Đo lường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước tại lưu vực sông Đồng Nai: Ứng dụng phân tích bao dữ liệu hai giai đoạn

Với mô hình phân tích bao dữ liệu hai giai đoạn nhằm đo lường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước (WRUE) tại lưu vực sông Đồng Nai, nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và các cộng sự công bố trên tạp chí Environment, Development and Sustainability thuộc danh mục SCIE, Q2 đã cung cấp những hiểu biết quan trọng về các hàm ý chính sách đối với quản lý và cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.



WRUE là khái niệm bắt nguồn từ nền kinh tế năng suất, được coi là chỉ số quan trọng phản ánh tính bền vững của một nền kinh tế hoặc một lĩnh vực kinh tế cụ thể như nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ. WRUE không chỉ ảnh hưởng tới GDP mà còn cả sự gia tăng dân số và đô thị hóa - vốn phản ánh động lực của hệ thống kinh tế - xã hội. Do đó, việc xác định các yếu tố tác động chính đến WRUE đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận liên ngành, liên vùng. Nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê và cộng sự với tiêu đề “Measuring water resource use efficiency of the Dong Nai River Basin (Vietnam): An application of the two-stage data envelopment analysis (DEA)” công bố trên tạp chí Environment, Development and Sustainability thuộc danh mục SCIE, Q2 đã đưa ra mô hình phân tích bao dữ liệu hai giai đoạn nhằm đo lường WRUE tại lưu vực sông Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu cung cấp những hiểu biết quan trọng về các hàm ý chính sách đối với quản lý nguồn nước và cải thiện WRUE. 

Thiếu nước đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Sự phát triển gần đây của nông nghiệp, công nghiệp và các khu vực đô thị ở Việt Nam yêu cầu tiêu thụ một lượng lớn nước như là một yếu tố sản xuất. Việc cải thiện WRUE là cần thiết để giải phóng sức ép về khan hiếm nguồn nước và đảm bảo phát triển bền vững. Trong khi cách tiếp cận phân tích bao dữ liệu (Data Envelopment Analysis - DEA) truyền thống chỉ đánh giá hiệu quả của một hệ thống nói chung, phân tích bao dữ liệu hai giai đoạn (Two-Stage DEA) được sử dụng để xác định sự kém hiệu quả bắt nguồn từ các yếu tố bên trong giữa các tiểu hệ thống kinh tế - xã hội. Do đó, trong bài báo này, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu WRUE của lưu vực sông Đồng Nai trong lãnh thổ Việt Nam giai đoạn 2010 - 2017 với phương pháp tiếp cận phân tích bao dữ liệu hai giai đoạn nhằm xem xét sự đóng góp của tài nguyên nước vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, 29 tiểu lưu vực của lưu vực sông Đồng Nai được chọn làm đơn vị ra quyết định (DMU) để mô tả đặc điểm của WRUE. Mối quan hệ giữa sử dụng nước và phát triển kinh tế - xã hội được phân tích bằng cách áp dụng WRUE trong các tiểu hệ thống kinh tế và xã hội. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy: (i) Phần lớn nước được sử dụng cho nông nghiệp (72% lượng nước tiêu thụ), kế đến là công nghiệp (12%) và dịch vụ (9%); (ii) Về khía cạnh WRUE trong cả phân hệ kinh tế - xã hội, các tiểu lưu vực Phước Hòa và Sài Gòn có hiệu quả tối ưu. Sử dụng nước ở Cần Đơn là hiệu quả về mặt kỹ thuật. Tiểu lưu vực Đồng Nai 1-8 có hiệu quả kỹ thuật thấp nhất; (iii) Lưu vực sông Đồng Nai có sự thay đổi tích cực về năng suất các nhân tố tổng hợp theo thời gian, tuy nhiên WRUE giảm dần; và (iv) Khu vực thành thị sử dụng ít nước hơn khu vực nông thôn. Cải thiện WRUE là cần thiết để duy trì sử dụng nước ở các tiểu lưu vực thiếu nước trầm trọng như Phước Hòa, Sài Gòn và Cần Đơn. Như vậy, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp và công nghiệp ở lưu vực sông Đồng Nai đòi hỏi một lượng lớn nguồn nước đầu vào như một yếu tố sản xuất của nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu ngụ ý rằng mô hình phân tích bao dữ liệu hai giai đoạn rất hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách để đưa ra các quyết định đúng đắn trong quản lý tài nguyên nước và cải thiện WRUE.

Đóng góp mới của bài báo là việc phát triển và áp dụng mô hình phân tích bao dữ liệu ​​hai giai đoạn vào việc đo lường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước tại một lưu vực sông. Mô hình xác định các yếu tố chính tác động đến hiệu quả phát triển kinh tế của lưu vực sông Đồng Nai, đồng thời đo lường mối quan hệ trong sử dụng nguồn nước giữa các hệ thống phụ. Do đó, kết quả nghiên cứu cung cấp những hiểu biết quan trọng về các hàm ý chính sách đối với quản lý nguồn nước và cải thiện WRUE. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý nguồn nước và quản lý bền vững nguồn nước ở lưu vực sông Đồng Nai. Đồng thời, việc phân tích sự khác biệt giữa các tiểu lưu vực cung cấp cơ sở khoa học cho việc ra quyết định trong sử dụng, quản lý sử dụng tài nguyên nước của cộng đồng và chính quyền.

>> Thông tin bài báo:

Nguyen Truc Le, Nguyen An Thinh, Nguyen Thi Vinh Ha, Nguyen Dinh Tien, Nguyen Duc Lam, Nguyen Van Hong, Nguyen Tat Tuan, Ta Van Hanh, Nguyen Ngoc Khanh, Nguyen Ngoc Thanh, Luc Hens (2021), “Measuring water resource use efficiency of the Dong Nai River Basin (Vietnam): An application of the two-stage data envelopment analysis (DEA),” Environment, Development and Sustainability. https://doi.org/10.1007/s10668-021-01940-w (SCIE, Q2, IF = 3,219).


* Nhóm tác giả: 

  • Nguyễn Trúc Lê, Nguyễn An Thịnh, Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Nguyễn Đình Tiến, Nguyễn Đức Lâm: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
  • Nguyễn Văn Hồng, Tạ Văn Hạnh,: Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam
  • Nguyễn Tất Tuấn: Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD) - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
  • Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Ngọc Thanh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
  • Luc Hens: Flemish Institute for Technological Research (VITO), Mol, Bỉ

- Giới thiệu tác giả đứng đầu:

 

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê là chuyên gia tư vấn trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý tài chính và phát triển doanh nghiệp. Ông nhận bằng Thạc sĩ Kinh tế, chuyên ngành Tài chính Ngân hàng tại Đại học Gdansk (Ba Lan) năm 2000; nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Kingston London (Vương quốc Anh) năm 2006. 

Hiện ông là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, cố vấn nghiên cứu của Chính phủ trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống và cải cách hành chính công. Cho đến nay, ông đã xuất bản 5 sách chuyên khảo và 35 bài báo khoa học về kinh tế và kinh doanh trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. 

Hướng nghiên cứu chính của ông bao gồm: Kinh tế, quản lý kinh tế, quản trị chiến lược trong tổ chức công, quản trị chiến lược; Quản lý hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc KPIs, marketing và phát triển các kỹ năng; Phát triển quản lý hoạt động của các thị trường và tổ chức tài chính ngân hàng, kiểm soát kiểm toán; Hội nhập kinh tế quốc tế gắn với hội nhập chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nguồn nhân lực.