Đặc tính biến động của giá cà phê Việt Nam xuất khẩu và cơ chế truyền dẫn của các nhân tố ảnh hưởng: Cách tiếp cận chuyển đổi trạng thái Markov

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam. Mặc dù là quốc gia đứng số một thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, Việt Nam vẫn đang hoàn toàn bị động trong việc kiểm soát biến động giá cà phê Robusta xuất khẩu. 



Với nghiên cứu “The volatility characteristics of Vietnamese coffee export price and transmission mechanism of influencing factors: A Markov switching approach” được công bố trên tạp chí Journal of Asia Business Studies Vol. 15, No.5 (2021), Đặng Trung Tuyến và các cộng sự đã đưa ra một cách tiếp cận mới về phân tích đặc điểm biến động giá cũng như cơ chế truyền dẫn của các nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động của cà phê Việt Nam xuất khẩu bằng việc sử dụng mô hình chuyển đổi trạng thái Markov.

Khi nghiên cứu về biến động giá và sự ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động giá các mặt hàng nông nghiệp, các tác giả trên thế giới đã sử dụng nhiều cách tiếp cận cùng các mô hình khác nhau như VAR, ARCH, GARCH… và các mô hình nâng cao của chúng. Tuy nhiên, dường như các mô hình này ít được sử dụng ở Việt Nam khi nghiên cứu biến động giá của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là giá cà phê.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm tác giả đã sử dụng một cách tiếp cận tương đối mới và ít được sử dụng là mô hình chuyển đổi trạng thái Markov để phân tích đặc tính biến động giá cà phê Việt Nam xuất khẩu cũng như cơ chế truyền dẫn ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động đó. Các nhân tố được nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu bao gồm: Giá kỳ hạn thứ nhất trên thị trường tương lai thế giới của cà phê Robusta, cà phê Arabica, dầu mỏ thế giới và nhân tố cuối cùng là tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam đồng (VND) và đôla Mỹ (USD).

Sau khi nghiên cứu, nhóm tác giả phát hiện ra rằng, sự biến động của bản thân giá cà phê Việt Nam xuất khẩu là phi tuyến tính và chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố. Trong đó, giá của kỳ trước đó có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành của giá kỳ này, tiếp theo là sự ảnh hưởng của giá kỳ hạn thứ nhất trên thị trường tương lai thế giới của cà phê Robusta. Đây cũng là nhân tố có sự tương quan lớn nhất với giá cà phê Việt Nam xuất khẩu ở tất cả các trạng thái biến động.

Từ các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp để quản lý biến động giá cà phê Việt Nam xuất khẩu như: (1) Phát triển năng lực chế biến, chiếm lĩnh thị trường trong nước, hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài; (2) Phát triển các sở giao dịch hàng hóa, thị trường tương lai để các đối tượng liên quan có thêm công cụ quản lý rủi ro biến động giá khi cần thiết; (3) Quy hoạch, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng cà phê, hạn chế phát triển số lượng, diện tích cà phê ồ ạt, tránh phá vỡ nguồn cung, gây áp lực giảm giá…

>> Về bài báo: Dang, T.Caihong, Z.Nguyen, T.Nguyen, N. and Tran, C. (2021), “The volatility characteristics of Vietnamese coffee export price and transmission mechanism of influencing factors: A Markov switching approach,” Journal of Asia Business Studies, Vol. 15, No. 5, pp. 784-803. 

Link web: https://doi.org/10.1108/JABS-04-2019-0134

================

Nhóm tác giả:

  • Đặng Trung Tuyến: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Zhang Caihong: Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh, Trung Quốc
  • Nguyễn Thị Hồng: Trường Cao đẳng FPT Polytechnic
  • Nguyễn Ngọc Trung: Trường Đại học Điện lực
  • Trần Cương: Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên

Tác giả thuộc trường ĐHKT - ĐHQGHN: 

TS. Đặng Trung Tuyến hiện là giảng viên Bộ môn Kinh tế Chính trị - Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Lâm Nghiệp Bắc Kinh, Trung Quốc.

TS. Đặng Trung Tuyến có nhiều năm làm việc, nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Hướng nghiên cứu chuyên sâu của ông gồm: Phân tích chuỗi thời gian, biến động giá, kinh tế du lịch, kinh tế số, xóa đói, giảm nghèo. 

TS. Đặng Trung Tuyến đang tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và là tác giả của gần 10 bài báo được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.

 




Các tin khác

<123>