Nghiên cứu khoa học là một công việc bắt buộc với giảng viên đại học, đây là công việc đòi hỏi tính cần mẫn và sáng tạo, ngoài ra muốn trở thành một nhà nghiên cứu giỏi cần phải có thêm một số phẩm chất mà trong quá trình nghiên cứu tích lũy được cũng như sự chia sẻ của “tiền bối” đi trước. Và với mục đích nâng cao năng lực nghiên cứu cho giảng viên, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi tọa đàm Định hướng và Phương pháp nghiên cứu khoa học SBA 2020 ngày 21/8.
Tham dự tọa đàm có PGS.TS Hoàng Văn Hải – Viện trưởng; PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh – Phó Viện trưởng Viện Quản tri Kinh doanh; PGS.TS. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh; PGS.TS. Nhâm Phong Tuân - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị Chiến lược cùng toàn thể giảng viên trong Viện.
Poster của buổi tọa đàm Tọa đàm thu hút tất cả giảng viên trong Viện Quản trị Kinh doanh
PGS.TS Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện quản trị Kinh doanh chủ trì tọa đàm Chấp nhận cô đơn để hình thành phương pháp riêng
Buổi tọa đàm mở đầu với phần chia sẻ của PGS.TS Nhâm Phong Tuân, chuyên gia trong lĩnh vực quản trị chiến lược, ông tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Chiến lược, phát triển ngành tại Đại học Hiroshima - Nhật Bản.
PGS.TS Nhâm Phong Tuân chia sẻ tại tọa đàm
PGS.TS Nhâm Phong Tuân chia sẻ: “Muốn trở thành nhà nghiên cứu giỏi cần phải xác định được mục tiêu và các chốt chặn, tiếp đó, để đạt mục tiêu đó cần xác định tư duy nghiên cứu, tư duy logic của nhà nghiên cứu, nếu không sẽ chập choạng ngay ở bước đi đầu tiên”.
Ông cũng cho biết thêm, làm nghiên cứu phải biết chấp nhận cô đơn, chấp nhận đứng một mình một phía để bảo vệ cái đúng và phải chấp nhận trải qua một quá trình rèn luyện rất dài để hình thành phương pháp, kỹ năng chứ không ai tự nhiên mà có. “Làm nghiên cứu, đôi khi phải chịu đựng vượt qua gánh nặng cơm áo gạo tiền, những lúc đó phải vững tâm lý, vượt qua bế tắc mới có thể cập bến và hái thành quả là sản phẩm nghiên cứu chất lượng, được xã hội ghi nhận”.
Dựa vào kinh nghiệm bản thân, PGS.TS Nhâm Phong Tuân cũng đã gợi mở một số chủ đề đang được xã hội quan tâm cho đội ngũ giảng viên trẻ như Góc độ chuyển đổi số: big data, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi về cơ cấu quản lý để tham dự các hội thảo diễn ra trong thời gian tới.
Tiếng Anh không tốt khó có thể viết báo khoa học
Chia sẻ kinh nghiệm về viết bài báo khoa học, PGS.TS Phan Chí Anh cho rằng, trước tiên, muốn có bài báo khoa học thì nên tìm tạp chí phù hợp với năng lực bản thân. Sau đó, học hỏi kinh nghiệm của người từng có nhiều bài báo khoa học và điều quan trọng nhất là phải giỏi tiếng Anh, nếu không sẽ bị loại bài ngay sau khi gửi. “Giảng viên nên biết phát hiện nhân tố trong sinh viên để cùng tham gia vào nghiên cứu, đây có thể là cánh tay đắc lực giúp giảng viên có được sự thực tế và đa chiều hơn, đồng thời vun đắp, hun đúc cho sinh viên có thêm động lực nghiên cứu”.
PGS.TS Phan Chí Anh chia sẻ kinh nghiệm về viết bài báo quốc tế Ngoài ra, PGS.TS Phan Chí Anh cũng chia sẻ một số “kỹ năng mềm” khi viết báo khoa học như phải nắm được chuyên môn, định hướng của Tổng biên tập mỗi tờ báo vì họ là người quyết định xu hướng của tờ báo. Trước tiên, hãy chọn tạp chí có bài mẫu và làm theo dạng đó, sau khi thành thạo mới nên chuyển đổi quy cách, dạng thức. “Những chỉ tiết như bảng, hình vẽ, mô hình mang tính trực quan rất quan trọng trong bài báo quốc tế, chủ đề hoặc phương pháp phải mới và tuyệt đối không được sao chép của người khác hay nhờ người khác trực tiếp làm”.
Đối với người mới, hãy thành thạo viết bài báo trong nước trước rồi hãy nghĩ đến các bài đăng tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus, đi từng bước, tiến chậm mà chắc thì mới có nền tảng để phát triển dài lâu, PGS.TS Phan Chí Anh chia sẻ.
Mỗi người cần phải có khát vọng nghiên cứu
PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, chuyên gia về quản trị tinh gọn và tâm thế, người từng có một thời gian dài làm doanh nghiệp và sinh sống tại Nhật Bản thì đặc biệt nhất mạnh vào khát vọng nghiên cứu của mỗi người.
PGS.TS Nguyễn Đăng Minh chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn khi còn làm việc tại Nhật Bản “Ở Nhật, làm bất cứ việc gì, người ta đều giáo dục về tâm thế đầu tiên và cả triết học và tư tưởng thần học nhập thế, khơi dạy được đam mê, khát vọng, tự họ sẽ biết phải làm gì”. PGS.TS Nguyễn Đăng Minh cũng chia sẻ câu chuyện tiến đến con đường nghiên cứu của bản thân, xuất thân trong một gia đình làm doanh nghiệp, từ nhỏ ông đã làm quen với việc quản trị, tài chính và có nhiều kinh nghiệm thực tế. Khi sang Nhật và vào Tập đoàn Toyota làm việc, được quan sát một tập đoàn lớn làm việc có quy trình, tính kỷ luật cao. Được ngày đêm cùng các kỹ sư kiến tạo những công nghệ, mô hình quản trị mới để đem bán, nhiều lúc nằm gai nếm mật nhưng cuối cùng đã thu được thành quả xứng đáng đã càng ngày càng hun đúc sự sáng tạo trong bản thân.
Đại biểu chăm chú theo dõi các ý kiến của diễn giả Trở về nước làm việc, thấy các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng mô hình quản trị của Nhật Bản, cho dù khác biệt về văn hóa, lòng tự tôn dân tộc đã thôi thúc PGS.TS Nguyễn Đăng Minh quyết tâm kiến tạo một trường phái quản trị “Made in Việt Nam” trong quản trị doanh nghiệp chứ không phải là "Made in Japan" tại các doanh nghiệp Việt Nam. “Đã có thời điểm, tôi dạy về quản trị tinh gọn ở Việt Nam nhưng chẳng ai quan tâm, đứng trên lớp thấy học viên uể oải, làm việc khác mà nước mắt mình ứa ra, chỉ biết ngẩng lên để nước mắt thấm ngược trở lại. Tuy vậy với khát vọng chưa bao giờ tắt trong tôi, cuối cùng tôi cũng làm cho họ hiểu về sản phẩm của mình”. PGS.TS Nguyễn Đăng Minh chia sẻ.
Tại tọa đàm, các giảng viên trẻ đã hăng say góp ý, nêu ra thắc mắc trong việc viết bài báo quốc tế và mong muốn các nhà khoa học gạo cội của Viện có nhiều hình thức hỗ trợ
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, PGS.TS Hoàng Văn Hải nhấn mạnh khoa học là phát hiện ra phần ẩn của vấn đề, ẩn chứa quy luật và có giá trị rất lớn với xã hội. Nghiên cứu khoa học còn làm nên thương hiệu cá nhân đối với nhà khoa học và xã hội sẽ "trả công" xứng đáng cho những ai làm việc nghiêm túc, nỗ lực, vậy nên nghiên cứu khoa học rất quan trọng đối với một giảng viên đại học. “Giảng viên đại học mà không làm nghiên cứu thì tức là đang đi giật lùi trong sự nghiệp, chỉ dạy thôi thì sẽ dẫn đến sự nhàm chán, vì vậy tôi mong rằng giảng viên của Viện Quản trị Kinh doanh, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ hãy nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu, học hỏi các đồng nghiệp đi trước, dấn thân, cống hiến trí tuệ để có những sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng, mang tính thực tiễn, tác động lớn đến kinh tế xã hội đất nước”.