1. Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP, mức trần học phí năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020 – 2021.
Học phí từ năm học 2023 - 2024:
- Đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương.
- Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt”.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập đã ban hành mức thu học phí năm học 2023 - 2024 theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thực hiện rà soát, điều chỉnh theo quy định của Nghị định này.
- Đối với các cơ sở giáo dục đã được phê duyệt phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục thực hiện cơ chế thu học phí tương ứng với mức độ tự chủ tài chính đã phê duyệt. Trường hợp việc thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định này dẫn đến có biến động về nguồn thu làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính đã được phê duyệt, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm rà soát lại các khoản thu, chi, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên rà soát, chịu trách nhiệm thẩm định để phê duyệt lại phương án tự chủ tài chính cho thời gian còn lại của thời kỳ ổn định theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP
Xem toàn văn: Nghị định số 97/2023/NĐ-CP
2. Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Theo đó, để triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng pháo; nâng cao kỹ năng về phòng chống tai nạn, thương tích, phòng tránh các tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn nhất là an toàn trên không gian mạng.
Chỉ đạo các Sở giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc phân công trực và bảo vệ cơ quan, trường học dịp nghỉ Tết; có giải pháp bảo đảm kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng bảo đảm an toàn tuyệt đối cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng, chống cháy nổ…
Xem toàn văn: Chỉ thị số 30/CT-TTg
3. Công văn số 7207/BGDĐT-VP ngày 25/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nề nếp văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng pháo, nâng cao kỹ năng về phòng chống tai nạn, thương tích, phòng tránh các tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn nhất là an toàn trên không gian mạng.
Thực hiện nghiêm việc phân công trực và bảo vệ cơ quan, trường học, dịp nghỉ Tết; có giải pháp bảo đảm kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 sau ký nghỉ Tết Nguyên đán; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năm đảm bảo an toàn tuyệt đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng, chống cháy nổ…
Xem toàn văn: Công văn số 7207/BGDĐT-VP
4. Công văn số 7415/BNV-CCVC ngày 15/12/2023 của Bộ Nội vụ về việc thực hiện quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Để thực hiện đúng quy định của Nghị định, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương thống nhất triển khai một số nội dung như sau:
Đối với các Đề án đã được Bộ Nội vụ thống nhất và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án quyết định việc thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
Đối với các Đề án chưa có ý kiến của Bộ Nội vụ thì thực hiện xét thăng hạng theo quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP (các khoản 16, 17, 19, 20 Điều 1 sửa đổi các Điều 32, 33, 39, 40 của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).
Đối với viên chức hạng V và viên chức hạng IV thì thực hiện xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp liền kề (hạng IV và hạng III) theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP) nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định mà không phải chờ Thông tư quy định chi tiết tiêu chuẩn, điều kiện của Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (áp dụng đối với cả trường hợp đã có trong danh sách kèm theo Đề án đã được Bộ Nội vụ thống nhất, không tổ chức thi thăng hạng đối với trường hợp này).
Các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, bảo đảm đúng thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, làm căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tổ chức xét thăng hạng viên chức…
Xem toàn văn: Công văn số 7415/BNV-CCVC
5. Công văn số 7583/BNV-TCBC ngày 23/12/2023 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm
Theo đó, các vị trí việc làm (VTVL) cần được xây dựng với mức độ khái quát cao theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, có tính đến mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, phạm vi đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của công việc theo chức năng, nhiệm vụ tương ứng với từng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Mỗi VTVL có 03 yếu tố cấu thành sau: (1) Tên VTVL; (2) Bản mô tả VTVL; (3) Khung năng lực VTVL…
Về thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Căn cứ quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc phân cấp, ủy quyền phê duyệt VTVL, cơ cấu công chức theo VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính và cơ cấu viên chức theo VTVL trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Riêng đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập do Hội đồng trường phê duyệt.
Xem toàn văn: Công văn số 7583/BNV-TCBC./.