Vốn con người, như sự chia sẻ hiểu biết và chia sẻ kiến thức, đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của các công ty khởi nghiệp công nghệ. Nghiên cứu “The impacts of shared understanding and shared knowledge quality on emerging technology startup team’s performance” được xuất bản online trên Tạp chí Knowledge Management Research & Practice số tháng 9/2021 đã xem xét mối quan hệ giữa 4 yếu tố chính của sự hiểu biết được chia sẻ trong các công ty khởi nghiệp công nghệ với hiệu quả của các công ty, từ đó rút ra một số hàm ý đối với các thành viên và lãnh đạo của nhóm khởi nghiệp công nghệ.
Nhằm xem xét tác động của sự chia sẻ hiểu biết và chia sẻ tri thức đối với hiệu quả hoạt động của nhóm khởi nghiệp công nghệ, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp với dữ liệu được thu thập từ 52 công ty khởi nghiệp công nghệ tại các không gian làm việc chung ở Đài Loan và Việt Nam. Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy có 9 mục để đo lường chia sẻ hiểu biết và được sử dụng cho nghiên cứu này. Đồng thời, kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng 4 yếu tố được đề xuất (bao gồm xây dựng, hỗ trợ, sự gắn kết và xung đột mang tính xây dựng) có tác động đáng kể đến sự hiểu biết được chia sẻ, từ đó ảnh hưởng tích cực đến chất lượng kiến thức được chia sẻ và hiệu quả của công ty.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ hiện đang phát triển và được kỳ vọng sẽ tạo ra những hiệu quả kinh tế và xã hội đáng kể. Trong môi trường kinh doanh tồn tại nhiều bất ổn và rủi ro như hiện nay, sự hiểu biết được chia sẻ và kiến thức được chia sẻ được đóng góp bởi các cá nhân trong các nhóm năng động đang trở thành nguồn nhân lực nổi bật cho các dự án mới nhằm giải quyết các thách thức của việc phát triển sản phẩm. Do đó, việc nâng cao hiệu quả của nhóm bằng cách tăng cường sự hiểu biết được chia sẻ và nâng cao chất lượng của kiến thức được chia sẻ là điều cần thiết đối với sự thành công của các công ty khởi nghiệp. Một số ý nghĩa có thể được rút ra từ nghiên cứu này đối với các thành viên và lãnh đạo của nhóm khởi nghiệp công nghệ tại các không gian làm việc chung. Đối với các nhà lãnh đạo hoặc đồng sáng lập, điều tối quan trọng là phải thường xuyên xem xét và giải quyết vấn đề về sự thấu hiểu được chia sẻ trong nhóm. Bằng cách nhanh chóng phản hồi vấn đề phát sinh, hiệu quả của nhóm sẽ được tăng cường. Việc thường xuyên trao đổi quan điểm với những người khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hiệu suất làm việc chung của họ. Nghiên cứu này cũng đề xuất các cách thức chung để hỗ trợ và giám sát các cơ sở được chia sẻ, trong đó tập trung vào các hành vi học tập theo nhóm và chất lượng làm việc theo nhóm. Hành vi học tập nhóm liên quan đến xây dựng hợp tác và xung đột mang tính xây dựng, trong khi chất lượng làm việc nhóm xoay quanh sự hỗ trợ và gắn kết lẫn nhau. Các hoạt động được thiết kế để nâng cao sự hiểu biết được chia sẻ sẽ tăng cường kết nối tổng thể giữa các thành viên, tạo môi trường thuận lợi để trao đổi ý kiến và khuyến khích sự hỗ trợ lẫn nhau.
Đối với thực tiễn quản lý, trước tiên, nghiên cứu khuyến nghị các nhà quản lý nhận thức được tầm quan trọng của việc tích cực xây dựng sự hiểu biết được chia sẻ và chất lượng kiến thức được chia sẻ về hiệu quả của nhóm, đặc biệt trong việc khám phá kiến thức mới từ một quy trình đã có, kiến thức của nhiều thành viên khác nhau để đạt được hiệu quả. Thứ hai, trong khi đạt được một kết quả mong muốn, các nhà quản lý cần lưu ý rằng việc thực hiện tốt ngày hôm nay có thể gây ra các vấn đề trong tương lai, chẳng hạn như xung đột giữa các thành viên. Do đó, các nhà quản lý cần tích cực khuyến khích sự tương tác mang tính xây dựng và giải quyết những mâu thuẫn cá nhân. Nghiên cứu này cũng có ý nghĩa đối với việc lựa chọn các thành viên. Các đội phải lựa chọn các thành viên hỗ trợ nhóm của họ trong việc tìm ra cách thức phù hợp để vượt qua những khó khăn trong công việc. Cuối cùng, trong thời điểm đạt hiệu quả kém, nghiên cứu đề xuất cần phát triển dựa trên nguồn vốn của đội ngũ, bao gồm các thành viên nội bộ từ các ngành ở xa với năng lực khác nhau. Các thành viên này có thể cung cấp cho các nhóm sự hiểu biết và kiến thức cần thiết để thúc đẩy khả năng thâm nhập thị trường của họ.
>> Xem chi tiết bài báo: Jengchung Victor Chen, Thi Thuy Linh Nguyen & Quang-An Ha, “The impacts of shared understanding and shared knowledge quality on emerging technology startup team’s performance”, Knowledge Management Research & Practice, Published online: 04 Sep 2021.https://doi.org/10.1080/14778238.2021.1970491
________________
- Danh sách tác giả:
- GS. Jengchung Victor Chen: Institute of International Management, National Cheng Kung University, Đài Loan
- TS. Hà Quang An: Khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
- ThS. Nguyễn Thị Thùy Linh: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
- Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT – ĐHQGHN:
| ThS. Nguyễn Thị Thùy Linh hiện là giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHKT. Hướng nghiên cứu chính: Phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và chính sách phát triển nông nghiệp, thương mại điện tử. |