Kiểm định tác động phi tuyến tính của nợ nước ngoài lên quá trình hội tụ kinh tế

Sử dụng dữ liệu từ 201 quốc gia giai đoạn 1990-2020, nghiên cứu “Examining the non-linear impact of external debt on economic convergence” của Lê Hồng Thái và Trịnh Thị Phan Lan đăng trên Journal of Economic Integration Vol. 37, No. 3 (2022) cho thấy nợ nước ngoài là một yếu tố quan trọng quyết định đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Kết quả cũng chỉ ra rằng quá trình hội tụ kinh tế diễn ra nhanh hơn khi mức độ vay nợ tăng lên cho đến đến một ngưỡng, mà quá trình hội tụ sẽ chậm lại khi lượng vay nợ tiếp tục tăng lên và vượt trên ngưỡng đó.



Hội tụ thu nhập trong kinh tế là giả thuyết mà các nhà kinh tế học cho rằng thu nhập bình quân đầu người của các nước nghèo sẽ có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn các nước giàu có hơn. Kết quả là, cuối cùng tất cả các nền kinh tế hội tụ về một mức thu nhập bình quân đầu người. Trong quá trình phát triển, các nước nghèo có thể sao chép các phương pháp sản xuất, công nghệ và cách tổ chức hoạt động của các nước phát triển để có cơ hội “đuổi kịp” các nước này. Tuy nhiên, không phải nước nghèo nào cũng có thể đạt mức tăng trưởng cao; nếu thu nhập quá thấp, người dân sẽ phải tiêu dùng hết những gì mình làm ra và do vậy không có tiết kiệm để đầu tư nhằm duy trì mức tư bản trên mỗi lao động khi dân số tăng và rơi vào một cái bẫy nghèo đói. Thực tế là các nền kinh tế có năng suất lao động thấp và thu nhập thấp trong khi thiếu tiết kiệm thường phụ thuộc vào các khoản vay (đặc biệt là từ các nguồn nước ngoài). Các nước đang phát triển với các lựa chọn tài chính hạn chế thường tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài như kiều hối, viện trợ tài chính và vay nợ bên ngoài như một nguồn lực chính để tạo đà tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù nhiều yếu tố đã được đề xuất rằng có ảnh hưởng đến quá trình hội tụ thu nhập trong kinh tế, vai trò của nợ vay vẫn chưa được tìm hiểu kỹ. Khi chi tiêu của chính phủ vượt quá số thu, chính phủ có thể sử dụng nguồn vay nợ để tài trợ cho chi tiêu công. Các khoản vay này nếu được sử dụng hợp lý có thể giúp phát triển cơ sở hạ tầng và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc vay nợ quá nhiều mà không có kế hoạch đầu tư thì khi đó có thể tạo ra gánh nặng nợ và gánh nặng trả lãi, gây bất lợi cho nền kinh tế. Hơn nữa, mối quan hệ giữa vay nợ của chính phủ và tăng trưởng kinh tế cũng không phải là mối quan hệ tuyến tính. Trong ngắn hạn, vay nợ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế bằng cách kích thích tổng cầu và sản lượng sản xuất. Tuy nhiên, nợ chính phủ có thể tạo áp lực đến đầu tư tư nhân và đe dọa tăng trưởng. Các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng sự phụ thuộc quá nhiều vào nợ có thể gây hại cho nền kinh tế về lâu dài. Do đó, các khoản vay nợ quá mức có thể gây ra hậu quả xấu đối với quá trình hội tụ thu nhập.

Sử dụng dữ liệu từ 201 quốc gia trong giai đoạn 1990-2020, kết quả nghiên cứu cho thấy nợ nước ngoài là một yếu tố quan trọng quyết định đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Cụ thể, nợ nước ngoài có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế; do đó, các quốc gia cần xem xét lại các khoản nợ vay nước ngoài và có đánh giá kỹ lưỡng về tính hiệu quả trong sử dụng các khoản vay này.

Kết quả cũng chỉ ra rằng quá trình hội tụ kinh tế diễn ra nhanh hơn khi mức độ vay nợ tăng lên cho đến một ngưỡng mà quá trình hội tụ sẽ chậm lại khi lượng vay nợ tiếp tục tăng lên và vượt trên ngưỡng đó. Như vậy, nghiên cứu đã cung cấp một bằng chứng thực nghiệm quan trọng cho thấy phần lớn sự hội tụ thu nhập kinh tế trong quá khứ là do các quốc gia sử dụng nợ vay. Mặt khác, tác động tiêu cực và phi tuyến tính của việc gia tăng nợ nước ngoài thể hiện rằng đây chính là một nguyên nhân dẫn đến sự dễ tổn thương của nền kinh tế.

Bóc tách nguồn gốc của các khoản nợ vay cho thấy nợ ngắn hạn và nợ bằng đồng nội tệ có tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong khi nợ tư nhân, nợ dài hạn và nợ bằng đồng ngoại tệ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, các quốc gia cũng cần chú ý tới nguồn gốc vay nợ từ những nguồn nào để tối đa hóa tính hiệu quả của các khoản vay này.

Thông tin tác giả

TS. Lê Hồng Thái phụ trách trách nhiệm Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính công, Khoa Tài chính - Ngân hàng. Anh nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp và Thống kê tính toán, Đại học Bournemouth - Anh năm 2021; Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính, ĐH Bournemouth - Anh năm 2017; Cử nhân Tài chính, Đại học Sheffield Hallam năm 2015. Hướng nghiên cứu chính gồm: Kinh tế vĩ mô; mô hình chuyển dịch dinh dưỡng; phương pháp phân cụm; kinh tế lượng không gian; phân tích dữ liệu chuỗi thời gian.

TS. Trịnh Thị Phan Lan tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Symbiosis - Ấn Độ năm 2005 và Tiến sĩ Tài chính – Ngân hàng tại Học viện Tài chính - Việt Nam năm 2016. Với kinh nghiệm 20 năm giảng dạy và nghiên cứu, TS. Phan Lan hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Hiện tại, bà tham gia đào tạo về đổi mới sáng tạo và quản lý tài chính cá nhân cho các cá nhân, trường học và doanh nghiệp. Bà yêu thích các dự án xã hội, các dự án phát triển cộng đồng. Hướng nghiên cứu chính của TS Lan: quản trị rủi ro, tài chính doanh nghiệp và tài chính cá nhân.

Thông tin bài báo

Thai Hong LeLan Trinh Thi Phan (2022). Examining the Non-Linear Impact of External Debt on Economic Convergence. Journal of Economic Integration 37 (3), 377-422. DOI: https://doi.org/10.11130/jei.2022.37.3.377


Trường Đại học Kinh tế