Luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn có làm giảm tỷ lệ cảnh sát bắn chết người ở Mỹ?

Trong số các nước công nghiệp phát triển, Mỹ nắm giữ hai kỷ lục có phần đáng tiếc: tỷ lệ cảnh sát bắn chết người cao nhất và tỷ lệ tử vong liên quan đến súng cao nhất. Kỷ lục thứ hai có liên quan đến sự phổ biến của súng, chủ yếu là do luật cho phép sở hữu, mua bán và sử dụng súng ở các bang. Do đó, trong bài báo “Firearms law and fatal police shootings: A panel data analysis” đăng trên Applied Economics Vol. 54, Is. 24 (2022), 2022, nhóm tác giả Nguyễn Bích Diệp và Marco Rogna đã nghiên cứu mối quan hệ giữa luật kiểm soát súng và số vụ cảnh sát bắn chết người, sử dụng bộ dữ liệu cấp tiểu bang trong giai đoạn 2012-2018.



Kết quả nghiên cứu xác nhận luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn sẽ làm giảm tỷ lệ các sĩ quan cảnh sát sử dụng súng làm chết người, điều đã được khẳng định trong các nghiên cứu sử dụng dữ liệu chéo trước đây. Tuy nhiên, trái ngược với các nghiên cứu trước, bài báo cho thấy tác động này không liên quan đến mức độ phổ biến của súng. Thay vào đó, các quy định liên quan đến trách nhiệm của chủ sở hữu súng tỏ ra hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ bắn chết người của cảnh sát. 

Từ các kết quả trên, bài báo khuyến nghị nỗ lực giảm bạo lực súng đạn ở Mỹ nên tập trung vào việc thắt chặt các quy định về trách nhiệm của người sở hữu súng, bao gồm việc cấp phép mua bán và sở hữu súng, đăng ký súng, cũng như yêu cầu báo cáo những trường hợp trộm cắp, thất lạc súng. Điều này sẽ bẻ gãy mối liên hệ giữa hai thị trường súng đạn hợp pháp và bất hợp pháp, góp phần hạn chế khả năng tiếp cận súng của những cá nhân có mức độ rủi ro cao (như những người có khuyết tật về tâm thần, người nghiện, người có tiền án tiền sự…), làm giảm mức độ nguy hiểm của môi trường làm việc của cảnh sát và giảm nguy cơ cảnh sát phải sử dụng súng trong khi làm việc. 

 

Thông tin tác giả Trường Đại học Kinh tế

TS. Nguyễn Bích Diệp hiện là giảng viên Bộ môn Kinh tế học, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Bà nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế ứng dụng tại Đại học Basel, Thụy Sĩ (2020). Các hướng nghiên cứu chính gồm: gia đình và trẻ em, y tế, giáo dục.

Thông tin bài báo

Marco Rogna & Bich Diep Nguyen (2022). Firearms law and fatal police shootings: A panel data analysis. Applied Economics 54 (24) 3121-3137. https://doi.org/10.1080/00036846.2021.2003290


Trường Đại học Kinh tế


Các tin khác