Tính đến nay, ĐHQGHN có khoảng hơn 50 nhóm nghiên cứu, trong đó 16 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN.
>> Các hoạt động hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ nhất (18/5/2014) tại ĐHQGHN
GS. Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết: Xác định tầm quan trọng của nhóm nghiên cứu (NNC) đối với việc nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ những năm đầu thành lập, ĐHQGHN đã quan tâm đến việc xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu.
Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định “xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc (COE) và các mạng lưới liên hoàn”.
Phương hướng phát triển khoa học và công nghệ của ĐHQGHN bám sát chủ trương tiếp tục thực hiện giải pháp ưu tiên, đó là “phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu quốc tế và tập thể khoa học tinh nhuệ để có được các kết quả khoa học đỉnh cao và sản phẩm công nghệ đột phá gắn với bằng sở hữu trí tuệ (SHTT), các giải thưởng KHCN cấp quốc gia, quốc tế, các bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng, các công trình chuyên khảo có uy tín và các giải pháp tư vấn chính sách cho các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước”.
- Được biết, ĐHQGHN là đơn vị đi đầu trong hệ thống giáo dục đại học cả nước trong việc ban hành hướng dẫn “Xây dựng và phát triển các Chương trình nghiên cứu trọng điểm và Nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN”. Phó Giám đốc có thể cho biết các thông tin cụ thể hơn về nội dung này?
Việc xây dựng và phát triển các Chương trình nghiên cứu trọng điểm (gọi tắt là Chương trình) và Nhóm nghiên cứu mạnh, nhằm thúc đẩy các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ của ĐHQGHN theo định hướng đại học nghiên cứu.
Ngoài hệ thống các đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN và cấp cơ sở, ĐHQGHN chủ trương tổ chức Chương trình nghiên cứu trọng điểm (bao gồm một số đề tài nghiên cứu khoa học riêng biệt, nhưng có tính hệ thống, tập trung) hướng tới các sản phẩm KH&CN hoàn chỉnh, có tính khoa học cao, giá trị thực tiễn lớn, góp phần giải quyết một số bài toán phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo quan điểm của ĐHQGHN, Nhóm nghiên cứu mạnh là tập thể các nhà khoa học được tập hợp theo hướng chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo đạt hiệu quả tốt, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tiếp cận các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến; có khả năng làm nòng cột hoặc phối hợp với các nhóm nghiên cứu khác để triển khai các nội dung khoa học của Chương trình.
ĐHQGHN đã ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị các nội dung rất chi tiết và cụ thể về phương thức tổ chức chương trình, tiêu chí xác định hoặc hình thành chương trình, ban chủ nhiệm chương trình; Phương thức xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, các tiêu chí của nhóm nghiên cứu mạnh, tiêu chuẩn của lãnh đạo nhóm nghiên cứu, thành viên nhóm nghiên cứu, điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị, hợp tác nghiên cứu, phát triển bền vững nhóm nghiên cứu mạnh, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN.
- Lí do nào để ĐHQGHN tập trung vào việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, thưa Phó Giám đốc?
Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh vừa là phương thức, vừa là mục tiêu mà ĐHQGHN và các đơn vị tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư nhằm tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ cho một số nhóm nghiên cứu để có đủ khả năng triển khai các nghiên cứu đỉnh cao và xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc; tạo động lực gia tăng các giá trị khoa học và công nghệ, các yếu tố cạnh tranh cả trên phương diện quốc gia và quốc tế; thúc đẩy sự phát triển ĐHQGHN và các đơn vị theo định hướng đại học nghiên cứu.
- Với đặc thù là một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, các nhóm nghiên cứu ở ĐHQGHN nên phân loại thế nào, thưa Giáo sư?
Nhóm nghiên cứu mạnh là tập thể các nhà khoa học được tập hợp theo hướng chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo đạt hiệu quả tốt, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tiếp cận các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến.
ĐHQGHN là một đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có các đặc thù. Để thuận lợi cho việc xác định các nhóm sản phẩm đặc thù, tăng cường hiệu quả của công tác quản lý, đầu tư và việc đánh giá kết quả, các nhóm nghiên cứu được phân loại theo lĩnh vực như sau: Nhóm lĩnh vực Khoa học xã hội và kinh tế mũi nhọn (bao gồm khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật, giáo dục, ngôn ngữ và nghiên cứu quốc tế); Nhóm lĩnh vực Khoa học tự nhiên và y dược; Nhóm lĩnh vực Công nghệ và kỹ thuật; Nhóm lĩnh vực Khoa học liên ngành.
Bên cạnh đó, tùy theo kết quả đã đạt được, mức độ tập hợp và tầm ảnh hưởng, cũng có thể khu biệt nhóm nghiên cứu mạnh thành 2 cấp: cấp ĐHQGHN và cấp đơn vị (thành viên và trực thuộc).
- Phó Giám đốc có thể chia sẻ rõ hơn về cơ chế hình thành nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN?
Để chủ động xây dựng các đơn vị nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu mạnh, ĐHQGHN đã chủ động thành lập các tổ chức và tiếp nhận đầu tư. Đây là kinh nghiệm từ những năm 80 của thế kỷ trước trong việc xây dựng hệ thống các PTN V-H (hợp tác Việt Nam - Hà Lan). Ngay từ giai đoạn đầu thành lập, ĐHQGHN đã chủ trương thúc đẩy phương thức này. Điển hình cho phương thức này được thực hiện đầu tiên ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là Trung tâm Khoa học Vật liệu và PTN trọng điểm Enzym - Protein. Hai PTN này đã trở thành 2 nhóm nghiên cứu mạnh có uy tín trong nước và quốc tế. Mô hình này được tiếp tục đầu tư cho PTN công nghệ Micro nano tại Trường ĐH Công nghệ. Đây là một mô hình đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu tương đối hiệu quả. Qua mô hình này, các nhóm nghiên cứu đã phát huy khả năng công bố quốc tế đồng thời phát triển các sản phẩm KHCN hoàn chỉnh, có tính ứng dụng thực tiễn.
Vừa phát huy nội lực và kết hợp với ngoại lực, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh cũng đã được hình thành và phát triển. Điểm mấu chốt phương thức này là các nhóm nghiên cứu đã đón đầu xu hướng khoa học công nghệ mới và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Bằng cách này, một số trung tâm nghiên cứu có tính hội nhập đã được hình thành, tiêu biểu là “Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường” (CRES) và “Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững” (CETASD).
Đây cũng là phương thức phù hợp để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đối với các lĩnh vực khoa học cơ bản và lý thuyết, như nhóm nghiên cứu Tô pô đại số (Trường ĐHKHTN) và Tâm lý học lâm sàng (Trường ĐHGD).
- Gần đây, ĐHQGHN cũng hình thành nhóm nghiên cứu mạnh thông qua hoạt động chuyển giao tri thức với các doanh nghiệp và địa phương. Phó Giám đốc có thể chia sẻ thêm về nội dung này?
Khác với yêu cầu của các nhóm nghiên cứu lý thuyết, cơ bản, hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ yêu cầu hình thành các nhóm nghiên cứu có mối liên hệ chặt chẽ hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn. Đồng thời, thông qua chuyển giao tri thức và sản phẩm khoa học công nghệ, các nhóm nghiên cứu mạnh cũng có điều kiện thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, vừa từng bước hình thành nền tảng tài chính mạnh góp phần quan trọng cho sự phát triển của ĐHQGHN nói chung và của nhóm nói riêng.
Theo phương thức tiếp cận này, nhiều nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN đã được hình thành và phát triển, ví dụ như nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Lưu Văn Bôi có rất nhiều hợp tác với các doanh nghiệp và địa phương trong các dự án, nghiên cứu sản xuất biodiesel; Nhóm của TS. Hoàng Văn Thắng nghiên cứu về phục hồi đất ngập nước.
Ngoài ra, ĐHQGHN đã hình thành được một số nhóm nghiên cứu mạnh gắn với địa phương như các nhóm nghiên cứu về khu vực học và khoa học phát triển của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển hay các nhóm nghiên cứu trong khối khoa học trái đất như các nhóm nghiên cứu của GS. Trần Nghi về tài nguyên biển và lục địa, nhóm nghiên cứu của GS. Mai Trọng Nhuận về giải quyết các vấn đề về tai biến và thảm họa thiên nhiên của các địa phương và khu vực.
- Còn việc phát triển tiềm lực các nhóm nghiên cứu mạnh thông qua việc kết hợp với thực hiện nhiệm vụ và chương trình nghiên cứu?
Năm 2013, để đầu tư tạo điều kiện cho phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và tập hợp được lực lượng vừa tạo ra sản phẩm và giải quyết các bài toán quan trọng, ĐHQGHN đã phê duyệt các chương trình nghiên cứu trọng điểm. Các chương trình nghiên cứu trọng điểm này đều dựa trên các định hướng nghiên cứu ưu tiên và các nhóm nghiên cứu tiềm năng, cụ thể như sau:
- Nhóm lĩnh vực Khoa học xã hội và Kinh tế: Chương trình nghiên cứu định vị và phát triển khoa học xã hội và nhân văn gắn với nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Văn Kim, TS. Đào Thanh Trường; Chương trình nghiên cứu về kinh tế vĩ mô gắn với nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Đức Thành.
- Nhóm lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Y dược: Chương trình nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo gắn với nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Lưu Văn Bôi (Hóa học), PGS.TS Vũ Văn Tích (Địa chất) và GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương, GS.TS. Nguyễn Năng Định (Vật lý).
- Nhóm lĩnh vực Công nghệ và Kỹ thuật: Chương trình nghiên cứu an toàn mạng và thông tin do Viện Công nghệ Thông tin làm đầu mối. Chương trình nghiên cứu chế tạo linh kiện micro-nano và mạch tích hợp ứng dụng trong các hệ thống điều khiển, viễn thông và y tế gắn với nhóm nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức (Vật lý), PGS.TS Bạch Gia Dương, PGS.TS Trần Xuân Tú (Điện tử - Viễn thông).
- Nhóm lĩnh vực liên ngành: Chương trình nghiên cứu tin - sinh - dược gắn với các nhóm nghiên cứu của TS. Lê Sỹ Vinh (Công nghệ Thông tin), TS. Dương Thị Ly Hương (Y Dược), TS. Nguyễn Thế Toàn (Vật lý).
- Bên cạnh thế mạnh là nghiên cứu khoa học cơ bản, ĐHQGHN còn là một trong nhiều trụ cột khoa học trong việc thực hiện các tư vấn chính sách, Phó Giám đốc có thể cho biết một số nhóm nghiên cứu thuộc lĩnh vực này?
Có thể điểm ra một số nhóm nghiên cứu về Sử học, Việt Nam học của GS.TSKH Vũ Minh Giang, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc; Khoa học phát triển của GS.TS Trương Quang Hải; Khoa học quản lý của PGS.TS Vũ Cao Đàm; Văn học của GS.TS Hà Minh Đức; Quan hệ quốc tế của GS.TS Vũ Dương Ninh; Ngôn ngữ học của GS.TS Đinh Văn Đức; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số của GS.TS Trần Trí Dõi…
Các NNC về Kinh tế quốc tế và hội nhập của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn; Các vấn đề kinh tế chính trị Việt Nam và thế giới của PGS.TS Phạm Văn Dũng; Quản trị hài hòa đông tây của TS Nguyễn Tiến Dũng; Xây dựng mô hình lượng giá bất động sản tại Việt Nam của TS. Bùi Đại Dũng,…;
Các NNC về Nhà nước và pháp luật của GS.TSKH Lê Văn Cảm; GS.TSKH Đào Trí Úc; Văn hóa pháp luật và sự phát triển bền vững của GS.TS Hoàng Thị Kim Quế,...
- Phó Giám đốc có thể chia sẻ kinh nghiệm của ĐHQGHN trong việc hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh?
ĐHQGHN và các đơn vị không những sớm xác định vai trò quan trọng của các nhóm nghiên cứu mạnh mà còn nhanh chóng xây dựng thành chính sách và có các giải pháp, phương thức phù hợp; kiên trì mục đích để tiến tới triển khai một mô hình ổn định; xây dựng được tiêu chí của nhóm nghiên cứu mạnh và kết hợp với công tác hợp tác phát triển…
- Định hướng của ĐHQGHN trong việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh thời gian tới là như thế nào, thưa Phó Giám đốc?
ĐHQGHN tiếp tục quan tâm xây dựng Chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, nhóm nghiên cứu mạnh cấp đơn vị và nhóm nghiên cứu tiềm năng.
ĐHQGHN tiếp tục đầu tư phát triển số lượng và chất lượng các nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. Hằng năm, tổ chức xem xét các đề cử đề nghị Giám đốc ĐHQGHN tặng Bằng khen.
Trước mắt thiết lập nhóm SWG16 đối với 16 nhóm nghiên cứu mạnh năm 2014, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển thành các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc; xác định nhiệm vụ, đặt hàng để phát triển các sản phẩm KH&CN chủ lực của ĐHQGHN, đặc biệt là các sản phẩm nằm trong danh mục các sản phẩm KHCN quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; gắn các nhóm nghiên cứu làm nòng cốt thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN.