Tên đề tài: Tác động của thương hiệu đại học đến quyết định lựa chọn trường của sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Huyền
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 28/8/1989
4. Nơi sinh: Thanh Hóa
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 3894/QĐ-ĐHKT ngày 15/12/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Quyết định số 4520/QĐ-ĐHKT ngày 06/12/2023 về việc cho phép nghiên cứu sinh kéo dài thời gian trong chương trình đào tạo
7. Tên đề tài luận án: “Tác động của thương hiệu đại học đến quyết định lựa chọn trường của sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội”
8. Chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh
9. Mã số: 9340101.01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hoàng Văn Hải (cán bộ hướng dẫn 1); PGS.TS. Hoàng Khắc Lịch (cán bộ hướng dẫn 2)
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Về lý luận
- Luận án đã đề xuất mô hình nghiên cứu tác động của thương hiệu đại học tiếp cận dưới góc độ tài sản thương hiệu đại học đến quyết định lựa chọn trường đại học của sinh viên dựa trên 03 lý thuyết nền tảng bao gồm lý thuyết tài sản thương hiệu (Aaker, 1996), lý thuyết tự phù hợp (Sirgy,1985) và lý thuyết hành vi có kế hoạch (Ajzen, 1991). Trong khi các nghiên cứu trước chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến ý định lựa chọn hoặc quyết định lựa chọn trường, luận án đã đề xuất khung phân tích và kiểm tra tác động của tài sản thương hiệu đại học đến quyết định lựa chọn trường thông qua biến trung gian là ý định lựa chọn trường. Ngoài 04 yếu tố cấu thành tài sản thương hiệu theo mô hình tài sản thương hiệu của Aaker (1996), luận án đã bổ sung thêm yếu tố mới – tính cách thương hiệu trong mô hình nghiên cứu nhằm giải thích tốt hơn tác động của tài sản thương hiệu đại học đến sự lựa chọn trường đại học của sinh viên. Bên cạnh đó, luận án đã bổ sung và điều chỉnh một số thang đo lường (biến quan sát) để phù hợp với bối cảnh trường đại học ở Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng.
- Dựa trên số liệu thực nghiệm, luận án đã chỉ ra mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp giữa các yếu tố cấu thành tài sản thương hiệu với ý định và quyết định chọn trường. Đồng thời, luận án đã so sánh và chỉ ra sự khác biệt về quyết định chọn trường của sinh viên phân theo các nhóm sinh viên khác nhau về giới tính, khu vực tuyển sinh và thu thập hộ gia đình.
Về thực tiễn
- Từ những phân tích thực trạng thương hiệu ĐHQGHN, nghiên cứu trường hợp tại Trường Đại học Kinh tế và phân tích mức độ tác động của các yếu tố cấu thành tài sản thương hiệu đến ý định và quyết định chọn trường đại học, luận án sẽ là cơ sở tham khảo tốt giúp cho ĐHQGHN xây dựng các chương trình hành động nhằm nâng cao giá trị tài sản thương hiệu, cùng với đó là các chiến lược tuyển sinh nhằm thu hút nguồn tuyển sinh chất lượng cao.
- Ngoài ra, kết quả so sánh sự khác nhau giữa các nhóm đối tượng sinh viên về quyết định lựa chọn trường đại học là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản trị đại học xây dựng các chính sách thu hút người học phù hợp hướng tới từng nhóm đối tượng người học tiềm năng khác nhau.
12. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:
Một số hướng nghiên cứu trong tương lai được gợi mở như sau:
Thứ nhất, các nghiên cứu tiếp theo có thể khai thác một cách toàn diện hơn tác động của các yếu tố đến quyết định chọn trường của sinh viên, trong đó bổ sung thêm biến quan sát đo lường các yếu tố cấu thành tài sản thương hiệu đại học cũng như các yếu tố khác.
Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục đại học và xu hướng toàn cầu hóa, vai trò của thương hiệu đại học trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của trường đại học ngày càng được nhấn mạnh. Các nghiên cứu trong tương lai có thể tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về thương hiệu gắn với sự phát triển năng lực cạnh tranh bền vững hay thương hiệu đại học bền vững.
Thứ ba, các nghiên cứu kế cận có thể mở rộng phân tích ảnh hưởng của thương hiệu đại học theo quá trình đưa ra quyết định lựa chọn trường đại học từ bước xuất phát nhu cầu học, tìm kiếm thông tin, cân nhắc giữa các lựa chọn và ra quyết định lựa chọn trường đại học cuối cùng để có những đánh giá mang tính chất toàn diện hơn về vai trò của thương hiệu đại học.
Thứ tư, các nghiên cứu trong tương lai có thể mở rộng cỡ mẫu đồng thời áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên để tăng tính đại diện của mẫu.
Cuối cùng, trong tương lai các nhà nghiên cứu có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu đối với các trường đại học dân lập và có sự so sánh giữa các nhóm trường khác nhau, cũng như tham khảo, phân tích kinh nghiệm của các đại học trên thế giới để có những đề xuất giải pháp phù hợp hơn trong bối cảnh mới.
13. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:
STT | Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án |
---|
1 | Huyen, N. T., Hai, H. V., Lich, H. K., & Tuan, P. M. (2024). Prioritizing components of university brands by using the integrated Delphi and AHP methods. Multidisciplinary Reviews, Vol. 7 Issue 4, 2024067 (Scopus Q4) |
2 | Nguyen Thi, H., Hoang Van, H., & Hoang Khac, L. (2024). The antecedents and consequences of university brand: a systematic review, Multidisciplinary Reviews, Vol. 7 Issue 7, 2024141 (Scopus Q4) |
3 | Nguyen Thi Huyen (2023). Factors affecting students’ decision to choose a university: A case study of Vietnam National University, Hanoi. Journal of Economic and Banking Studies, Volume 06 Dec 2023 pp. 52-66 |
4 | Nguyen Thi Huyen (2022). Impact of university brand on students’ university selection: Theoretical research and analysis framework proposal, Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Chuyên san đổi mới và phát triển tháng 11/2022, trang 36-49 |
Xem thêm thông tin luận án tại đây.