Vì sao tỷ lệ sử dụng các biện pháp y tế dự phòng lại thấp? Một thí nghiệm về việc ra quyết định trong lĩnh vực y tế dự phòng

Trong bối cảnh tỷ lệ cá nhân sử dụng các biện pháp y tế dự phòng vẫn còn thấp, nghiên cứu của TS. Nguyễn Bích Diệp (Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế) và cộng sự với tiêu đề “Learn or react? An experimental study of preventive health decision making”, đăng trên tạp chí “Experimental Economics” số 24 (2021) góp phần lý giải thực trạng này với các phát hiện mới hữu ích đối với việc ra quyết định trong lĩnh vực y tế dự phòng.



Mặc dù các biện pháp y tế dự phòng, từ đánh răng, sử dụng kem chống nắng, tập thể dục đến tầm soát ung thư… được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc bảo vệ sức khỏe, giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tỷ lệ sử dụng các biện pháp này nhìn chung vẫn còn thấp tại cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Nghiên cứu này góp phần lý giải thực trạng đó bằng cách xây dựng một mô hình lý thuyết về việc ra quyết định sử dụng các biện pháp y tế dự phòng và kiểm tra mô hình này thông qua thí nghiệm. Kết quả cho thấy do các biện pháp y tế dự phòng thường làm giảm nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng nhiễm bệnh, những người sợ rủi ro và đánh giá thấp hiệu quả phòng bệnh sẽ không lựa chọn sử dụng các biện pháp này. Hơn nữa, tỷ lệ sử dụng các biện pháp phòng ngừa sẽ giảm dần theo thời gian. Cuối cùng, nhiều người phản ứng mạnh mẽ với các kết quả về sức khỏe của họ, tăng cường sử dụng các biện pháp phòng ngừa nếu họ chưa sử dụng và nhiễm bệnh, cũng như ngừng sử dụng các biện pháp phòng ngừa nếu như họ đã sử dụng mà vẫn nhiễm bệnh. 

Bất chấp những nỗ lực trong lĩnh vực y tế cộng đồng, tỷ lệ cá nhân sử dụng các biện pháp y tế dự phòng nhìn chung vẫn còn thấp. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả phát triển một mô hình về việc ra quyết định trong lĩnh vực y tế dự phòng và kiểm tra thông qua một thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. 

Trong mô hình, các cá nhân lý trí quyết định xem có nên sử dụng các công nghệ y tế giúp làm giảm, nhưng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ xảy ra các biến cố sức khỏe bất lợi hay không. Nhóm tác giả đã chứng minh rằng miễn là các cá nhân sợ rủi ro và có niềm tin khác nhau về hiệu quả của các biện pháp này, tỷ lệ sử dụng các công nghệ là có giới hạn ngay từ đầu và sẽ giảm dần theo thời gian khi những người dùng có trải nghiệm tiêu cực giảm niềm tin của họ về mức độ hiệu quả của công nghệ. 

Nhóm tác giả cũng đã kiểm tra các dự đoán của mô hình lý thuyết qua thử nghiệm tại phòng thí nghiệm Harvard Decision Sciences Laboratory, với sự tham gia của 679 tình nguyện viên. Kết quả cho thấy thấy tỷ lệ sử dụng các biện pháp phòng ngừa ban đầu đạt từ 65-80%, tuy nhiên tỷ lệ này giảm đáng kể theo thời gian, phù hợp với dự đoán của mô hình. Việc gửi thông điệp khuyến khích sử dụng các biện pháp y tế dự phòng giúp tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp này khoảng 6 điểm phần trăm.

Hình 1: Tỷ lệ sử dụng công nghệ giảm dần theo thời gian

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về việc ra quyết định không phù hợp với mô hình. Mô hình dự đoán rằng các cá nhân lý trí sẽ phản ứng như nhau đối với các kết quả sức khỏe trong quá khứ, tuy nhiên trên thực tế, các cá nhân phản ứng mạnh mẽ hơn với các kết quả sức khỏe gần đây nhất. Trong mô hình, nếu cá nhân biết trước nguy cơ nhiễm bệnh khi không phòng ngừa, họ sẽ không phản ứng với các kết quả sức khỏe khi không phòng ngừa bởi vì các kết quả này không đem lại thông tin mới. Trên thực tế, các cá nhân có xu hướng phản ứng với các kết quả sức khỏe tiêu cực bằng cách tăng cường đầu tư vào việc phòng ngừa. 

Các phát hiện trên gợi ý rằng tỷ lệ sử dụng các công nghệ y tế dự phòng sẽ chỉ cao nếu nguy cơ nhiễm bệnh khi không có biện pháp phòng ngừa là cao, hoặc nếu các công nghệ y tế dự phòng có hiệu quả đến mức khiến nguy cơ nhiễm bệnh khi phòng ngừa giảm xuống còn rất thấp. Do đó, đối với các công nghệ dự phòng có khả năng xảy ra rủi ro tương đối cao, để đạt được tỷ lệ sử dụng cao cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn như khuyến khích tài chính, áp lực xã hội hoặc các quy định pháp lý.

>> Về vài báo: Fink, G., McConnel, M., Nguyen, B.D. (2021), “Learn or React? An Experimental Study of Preventive Health Decision Making”, Experimental Economics, 24, 206-237. https://doi.org/10.1007/s10683-020-09668-6

>> Nhóm tác giả: 

  • Günther Fink: Viện Y tế Công cộng và Nhiệt đới Thụy Siz, Đại học Basel
  • Margaret McConnell: Trường Y tế Công cộng Harvard
  • Nguyễn Bích Diệp: Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN

TS. Nguyễn Bích Diệp hiện là giảng viên Bộ môn Kinh tế học, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Bà nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế ứng dụng tại Đại học Basel, Thụy Sĩ (2020). Các hướng nghiên cứu chính gồm: gia đình và trẻ em, y tế, giáo dục.




Các tin khác

<12>