Trong số 17 câu lạc bộ sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có một câu lạc bộ rất đặc biệt, đó chính là RCES – Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học. Đặc biệt ở chỗ, RCES ít nghiêng về các hoạt động giải trí, đời sống sinh viên mà tập trung vào chuyên môn nghiên cứu khoa học, lĩnh vực tưởng chừng khô khan, uyên bác mà không kém phần hấp dẫn, lý thú.
Gia tăng giá trị cho mái nhà chung
RCES viết tắt của cụm từ Resea Community for Economic Student ra đời ngày 25/10/2014 trực thuộc Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển bảo trợ chuyên môn.
Hai hoạt động chủ yếu mà RCES hướng đến là nghiên cứu khoa học và phát triển các dự án cộng đồng, thành quả nổi bật nhất của RCES là quy tụ được nhiều sinh viên có năng lực nghiên cứu khoa học của cả trong lẫn ngoài Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hai năm gần đây, các giải thưởng cao về nghiên cứu khoa học cấp Trường, cấp ĐHQGHN và cả Bộ Giáo dục - Đào tạo đều là thành viên của RCES.
RCES là một trong 17 câu lạc bộ sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học khi tiếp cận và gia nhập vào RCES như tìm được đúng niềm đam mê mà không hề phải chịu áp lực. RCES luôn khuyến khích thành viên sáng tạo và không ngừng khám phá và tạo ra một môi trường bình đẳng, khách quan và giàu tính chuyên môn.
Ngay trong năm đầu tiên hoạt động, RCES đã thực hiện thành công hai dự án cộng đồng về giáo dục là dự án hỗ trợ sinh viên UEB nghiên cứu khoa học và dự án RCES Companion. Hai dự án đều nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía Nhà trường và sự tham gia đông đảo của sinh viên trong và ngoài Trường. Tiếp nối thành công đó, RCES tiếp tục triển khai 3 dự án trọng điểm trong năm học 2015 - 2016 là dự án I RESREACH, dự án Companion RCES và RCES Spreadout.
Một buổi sinh hoạt chuyên môn của RCES cùng PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng Không chỉ tạo ra môi trường giúp sinh viên nghiên cứu khoa học, RCES còn xây dựng kho tài nguyên để tất cả sinh viên ĐHKT có thể cùng nhau trao đổi, học tập với dự án Tài nguyên UEB. Dự án được triển khai nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử gồm các tài liệu: giáo trình, slide bài giảng, đề thi và tài liệu tham khảo về các môn học có trong chương trình đào tạo của tất cả các Khoa, Viện trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Tài nguyên UEB đã được biết đến và ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều sinh viên ĐHKT. Dự án không chỉ là kho tài nguyên để các sinh viên tìm tài liệu mà còn là nơi để sinh viên có thể trao đổi những vấn đề thắc mắc trong học tập.
RCES Spreadout, loa toả tri thức online
Thông qua trang website https://rces.info và fanpage facebook, cộng đồng RCES cung cấp thông tin và gửi đến bạn đọc bài viết liên quan đến nguồn số liệu, các bước thực hiện và công cụ hỗ trợ bài NCKH. Đây còn là diễn đàn để chia sẻ các kinh nghiệm NCKH từ những nhóm có thành tích cao trong hoạt động NCKH sinh viên.
Trong thời gian cao điểm NCKH (tháng 1-4 hàng năm), RCES nhận được trung bình 10-12 phản hồi/ tuần từ bạn đọc đề nghị trợ giúp NCKH. Đặc biệt website có lượt truy cập trung bình 200 lượt/ngày. Cá biệt có giai đoạn tăng 60% thời gian độc giả ghé thăm. Lượng độc giả truy cập từ nước ngoài chiếm hơn 15% cho thấy mức độ nhận diện tốt của RCES. Một số giảng viên của Trường đánh giá chất lượng, thông tin khoa học trên trang rất tốt, so với cấp độ sinh viên thì có thể nói là hoàn hảo, và bất kỳ sinh viên nào muốn nghiên cứu khoa học tốt, hãy ghé vào ít nhất một vài lần.
RCES Companion, chắp cánh thành công NCKH
Dự án diễn ra với mô hình kết nối newbie-buddy NCKH với mục đích các Buddy - những người có kinh nghiệm và thành tựu trong NCKH định hướng, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng newbie trong suốt mùa nghiên cứu khoa học.
Năm học 2018 - 2019, với 8 đội nhóm newbie-buddy được kết nối đã thu được những kết quả khả quan khi thu về 4 giải thưởng cấp khoa (2 giải Nhì Khoa Kinh tế Phát triển và Kinh tế Chính trị, 2 giải Ba khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Khoa Kinh tế Phát triển).
Defense Trial 2020, sân chơi bổ ích đội nhóm NCKH
Defense Trial 2020 là năm thứ 5 liên tiếp cuộc thi được tổ chức với mục đích thiết thực tạo ra sân chơi bổ ích cho các đội nhóm trải nghiệm không khí bảo vệ báo cáo khoa học trước hội đồng phản biện và đặc biệt là cơ cấu giải thưởng hấp dẫn (Giải nhất: 10 triệu đồng, giải nhì 6 triệu đồng và 2 giải ba, mỗi giải 4 triệu đồng)
Sau gần 1 tháng tranh tài, đêm chung kết Defense Trial quy tụ 4 đội thi đến từ các Khoa, Viện khác nhau cùng với đó là sự đa dạng về chủ đề nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng Ban giám khảo đã quyết định trao giải nhất cho nhóm nghiên cứu tới từ Khoa Kinh tế Phát triển với đề tài: “Đánh giá tác động của khu công nghiệp đến đời sống kinh tế, xã hội và môi trường của người dân trên địa bàn Hà Nội”.
Ngoài ra, kể từ khi thành lập RCES đã tổ chức thành công 15 workshop đồng hành cùng sinh viên NCKH với sự tham gia của các sinh viên đến từ khắp các trường đại học; Thu hút gần 150 đề tài NCKH với sự tranh tài của gần 400 sinh viên; 5 trường đại học tham gia; 100% các đội thi lọt vào chung kết đạt được giải thưởng Nghiên cứu khoa học cấp Khoa và cấp trường; Defense Trial 2019: Trong 4 đội thi tranh tài ở vòng chung kết có 1 Đề tài đạt giải nhì cấp Bộ Giáo dục & Đào tạo, 1 Đề tài đạt giải 3 cấp Trường Đại học Kinh tế, 1 giải Nhì cấp khoa Kinh tế phát triển, 1 giải Nhì cấp khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐH Kinh tế; Defense Trial 2020: 1 giải nhì cấp khoa Kinh tế phát triển, 1 giải nhì cấp khoa Kinh tế Chính trị; Hơn 30.000 người đã tiếp cận được cuộc thi.
Ban chủ nhiệm RCES trình bày kế hoạch hoạt động với Nhà trường trong năm học 2020 - 2021 Trong năm học tới 2020 - 2021, RCES sẽ thực hiện dự án RCES Companion Ghép đôi các bạn - những sinh viên bắt đầu đến với hoạt động nghiên cứu (newbie) với các buddy là các anh chị đạt các thành tích cao trong NCKH. Dự án bắt đầu khởi động vào tháng 7/2020 và đi vào các nội dung chính khi tân sinh viên khóa QH-2020 nhập học. Theo đó, sẽ có chuỗi chương trình R-talk và chuỗi workshop RCES Companion. R-Talk 1: Hướng dẫn cách lựa chọn đề tài nghiên cứu phù hợp. Cách tìm kiếm và xử lý dữ liệu, xây dựng đề cương nghiên cứu. R-Talk 2: Tổng quan về phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, cách triển khai bài NCKH định lượng, một số phần mềm hữu dụng.R-Talk 3: Cách trình bày khi bảo vệ trước hội đồng.
Chuyên mục NCKHSV xuất bản bằng hình thức trực tuyến, định kỳ 2 số mỗi năm nhằm công bố các ý tưởng hoặc kết quả nghiên cứu trước khi đăng tải trên các ấn phẩm khoa học, qua đó khuyến khích và kết nối sự trao đổi nghiên cứu cũng như tranh luận học thuật của sinh viên trong và ngoài trường, đồng thời là kênh thông tin xây dựng hình ảnh Trường ĐHKT theo định hướng đại học nghiên cứu. Các bài viết thuộc Chuyên mục NCKHSV được xem là bài nghiên cứu đang trong quá trình hoàn thiện, có thể được trích dẫn trong các bài báo khoa học.
Các số của Chuyên mục NCKHSV sẽ được gửi đến các Thầy/Cô qua email vào các tháng 6 và 12. Ngoài ra, nội dung của Chuyên mục được giới thiệu trên website của Câu lạc bộ RCES, fanpage của Nhà trường để lan tỏa thông tin.
Hy vọng rằng, trong năm học mới, một lứa sinh viên mới, RCES sẽ được bổ sung thêm thành viên là những sinh viên đam mê nghiên cứu cứu khoa học, để RCES ngày càng lớn mạnh và có sức ảnh hưởng trong giới nghiên cứu khoa học sinh viên trên toàn quốc.