Tác động của ý định tái sử dụng nước thải đến sự hài lòng của cộng đồng tại Việt Nam

Thực tế đã chứng minh nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự sống của con người, cho sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia và là ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển bền vững. Đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cả về chất lượng và số lượng là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. 



Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Thu Hoài (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và các cộng sự với tiêu đề “Impact of Intention to Use Reused Wastewater for Community Satisfaction in Vietnam” đăng trên tạp chí Journal of Southwest Jiaotong University (tập 56, số 5, năm 2021) đã đánh giá tác động của ý định tái sử dụng nước thải đến sự hài lòng của cộng đồng tại Việt Nam, từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cấp báchhướng tới khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu sử dụng lý thuyết hành vi lập kế hoạch để đánh giá ý định tái sử dụng nước thải đến sự hài lòng của cộng đồng trong chu trình quản lý tài nguyên nước hiệu quả. Đây là lý thuyết thể hiện mối quan hệ giữa niềm tin và hành vi của một người, trong đó niềm tin được chia thành ba loại: niềm tin về hành vi, niềm tin theo các chuẩn mực chung và niềm tin vào khả năng tự kiểm soát.

Phạm vi bài viết chỉ đề cập đến yêu cầu chất lượng của nước tái sử dụng cho mục đích vệ sinh đô thị. Nước thải sinh hoạt sau xử lý được dùng trong vệ sinh đô thị như tưới cây, rửa đường, chữa cháy. Tiêu chuẩn chất lượng của nước thải sau xử lý sử dụng ở các đô thị thường cao hơn nhiều so với nước thải tái sử dụng trong nông nghiệp.

Để có dữ liệu nghiên cứu, nhóm đã gửi khảo sát đến 2.000 người ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng trong vòng ba tháng và đã thu được 1.255 phiếu. Sau khi làm sạch dữ liệu, đã có 1.009 phiếu hợp lệ để phân tích và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu. Kết quả khảo sát từ hơn 1.000 hộ gia đình tại 3 thành phố lớn cho thấy ý định của cộng đồng là tốt và đều có tác động tích cực đến sự hài lòng của người dân cũng nhưhiệu suất quản lý chu trình nước. Cả 5 yếu tố gồm cảm xúc, công bằng, rủi ro sức khỏe, chỉ tiêu chủ quan, sự tin tưởng, đều có tác động tích cực đến ý định sử dụng nước thải tái sử dụng. 

Nhìn chung, các phương án tái sử dụng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đã được nhiều nghiên cứu trước đây đề cập. Tuy nhiên, thực tế chưa có nghiên cứu nào đánh giá tác động của ý định tái sử dụng nước thải đến sự hài lòng của người dân và ảnh hưởng đến hiệu quả của quản lý tài nguyên nước, do đó đây được coi là nghiên cứu tiên phong về về đánh giá tác động của ý định tái sử dụng nước thải đến sự hài lòng của cộng đồng. Nếu như các nghiên cứu trước cho thấy rủi ro sức khỏe ảnh hưởng tiêu cực đến ý định thì nghiên cứu này lại cho thấy rủi ro sức khỏe ảnh hưởng tích cực đến ý định và sự hài lòng của cộng đồng.

Nghiên cứu chỉ ra Việt Nam hiện nay là một nước đang phát triển, vì vậy việc xây dựng các tiêu chuẩn về tái sử dụng nước thải là vô cùng cần thiết nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Đặt tiêu chí về chất lượng nước tái sử dụng quá cao như ở Mỹ, Nhật, Đức là điều không thể đối với Việt Nam hiện nay xét cả về điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ phát triển. Vì thế, để nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng dịch vụ vệ sinh môi trường thì chính quyền địa phương cần một công cụ để tính toán chi phí dịch vụ vệ sinh, đồng thời người sử dụng dịch vụ cần nhận thức được lợi ích mà dịch vụ mang lại và sẵn sàng chi trả chi phí dịch vụ. Các dự án thoát nước và xử lý nước thải cần thực hiện chương trình thông tin - giáo dục - truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề vệ sinh nói chung và nhận thức về lợi ích của vệ sinh. Nhờ đó, người sử dụng dịch vụ sẽ tích cực tham gia đấu nối đường ống thoát nước trong nhà vào hệ thống thoát nước công cộng, sẵn sàng trả giá dịch vụ, từ đó tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả doanh thu và thu hồi chi phí. Các chiến dịch truyền thông cũng có thể được sử dụng để truyền đạt các quy định về quản lý nước thải, bao gồm các chủ đề như thiết kế và xây dựng bể tự hoại, hút bùn định kỳ và quản lý bùn.

Theo đó, để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trong những năm tiếp theo, nghiên cứu xác định các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường trong các luật về môi trường, tài nguyên, thuế, ngân sách, đầu tư, xây dựng, khoa học và công nghệ, năng lượng nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường.

Thứ hai, tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi toàn quốc; rà soát, đánh giá tác động môi trường, các công trình bảo vệ môi trường, các biện pháp của các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải.

Thứ ba, xây dựng và triển khai Đề án cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa và bảo vệ môi trường, thực hiện đúng nguyên tắc: Người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường phải khắc phục và bồi thường thiệt hại.

Thứ tư, thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối vớikhai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Thứ sáu, tập trung đầu tư hệ thống quan trắc hoạt động khai thác nước và xả nước thải theo hướng xã hội hóa công tác giám sát lưu lượng và chất lượng nước thải. 

Thứ bảy, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế và triển khai các giải pháp giải quyết vấn đề khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước sông Hồng, sông Cửu Long với các nước đầu nguồn.


>> Xem chi tiết: Thi Nguyet Minh Hoang, Thi Thu Hoai Nguyen, Thi Kim Lien Tran, Thi Kim Phượng Tran, Thi Diep Uyen Doan, “Impact of Intention to Use Reused Wastewater for Community Satisfaction in Vietnam” Journal of Southwest Jiaotong University, Vol. 56, No. 5 (2021), pp. 45-58. http://www.jsju.org/index.php/journal/article/view/1021

>>Nhóm tác giả:

  • TS. Hoàng Thị Nguyệt Minh - Trường Đại học Tài nguyên Môi trường
  • PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
  • ThS. Trần Thị Kim Liên - Trường Đại học Kinh tế và Công nghiệp Hà Nội
  • Ths. Trần Thị Kim Phượng- Trường Đại học Kinh tế và Công nghiệp Hà Nội

Tác giả tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. 

PGS.TS. Thu Hoài đã tham gia thực hiện 2 đề tài trọng điểm cấp Nhà nước; 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và các cấp; chủ biên, đồng chủ biên và tham gia viết 8 giáo trình, sách chuyên khảo dành cho đào tạo đại học và sau đại học; công bố nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và tạp chí quốc tế uy tín. Hiện bà là thành viên Ban Biên tập tạp chí The Journal of Research in Social Sciences and Language (JSSAL) - CHLB Đức. Nghiên cứu của bà tập trung vào các hướng chính: Khủng hoảng tài chính toàn cầu; Toàn cầu hóa và mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập kinh tế quốc tế; An ninh kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.