Sáng 30/5/2015, các thí sinh dự thi vào ĐHQGHN đã làm bài thi đánh giá năng lực, lấy kết quả xét tuyển vào các ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Kỳ thi diễn ra trong các ngày 30,31/5 và 01,02/6/2015 (ngày dự phòng là 03/6).
Năm 2015, ĐHQGHN thống nhất dùng kết quả bài thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học chính quy. Thí sinh dự tuyển vào ĐHQGHN sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt: cuối tháng 5 và đầu tháng 8.
Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm bài thi của mình.Theo thống kê, có 45.350 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn.
Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh của ĐHQGHN năm 2015 cho biết, chỉ tính riêng trong sáng 30/5, tổng số thí sinh đăng ký dự thi: Đánh giá năng lực là hơn 6.500 em, số em có mặt gần 6.300 chiếm 95,52%; Số thí sinh dự thi Ngoại ngữ có mặt là 13.250 trên tổng số đăng ký 14.590, chiếm 90,79%. Điểm thi có tỷ lệ dự thi cao nhất đạt 97%, thấp nhất là 83,33%.
Đây là tỷ lệ thí sinh đến dự thi tuyển sinh vào ĐHQGHN cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều đặc biệt, tính đến thời điểm kết thúc môn thi ĐGNL không có thí sinh, cán bộ nào bị kỷ luật do phương án thi trên máy tính giúp hạn chế tiêu cực, thí sinh không thể nhận được sự trợ giúp từ phía bên ngoài. Ngoài ra, nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, cũng không có phát sinh ốm đau bất thường nào từ các thí sinh cũng như cán bộ coi thi.
Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhận định, các con số trên cho thấy kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN theo phương thức mới đã được xã hội đồng tình ủng hộ và hưởng ứng cao.
Hơn 1000 sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ kỳ thi
Góp phần vào sự thành công này, không thể không kể đến sự hỗ trợ tích cực của hơn 1000 sinh viên tình nguyện của ĐHQGHN trong việc chỉ dẫn, giúp đỡ thí sinh và người nhà.
Kết thúc buổi thi môn Đánh giá năng lực, theo thông tin đánh giá sơ bộ, hệ thống phần mềm dự thi đã hoạt động tốt. Trong 7 địa phương, không có cụm thi nào bị sự cố về điện, máy chủ và đường truyền. Về vấn đề an ninh được bảo đảm an toàn. Về máy thi, trên tổng số 7.236 máy tính được huy động sử dụng (cả chính thức và dự phòng) chỉ có một số ít máy tính phát sinh lỗi và đã được chỉnh sửa kịp thời.
Số thí sinh phải chuyển sang ca thi tiếp theo trong ca thi sáng phải chuyển sang chiều 30/5 là 47 trường hợp (trên tổng số 6292 thí sinh dự thi) bao gồm cả lỗi của máy tính và lỗi do thí sinh dự thi.
Điểm thi Ngoại ngữ sẽ được công bố trên website sau một tuần nữa.
Chiều 30/5, 6.247/6.508 thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 95,99%) đã có mặt để làm bài thi đánh giá năng lực. Điểm thi có tỷ lệ dự thi cao nhất là Hải Phòng, Nam Định - đạt 97,53%, thấp nhất là Đà Nẵng - đạt 91,67%.
Đáng chú ý, công tác vận hành và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi của ĐHQGHN đã được triển khai nhanh và hiệu quả hơn.
Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong chiều 30/5, tỷ lệ thí sinh phải chuyển sang ca thi tiếp theo đã giảm nhiều so với ca thi buổi sáng cùng ngày. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng hệ thống điều hành các phần mềm, đường kết nối máy chủ…tại các điểm thi vẫn vận hành tốt.
Tại 2 điểm thi là Trường Đại học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, để đảm bảo sức khỏe cho người nhà thí sinh giữa tiết trời oi ả, ĐHQGHN đã bố trí chỗ nghỉ ngơi cho họ trong lúc chờ đợi ở các khu vực có nhiều cây xanh, có nước uống.
Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Điểm đáng mừng nhất của kỳ thi là phần mềm đã hoạt động tốt. Mục tiêu quan trọng nhất của ĐHQGHN khi tổ chức kỳ thi này là đánh giá đúng năng lực của từng thí sinh”.
Ngày 31/5, các thí sinh tiếp tục dự thi bài thi đánh giá năng lực tại 9 cụm thi với 21 điểm thi ở 7 địa phương trên cả nước.
Với vai trò nòng cốt và tiên phong trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQGHN đã, đang và tiếp tục có những bước đi đột phá trong công tác đào tạo. Đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới.
Đây là phương thức nhằm đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp,...Phương thức tuyển sinh này đã được ĐHQGHN thí điểm trong một số chuyên ngành sau đại học từ năm 2011 đến nay.
Kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện theo đặt hàng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lộ trình đổi mới thi và đánh giá học sinh. Kỳ thi không chỉ có ưu điểm một bài thi chuẩn hoá mà còn giúp thí sinh gia tăng cơ hội vào đại học.
|
Xem thêm hình ảnh tại các cụm thi Hà Nội và các tỉnh của kỳ thi Đánh giá năng lực vào ĐHQGHN tại đây.