Trang tin tức sự kiện

Tọa đàm Lý thuyết tập mờ và mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn

Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 của Trường Đại học Kinh tế- ĐHQGHN, Bộ môn Kinh tế học và nhóm nghiên cứu “Lý thuyết tập mờ và phương pháp nghiên cứu định lượng”, Khoa Kinh tế Phát triển (KTPT) đã tổ chức tọa đàm: Lý thuyết tập mờ và mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn.


Buổi tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Viện Toán học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các giảng viên, cộng tác viên của Nhà trường và Khoa KTPT cùng đông đảo sinh viên quan tâm đến chủ đề của tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng - Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế học, Khoa KTPT đã giới thiệu khái quát về Khoa KTPT, Bộ môn Kinh tế học và nhóm nghiên cứu “Lý thuyết tập mờ và phương pháp nghiên cứu định lượng”. Khoa KTPT nói chung và Bộ môn Kinh tế học nói riêng đều mong muốn trở thành điểm đến của tri thức trẻ, phát triển các hướng nghiên cứu mới, đặc biệt là áp dụng thuật toán trong nghiên cứu và thực tiễn. Đồng thời, ông bày tỏ hy vọng thông qua tọa đàm sẽ nhận được nhiều đóng góp ý kiến cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ phía khách mời tham dự và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các thành viên nhóm nghiên cứu và giảng viên trong và ngoài Khoa.

TS. Lưu Quốc Đạt là người đã đầu tư nhiều thời gian cho những nghiên cứu về tập mờ và ứng dụng của nó. Mặc dù là giảng viên trẻ nhưng TS. Lưu Quốc Đạt đã công bố hơn 20 bài báo trên các tạp chí và hội nghị quốc tế (trong đó có trên 10 bài thuộc danh mục ISI/Scopus). Hiện tại, TS. Đạt cũng được mời vào Ban biên tập Tạp chí Quốc tế, cũng như chuyên gia bình duyệt của nhiều tạp chí quốc tế uy tín.

Tại tọa đàm, TS. Lưu Quốc Đạt - Trưởng nhóm nghiên cứu đã có bài trình bày “Tổng quan và các ứng dụng của tập mờ trong kinh tế và quản trị”. Trong bài trình bày, TS. Lưu Quốc Đạt đã khái quát lịch sử ra đời, làm rõ các khái niệm liên quan, và các ứng dụng của lý thuyết tập mờ trong thực tiễn. Đặc biệt, TS. Lưu Quốc Đạt đã tổng quan và chỉ ra khả năng ứng dụng của các mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn (MCDM) trong kinh tế và quản trị bằng các ví dụ sinh động, dễ hiểu. Đồng thời, TS. Lưu Quốc Đạt cũng nêu ra các hướng nghiên cứu mới trong tương lai, bao gồm: phát triển mô hình MCDM sử dụng số mờ tổng quát; cải thiện mô hình phân tích thứ bậc (AHP); so sánh tính hiệu quả của các mô hình MCDM; cải thiện các phương pháp xếp hạng số mờ (phương pháp giải mờ); ứng dụng các mô hình MCDM để giải quyết các vấn đề thực tế,...


TS. Lưu Quốc Đạt trình bày tham luận tại tọa đàm

Đến tham dự và trình bày tham luận tại tọa đàm, TS. Nguyễn An Thịnh - Giảng viên Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã trình bày về “Tích hợp Delphi - AHP - TOPSIS: mô hình và những ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam”. Với những phân tích cụ thể về từng mô hình, TS. Nguyễn An Thịnh chỉ ra rằng mỗi mô hình sẽ có những ưu điểm và hạn chế; do đó, việc kết hợp các kỹ thuật phân tích khác nhau trong nghiên cứu có vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, Tiến sĩ cũng đã đưa ra hướng nghiên cứu mới trong việc tích hợp phương pháp Delphi - AHP - TOPSIS để giải quyết các vấn đề về môi trường. Kỹ thuật Delphi sẽ được áp dụng trong giai đoạn đầu tiên; xác định, tổng hợp và ưu tiên của các nhóm hành động quy hoạch hoặc dự báo phát triển quan trọng. Kỹ thuật AHP/Fuzzy AHP và TOPSIS sẽ được áp dụng trong giai đoạn thứ hai và thứ ba để đánh giá và lựa chọn các giải pháp thích hợp nhất theo tiêu chí cụ thể. Liên quan đến nghiên cứu này, TS. Nguyễn An Thịnh cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu công bố trong nước, quốc tế, và các đề tài cấp Bộ, cấp ĐHQG. Tiến sĩ bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có những hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhóm nghiên cứu định lượng của Khoa.

Đi cụ thể hơn vào những ứng dụng trong thực tế, ThS. Cảnh Chí Dũng - thành viên nhóm nghiên cứu đã trình bày tham luận “Mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn trong việc đánh giá và phân nhóm giảng viên”. Trong bài trình bày này, ThS. Cảnh Chí Dũng đã trình bày tổng quan, chỉ ra một số ưu/nhược điểm của các phương pháp đánh giá nhân sự hiện nay, khái quát mô hình MCDM mới cho việc phân nhóm giảng viên, bao gồm 5 bước: xác đinh tỷ lệ của các lựa chọn; xác định trọng số của các tiêu chuẩn; chuẩn hóa giá trị tỷ lệ các lựa chọn đối với các tiêu chuẩn; xác định tổng giá trị mờ của mỗi lựa chọn; giải mờ và xếp hạng các lựa chọn. Cuối cùng, mô hình đề xuất được làm rõ thông qua ví dụ thực tiễn về đánh giá và phân nhóm giảng viên tại ĐHQGHN.

Các bài tham luận tại tọa đàm nhận được sự quan tâm và những phản hồi tích cực từ phía người tham dự. Khách mời tham dự đều cho rằng mặc dù tiếp cận với một vấn đề nghiên cứu mới mẻ và có tính học thuật cao, nhưng nhóm nghiên cứu thực sự đã có những công trình nghiên cứu có ý nghĩa cả về mặt mô hình và thực tiễn. Rất nhiều câu hỏi yêu cầu được diễn giải thêm về mặt mô hình, về sự khác biệt của các mô hình trên với các mô hình trong kinh tế lượng, sự khác biệt giữa các mô hình với nhau, về thu thập thông tin, sự ứng dụng toán mờ khi có sự thay đổi về bối cảnh và cách lựa chọn,... đã được trao đổi và thảo luận sôi nổi, hiệu quả.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng cảm ơn các chuyên gia, khách mời, giảng viên, và sinh viên đã tới tham dự tọa đàm của Khoa KTPT lần này. Những kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu “Lý thuyết tập mờ và phương pháp nghiên cứu định lượng” sẽ tiếp tục được xây dựng và phát triển. Ông cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác, đóng góp từ phía các nhà khoa học, các giảng viên và chuyên gia để có thể tổ chức được nhiều tọa đàm và hội thảo mang tính học thuật và chất lượng cao như tọa đàm lần này.


Tin: Hoa Hạnh- Khoa KTPT - Ảnh: Nguyễn Kha

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành