Thặng dư cán cân thanh toán quốc tế và một số hàm ý chính sách

Cán cân thanh toán (BoP) là một chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng phản ánh bức tranh tổng thể về các giao dịch kinh tế quốc tế của một quốc gia. Dựa trên phương pháp thống kê mô tả, so sánh, phân tích và tổng hợp, nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Vũ Hà với tiêu đề “Surplus in balance of payments and some policy recommendations for Vietnam” đăng trên tạp chí Russian Journal of Vietnamese Studies Vol. 6, No. 1 (2022) đã cho thấy thặng dư trong cán cân vãng lai của Việt Nam chủ yếu là do thặng dư trong cán cân thương mại.



Mặc dù nhận được lượng kiều hối lớn nhưng số tiền Việt Nam phải trả cho các nhà đầu tư nước ngoài luôn vượt quá nhiều so với số tiền Việt Nam thu được từ việc đầu tư ra nước ngoài. Điều này khiến cho cán cân thu nhập của Việt Nam luôn bị thâm hụt. Bên cạnh cán cân tài khoản vãng lại, cán cân tài khoản tài chính của Việt Nam cũng thặng dư do đã nhận được một lượng lớn các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thặng dư trong BoP của Việt Nam đã nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam, nhưng lại gây áp lực tăng giá đồng nội tệ và cảnh báo về những bất ổn kinh tế vĩ mô trong tương lai. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần xác định ưu tiên chính sách ổn định tỷ giá hối đoái hoặc chính sách tiền tệ độc lập trong bối cảnh tài khoản vốn ngày càng được tự do hóa.

Kết quả khảo cứu thặng dư trong BoP của Việt Nam trong những năm gần đây có thể thấy:

Thứ nhất, thặng dư trong CA ở Việt Nam chủ yếu là do thặng dư trong cán cân thương mại. Điều này thể hiện lợi thế so sánh của Việt Nam trong việc cung cấp các hàng hoá. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu đến từ khu vực FDI, do đó bất cứ biến động nào trong cán cân đầu tư trực tiếp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu của Việt Nam. Thặng dư cán cân vãng lai đã tạo áp lực nâng giá Việt Nam đồng khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp để ổn định tỷ giá. Việc can thiệp này một mặt tạo ra các áp lực tới cung tiền và lạm phát, mặt khác lại có thể tạo ra các căng thẳng thương mại với các nước đối tác. Chính vì vậy, trong tương lai Việt Nam cần xác định mức độ ưu tiên chính sách ổn định tỷ giá hay chính sách tiền tệ độc lập trong điều kiện tài khoản vốn ngày càng được tự do hóa. 

Thứ hai, thặng dư trong cán cân tài chính ở Việt Nam chủ yếu là do quốc gia đã thu hút được một lượng lớn vốn FDI vào trong nước. Do đó, khi điều kiện kinh tế nước ngoài kém thuận lợi hoặc môi trường kinh tế trong nước không ổn định, dòng vốn này có thể biến động mạnh và gây bất ổn cho nền kinh tế Việt Nam. Thêm vào đó, thặng dư trong cán cân tài chính của Việt Nam là không bền vững vì ngoài FDI, vốn đầu tư khác vào và ra khỏi Việt Nam với mức độ dao động lớn. Cụ thể là dòng vốn vay biến động rất mạnh cả vốn vay ngắn hạn và vốn vay dài hạn. Mặc dù mức độ thặng dư trong cán cân vốn vay dài hạn lớn hơn mức độ thâm hụt trong cán cân vốn vay ngắn hạn nhưng tổng vốn vay ngắn hạn lại lớn hơn gần gấp 2 lần so với vốn vay dài hạn. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc quản lý các dòng vốn nước ngoài và có thể tạo ra rủi ro về sự đảo chiều dòng vốn tại Việt Nam. Hiện nay, công tác quản lý các giao dịch vốn được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong khi quản lý chặt chẽ, thận trọng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Theo Krugman P. (2018), Trung Quốc và Đài Loan thường duy trì kiểm soát vốn và có thặng dư tài khoản vãng lai trong thời kỳ trước khủng hoảng, do đó không bị ảnh hưởng nhiều trong cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, theo cam kết với WTO, Việt Nam cần phải tự do hóa FA vào năm 2018. Do đó, việc kiểm soát vốn sẽ phải gỡ bỏ trong tương lai.

Thứ ba, thặng dư trong BoP của Việt Nam đã nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam, tuy nhiên, nó có thể phản ánh mức độ kém hiệu quả của khu vực kinh tế trong nước trong việc cung cấp các hàng hóa xuất khẩu hoặc có tồn tại các ràng buộc trong khu vực đầu tư tư nhân trong nước. Ngoài ra, tích lũy dư thừa dự trữ ngoại hối có thể tạo áp lực tăng lạm phát và dẫn tới bùng nổ tín dụng trong tương lai. Thêm vào đó chi phí trung hoà hóa ở Việt Nam là khá cao, do đó việc tiếp tục can thiệp và trung hòa hóa tác động tới cung tiền và lạm phát khó có thể kéo dài mãi mãi. Chính vì vậy, điều cấp thiết hiện nay là phải hỗ trợ và cải thiện đầu tư tư nhân, tiến tới cơ chế thả nổi tỷ giá một cách từ từ và có lộ trình trong tương lai.

>> Thông tin bài báo:

Nguyen Thi V.H. (2022). Surplus in balance of payments and some policy recommendations for Vietnam. Russian Journal of Vietnamese Studies, 6 (1), 28-39. https://doi.org/10.54631/VS.2022.61-105384

>> Thông tin tác giả:

TS. Nguyễn Thị Vũ Hà nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2014, hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Tài chính Quốc tế thuộc Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu về tài chính quốc tế, quản trị tài chính quốc tế, quản lý dự án quốc tế… Hướng nghiên cứu chính của bà gồm tỷ giá hối đoái, hợp tác tài chính tiền tệ, hội nhập kinh tế, điều tiết các dòng vốn nước ngoài, viện trợ phát triển chính thức và hợp tác kinh tế biên giới…

Trường Đại học Kinh tế


Các tin khác