái, em ra Hà Nội kiếm kế mưu sinh nuôi con và vô tình biết cơ sở May Ngàn Hằng dạy nghề miễn phí, còn cho ở tại nhà và nuôi ăn, em rất cảm động và quyết tâm theo học thành nghề. Sau này vững tay nghề, em sẽ về quê mở một tiệm may nho nhỏ, hy vọng sẽ có đủ tiền cho con ăn học”.
Theo lời kể của anh Ngàn, khi Tân đến xin được học may, anh sợ cô không thể học được khi chỉ có một bàn tay, anh đã định hỗ trợ tiền để cô trở về quê. Nhưng lòng thương người đã ngăn anh làm điều đó, và quả thực đó là một quyết định đúng đắn. Tân là một cô gái lạc quan, thông minh và học việc rất nhanh. Các thao tác của Tân thành thục không kém gì người lành lặn.
Ngoài Tân, hiện cơ sở May Ngàn Hằng đang dạy nghề miễn phí cho trên 10 học viên, tổng số người được cơ sở Ngàn Hằng dạy nghề và hỗ trợ mở cửa hàng đến nay lên đến gần 100 học viên.
Không chỉ hỗ trợ việc làm, cơ sở May Ngàn Hằng còn có những chương trình thiện nguyện, tặng các sản phẩm của cơ sở đến các trung tâm, trường học như: Tặng khẩu trang cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện, tặng quần áo cho Hội người khuyết tật huyện Thanh Trì, tặng máy khâu cho một số bạn khuyết tật muốn mở cửa hàng may tại nhà…
Với gần 100 học viên đã và đang theo học cơ sở Ngàn Hằng trong 10 năm qua, mỗi việc làm của anh chị Ngàn - Hằng đều chứa đựng tấm lòng nhân ái, tình thương bao la với những người yếu thế trong xã hội.
Thriive Hà Nội là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Tổ chức Thriive (Hoa Kỳ) từ năm 2005 nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình Thriive không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực và có chung mục tiêu phát triển và giúp đỡ cộng đồng. Đến năm 2016, Thriive Hà Nội đã giúp đỡ 116 doanh nghiệp vay vốn của chương trình. Dự án đã giúp tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 1.446 lao động mới và hơn 120.000 người dân nghèo tại 21 tỉnh phía Bắc đã nhận được sản phẩm, dịch vụ từ thiện của chương trình. Đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ là những cộng đồng yếu thế như: người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người già, trẻ mồ côi… |