Trong 3 ngày, từ ngày 5 đến 7/12/2008, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Đây là Hội thảo có sự tham gia đông đảo nhất từ trước tới nay của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hàng trăm báo cáo khoa học thuộc 18 chủ đề lớn đã được trình bày và thảo luận hết sức sôi nổi.
Tại tiểu ban Những vấn đề kinh tế Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị có số lượng báo cáo tham luận nhiều nhất trong số các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước (6/25). Đó là các bài viết của PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS. Phan Huy Đường, TS. Hà Văn Hội, TS. Trần Đức Vui, TS. Nguyễn Thị Phi Nga (Các trường đại học lớn như: Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội: 1 bài, Đại học Ngoại thương: 1 bài…).
Bài viết của PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ với tiêu đề: “Nhìn nhận lại vai trò của FDI trong bối cảnh phát triển mới ở Việt Nam” đã đi vào phân tích mặt trái của FDI, bài viết nhấn mạnh: bên cạnh những đóng góp tích cực, FDI vẫn còn ít tạo ra các liên kết theo chuỗi vòng cung ứng, phần giá trị gia tăng ở Việt Nam thấp,… đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bài viết cũng khẳng định: trong bối cảnh phát triển mới của Việt Nam đã có dự trữ được ngoại tệ đáng kể, nhiều kênh cung ứng vốn thông qua thị trường tài chính và kiều hối, yêu cầu phát triển cần phải chú trọng đến chất lượng tăng trưởng hơn và đảm bảo tính phát triển bền vững,… Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách thu hút và sử dụng FDI vào các ngành mang lại hiệu quả bền vững cho cả hai phía.
Báo cáo của PGS.TS. Phan Huy Đường với nhan đề: Hội nhập kinh tế quốc tế với phát triển bền vững và độc lập tự chủ đã khẳng định: Phát triển kinh tế phải đảm bảo tính bền vững. Bảo đảm độc lập tự chủ trong hội nhập là có tính nguyên tắc và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Để đảm bảo nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và độc lập tự chủ trong hội nhập, theo PGS.TS. Phan Huy Đường: cần hướng vào giải quyết các vấn đề cốt lõi như: Muốn có kinh tế mạnh, phải có doanh nghiệp mạnh, có nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng hóa của thế giới; Chủ động thu hút vốn đầu tư nước ngoài đi đôi với việc sử dụng có hiệu quả từng đồng vốn đầu tư; Xây dựng môi trường tiết kiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, cơ chế lãng phí trong đời sống kinh tế…
Báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (Viết chung với TS. Nguyễn Mạnh Hùng) với nhan đề: “Xu hướng phát triển ngành dịch vụ trên thế giới hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển ngành dịch vụ Việt Nam”. Trên cơ sở phân tích những xu hướng phát triển của ngành dịch vụ trên thế giới hiện này, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã khẳng định: “Phát triển có hiệu quả ngành dịch vụ là phương thức để nền kinh tế Việt Nam bắt kịp được với sự phát triển của thế giới và đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc tham gia một cách có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam nên tập trung phát triển một số ngành dịch vụ mang tính “lan tỏa dài hạn và bền vững” tạo ra những hiệu ứng cấp số nhân làm thay đổi cấu trúc của toàn bộ ngành dịch vụ và nền kinh tế. Với những tiêu chí đó, ba phân ngành dịch vụ mà Việt Nam cần chú trọng ưu tiên phát triển trong thời gian tới, ít nhất là từ nay cho đến năm 2020, là ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng (ngân hàng và chứng khoán), ngành dịch vụ đào tạo (đại học và sau đại học) và ngành dịch vụ khoa học - công nghệ (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội).Bài viết của TS. Hà Văn Hội đi vào phân tích khía cạnh chính sách đối với xuất khẩu dịch vụ sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Bài viết nhấn mạnh rằng: dịch vụ đang trở thành lĩnh vực xuất khẩu mới, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu dịch vụ có hiệu quả sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn cho đất nước. Tuy nhiên xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Vì vậy Nhà nước phải quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này theo những giai đoạn, lộ trình cụ thể. Bài viết cho rằng: Các giải pháp chung về chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ cần được thực hiện như: nâng cao nhận thức và hiểu biết về xuất khẩu dịch vụ, xây dựng chiến lược phát triển tổng thể xuất nhập khẩu dịch vụ, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển và xuất khẩu dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu, đầu tư cho các ngành dịch vụ, tăng cường xúc tiến thương mại đối với xuất khẩu dịch vụ, đầu tư mạnh vào công tác đào tạo và phát triển nguồn lực cho xuất khẩu dịch vụ… Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các dịch vụ cụ thể như bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin, vận tải, bảo hiểm, du lịch, tài chính - ngân hàng.
TS. Trần Đức Vui với bài viết: Một số vấn đề về đảm bảo lợi ích cho nông dân trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế . Bài báo cáo đã nêu rõ: Ở Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra cơ hội to lớn cho quá trình đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, hội nhập kinh tế quốc tế cũng tác động một cách toàn diện và sâu sắc đến đời sống kinh tế xã hội Việt Nam. Do đó, việc phân tích, đánh giá và dự báo các tác động hội nhập kinh tế quốc tế theo các hớng khác nhau, nhằm tận dụng tối đa các tác động tích cực, hạn chế đến mức tối thiểu các tác động tiêu cực đến lợi ích của nông dân trong hội nhập là một trong những mục tiêu cần đặc biệt chú trọng để phát triển đất nước một cách bền vững.Mặc dù phân tích nền kinh tế Việt Nam trên các khía cạnh khác nhau, nhưng tất cả các bài tham luận kể trên đều nhìn nhận các vấn đề phát triển kinh tế Việt Nam dưới lăng kính của quá trình hội nhập. Sự tham gia tích cực của nhiều nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ III này, là một trong những minh chứng khẳng định thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Đồng thời, điều đó cũng khẳng định rằng mục tiêu tăng cường kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy của Trường đã và đang được triển khai thực hiện tốt.
Hội thảo quốc Việt Nam học lần thứ III không chỉ có quy mô lớn nhất, mà còn là cuộc hội thảo có chất lượng chuyên môn cao, khẳng định một bước tiến dài của Việt Nam học trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam học thời hội nhập quốc tế.
|
TS. Hà Văn Hội